CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) > Tin tức - Sự kiện

Thứ Sáu, 19/04/2024 | 17:42:18 GMT+7

Phỏng vấn Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP

28/09/2020 | 11188 lượt xem

8-8-hoi-thao-1-n-m.jpg

PGS. TS. Phan Thị Thu Hương trong Hội nghị PrEp Việt Nam: một năm nhìn lại

Trước hết, bác sĩ giải thích rõ về PrEP- biện pháp dự phòng bổ sung đối với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV?

Hiện nay có rất nhiều nước trên Thế giới cho phép sử dụng PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV như một biện pháp dự phòng bổ sung bên cạnh những biện pháp dự phòng phổ cập như bao cao su, bơm kim tiêm.

Bên canh đó hiện nay, điều trị HIV/AIDS cũng đóng vai trò dự phòng hiệu quả. Nếu người nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV tốt và đạt được ngưỡng ức chế tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml thì sẽ không có khả năng lây truyền HIV qua QHTD (K=K).

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP – viết tắt của cụm từ tiếng Anh là Pre – Exposure Prophylaxis) là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV. PrEP có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV 96-99% nếu tuân thủ điều trị tốt.

Tổ chức Y tế Thế giới lần đầu tiên đưa ra khuyến cáo về sử dụng PrEP uống hàng ngày để dự phòng lây nhiễm HIV ở những người có nguy cơ cao nhiễm HIV vào năm 2014 và 2 năm sau trong khuyến cáo bổ sung vào năm 2016, WHO có nhấn mạnh thuốc điều trị PrEP có chứa TDF nên được cung cấp như một biện pháp dự phòng bổ sung trong gói dự phòng kết hợp cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Thuốc PrEP được sử dụng như thế nào?

Hiện nay có 2 hình thức sử dụng PrEP là PrEP hằng ngày (daily PrEP) và PrEP theo tình huống (ED-PrEP).

- Đối với PrEP hàng ngày: là sử dụng thuốc ARV uống hàng ngày để dự phòng lây nhiễm HIV. PrEP hàng ngày được chỉ định cho mọi đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm, người tiêm chích ma tuý và vợ hoặc chồng âm tính của người có HIV (+) có tải lượng HIV trong máu trên 200 bản sao/ml.

- Đối với PrEP tình huống: uống theo công thức 2-1-1. Nghĩa là uống thuốc ARV 2 viên trước khi có QHTD từ 2-24 giờ. Tiếp tục uống viên thứ 3 sau 24 giờ uống liều đầu tiên và viên thứ 4 sau 24 giờ uống liều thứ hai. ED-PrEP được chỉ định dùng cho nhóm nam QHTD đồng giới (MSM) và có tần suất QHTD ít (dưới 2 lần/tuần).

Việc sử dụng thuốc thường có tác dụng phụ nhất định, vậy với PrEP thì liệu có tác dụng phụ không và bác sĩ có lưu ý gì khi sử dụng PrEP?

Điều trị PrEP bằng thuốc ARV về cơ bản là an toàn và hiệu quả và đã được WHO khuyến cáo sử dụng. Chỉ một số ít người gặp tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu… nhưng các tác dụng phụ thường nhẹ và chấm dứt sau 1-2 tuần đầu tiên.

Thuốc ARV dùng để điều trị PrEP là thuốc có chứa Tenofovir (TDF). Vì vậy PrEP chống chỉ định đối với những trường hợp:

-         Suy giảm chức năng thận: xét nghiệm creatinine <60 ml/phút

-         Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc

-         Người dưới 35 kg.

PrEP được chứng minh rất hiệu quả với ba nhóm đối tượng, trong đó có nam trong nhóm MSM (nam QHTD đồng giới). Bác sĩ có thể lý giải rõ hơn về điều này?

Điều trị PrEP rất có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV qua QHTD trên 90%. Trong đó, nhóm MSM lại chủ yếu lây truyền HIV qua QHTD. Kết quả của nghiên cứu iPrEP tại Việt Nam, với 2.499 MSM và người chuyển giới nữ tham gia cho thấy: những người sử dụng PrEP hằng ngày đạt được tỷ lệ bảo vệ khỏi lây nhiễm HIV lên tới 99%.

Theo thống kê, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) cao và có xu hướng tăng nhanh. Thực tế hiện nay, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới ở nước ta đã được tiếp cận với biện pháp dự phòng này ra sao?

Như các bạn biết, hình thái dịch HIV ở Việt Nam có sự thay đổi. Nếu như trước đây tỷ lệ lây nhiễm HIV cao trong nhóm phụ nữ bán dâm và người tiêm chích ma tuý thì trong khoảng 4 năm gần đây (từ 2016 đến nay) tỷ lệ lây nhiễm HIV có xu hướng tăng trong nhóm nam QHTD đồng giới (MSM).

Theo số liệu ước tính của Bộ Y tế, tại Việt Nam có khoảng 200.000 MSM. Một nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM khoảng 14% (nghĩa là cứ 100 MSM sẽ có 14 người nhiễm HIV). Đây là con số báo động và cần phải được can thiệp ngay để khống chế dịch HIV lây lan.

Hiện nay các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm MSM gồm:

-         Cung cấp bao cao su và chất bôi trơn:

+ Miễn phí bao cao su và chất bôi trơn qua các kênh nhân viên tiếp cận cộng đồng và qua các nhóm cung cấp dịch vụ y tế cho MSM: các phòng khám HIV/AIDS, phòng khám STIs…

+ Bán trợ giá: do các chương trình, dự án hỗ trợ.

+ Bán thương mại: tại các kênh truyền thống như hiệu thuốc, cơ sở y tế, phòng khám tư nhân, cửa hàng tiện ích, siêu thị, khu du lịch, quán bar, khách sạn….

- Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP):

+ Hiện nay có hơn 7.600 khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP tại 26 tỉnh, thành phố. Trong đó 77% là nam QHTD đồng giới (khoảng 5.800 người).

Chúng tôi kỳ vọng trong những năm tới sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ PrEP và tăng tiếp cận với nhiều người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao có nhu cầu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Các chuyên gia đã khuyến cáo việc tuần thủ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm đến 95%. Vậy làm thế nào để nhóm MSM có thể tiếp cận PrEP hiệu quả?

 Hiện nay chúng tôi đang triển khai đa dạng hoá các hình thức tiếp cận nhóm MSM và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội như: tiếp cận quảng bá dịch vụ trên các trang mạng xã hội (fanpage, website, facebook, apps…)

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tăng cường tổ chức các sự kiện truyền thông quảng bá dịch vụ điều trị PrEP: hội nghị, hội thảo, sự kiện của nhóm MSM, các cuộc thi

Mở rộng truyền thông trên các các kênh thông tin truyền thống như ti vi, đài, báo….

Bên cạnh vấn đề truyền thông tạo cầu, chúng tôi cũng mở rộng nhiều điểm cung cấp dịch vụ (tại cơ sở y tế nhà nước và tư nhân) để những người có nguy cơ cao nhiễm HIV có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ

Bao cao su là biện pháp hiệu quả trong dự phòng lây nhiễm HIV nhưng không phải là biện pháp hoàn hảo với tất cả mọi người. Vậy có những biện pháp hiệu quả nào trong dự phòng lây nhiễm HIV hiện nay?

Như tôi đã đề cập ở những câu hỏi trước, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiện nay gồm:

-         Sử dụng BCS đúng cách khi QHTD

-         Sử dụng bơm kim tiêm sạch và không dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma tuý

-         Điều trị dự phòng phơi nhiễm bằng thuốc kháng vi rút, bao gồm điều trị PrEP (trước phơi nhiễm) và PEP (sau phơi nhiễm)

-         Điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV để người bệnh đạt được tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml máu để dự phòng lây truyền HIV cho vợ/chồng/bạn tình của họ qua QHTD

Nhưng có ý kiến cho rằng dùng PrEP sẽ khiến mọi người chủ quan hay làm tăng các hành vi nguy cơ hơn?

Không loại trừ việc PrEP rất hiệu quả trong dự phòng lây nhiễm HIV khiến nhiều người chủ quan khi điều trị PrEP, mặc dù đã được bác sĩ khám, tư vấn cẩn thận. Phát thuốc PrEP thường kèm cả phát thêm BCS cho khách hàng.

Ban đầu khi mới triển khai chương trình chúng tôi cũng e ngại việc đó nhưng khi phân tích số liệu sâu hơn về điều trị PrEP, chúng tôi nhận thấy cần phải tăng cường công tác tư vấn thêm cho khách hàng hiểu rõ về điều trị PrEP và PrEP chỉ hiệu quả khi khách hàng tuân thủ điều trị tốt và có các biện pháp giảm thiểu tác hại như bao cao su, bơm kim tiêm, điều trị MMT.

PrEP dùng với bao cao su sẽ hỗ trợ tốt hơn trong dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như thế nào?

Đúng như vậy, đó là mô hình hoàn hảo mà chúng tôi muốn hướng tới. PrEP phòng lây nhiễm HIV nhưng không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, chlamydia, sùi mào gà, viêm gan B, C… Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam, khách hàng đang sử dụng dịch vụ PrEP vẫn nên tiếp tục sử dụng cả bao cao su để được dự phòng cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV hơn nữa.

PrEP được biết đến là biện pháp dự phòng HIV lây truyền qua đường tình dục hiệu quả. Tuy vậy, nhiều người băn khoăn về chi phí khi sử dụng biện pháp này?

Nếu không đủ tiền chi trả thì những người thuộc nhóm nguy cơ có thể tiếp cận phương pháp này theo cách nào, thưa bác sĩ?

Hiên nay giá thuốc PrEP trên thị trường khoảng 900k – 1 triệu/hộp, nhưng khi người sử dụng ngày càng nhiều thì giá thuốc sẽ được giảm nhanh. Kỳ vọng của chương trình là tăng số người sử dụng dịch vụ PrEP để giảm thiểu lây nhiễm mới HIV trong nhóm nguy cơ cao và giảm giá thành thuốc.

Hiện nay Bộ Y tế đang cung cấp dịch vụ điều trị PrEP miễn phí cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Các dịch vụ miễn phí như chi phí tư vấn, khám bệnh, miễn phí thuốc ARV và một số xét nghiệm phục vụ cho điều trị PrEP tại 26 tỉnh, thành phố với 125 cơ sở điều trị PrEP (93 cơ sở y tế nhà nước và 32 cơ sở y tế tư nhân). Những khách hàng có nhu cầu ở các tỉnh lân cận (không thuộc 26 tỉnh, thành phố trên) có thể đến các cơ sở điều trị PrEP sẵn có để nhận dịch vụ.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ mở rộng điều trị PrEP tại các tỉnh, thành khác, cụ thể năm 2020 sẽ cung cấp dịch vụ PrEP cho gần 16.000 khách hàng có nhu cầu, tới năm 2021 thì con số này sẽ tăng gấp đôi khoảng 30.000 khách hàng.

Nhằm tăng tiếp cận người có nguy cơ cao lây nhiễm và có nhu cầu sử dụng dịch vụ, đảm bảo tiếp cận được càng nhiều càng tốt. Như vậy mới đảm bảo được việc khống chế dịch và giảm tỷ lệ lây nhiễm mới HIV.

 PrEP- thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV có thể mua được ở đâu?

 Thuốc ARV cho điều trị PrEP hiện được phát miễn phí tại … cơ sở điều trị PrEP của 26 tỉnh, thành phố. Người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV trên toàn quốc nên đến các cơ sở này để được sàng lọc, tư vấn và khám bệnh. Nếu đủ tiêu chuẩn điều trị PrEP, khách hàng sẽ được cung cấp miễn phí thuốc ARV.

Những người thuộc nhóm nguy cơ có thể tự mua PrEP để điều trị dự phòng lây nhiễm HIV được không, thưa bác sĩ?

Thuốc ARV cho điều trị PrEP là thuốc bắt buộc phải kê đơn của bác sĩ. Những người thuộc nhóm nguy cơ không nên tự mua thuốc PrEP để điều trị dự phòng lây nhiễm HIV. Lý do:

          PrEP là an toàn và hiệu quả cho nhóm có nguy cơ cao nhưng để được chỉ định PrEP, khách hàng cần được sàng lọc kỹ về hành vi nguy cơ và khám trước khi chỉ định. Vì PrEP chống chỉ định đối với một số trường hợp sau:

-         HIV dương tính

-         Độ thanh thải creatinine ước tính < 60 ml/phút

-         Dị ứng hoặc chống chỉ định với bất kỳ thuốc nào trong phác đồ PrEP (tức di ứng với tenofovir).

Bên cạnh đó:

-         Không chỉ định PrEP nếu khách hàng có phơi nhiễm HIV trong vòng 72 giờ qua. Trường hợp này cần đánh giá và kê đơn điều trị dự phòng SAU phơi nhiễm (PEP), và sau đó mới xem xét chỉ định PrEP

-         Không cần chỉ định PrEP nếu chỉ có một bạn tình duy nhất, xét nghiệm tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml và tuân thủ điều trị tốt.

Với những lý do đó, những người có nguy cơ cao nhiễm HIV không nên tự ý mua thuốc PrEP để điều trị dự phòng mà cần phải đến cơ sở y tế để được sàng lọc, khám và tư vấn điều trị phù hợp.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những cơ sở khám và điều trị PrEP trực tuyến để tạo điều kiện cho khách hàng ở xa có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ mà sẽ không cần phải đến trực tiếp (trừ khi có các triệu chứng bất thường).

Bác sĩ có khuyến cáo gì khi sử dụng biện pháp dự phòng PrEP?

Khách hàng điều trị PrEP cần tuân thủ điều trị tốt: uống thuốc theo chỉ định, tái khám đúng hẹn, xét nghiệm theo định kỳ và tiếp tục kết hợp vơi sử dụng các biện pháp giảm thiểu tác hại để bảo vệ tối đa khỏi việc lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Thùy Linh