CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Sẽ không làm lây truyền HIV cho người khác nếu tải lượng vi ...

Thứ Sáu, 29/03/2024 | 18:23:48 GMT+7

Sẽ không làm lây truyền HIV cho người khác nếu tải lượng vi rút thấp dưới ngưỡng phát hiện

08/08/2020 | 7583 lượt xem

Người nhiễm HIV sẽ không làm lây truyền HIV cho người khác nếu họ được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và có tải lượng vi rút thấp dưới ngưỡng phát hiện

Không phát hiện bằng không lây truyền
Theo TS John Blandford - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Hoa Kỳ tại Việt Nam (CDC Việt Nam): "Qua ba nghiên cứu mới đây với hàng ngàn cặp bạn tình và hàng ngàn hành vi tình dục không sử dụng bao cao su hoặc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) không có trường hợp nào lây truyền sang bạn tình khi bản thân dương tính HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng".
8-8-john.jpg

TS John Blandford - Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam

Cũng theo TS John Blandford, người nhiễm HIV sẽ mất khoảng 6 tháng để đạt được tải lượng vi rút không phát hiện.
"Điều này có nghĩa là người nhiễm HIV uống thuốc ARV hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ để đạt và duy trì tải lượng virus không phát hiện thì sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục" - TS John Blandford nói.
TS John Blandford cho rằng điều trị ARV đạt được ức chế virus, tức phải đạt dưới ngưỡng phát hiện là 200 bản sao/ml. Đây cũng là cơ sở cho ra đời thông điệp“Không phát hiện = Không lây truyền” mà tiếng Anh thường gọi là U=U và tiếng Việt gọi là K=K.
Tuy nhiên K=K chỉ áp dụng với đường tình dục, tức là người nhiễm HIV uống thuốc ARV hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ để đạt và duy trì tải lượng virus không phát hiện thì sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục, tức không lây nhiễm HIV qua vợ, chống hay bạn tình. Điều đó ngay cả với những người đã đạt và duy trì tải lượng virus không phát hiện thì HIV vẫn có thể lây truyền qua đường máu mà điển hình hay gặp là sử dụng bơm kim tiêm khi tiêm chích. K=K cũng không ngăn ngừa được lây truyền các bệnh qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, viêm gan B, C v.v… do vậy vẫn cần thiết sử dụng bao cao su để bảo vệ an toàn cho cả hai.

8-8-trinh-bay.jpg
Trình bày về bằng chứng khoa học K=K

Nhiễm HIV không phải là dấu chấm hết!
Với phát hiện khoa học trên đã mở ra cơ hội cho không chỉ với người nhiễm HIV trong việc họ được điều trị ARV và sống cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh mà còn có tác dụng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Nhiều người đến nay vẫn cho rằng, nhiễm HIV là mang một “bản án tử hình”, là “dấu chấm hết” cho cuộc đời vì sau khi xâm nhập cơ thể, HIV tấn công và tiêu diệt các tế bào bạch cầu của hệ miễn dịch, làm cho hệ miễn dịch dần dần bị suy yếu, cơ thể mất sức đề kháng, bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội tấn công và gây tử vong cho người nhiễm.
Hiện nay thuốc ARV đang được sử dụng rất phổ biến, do vậy nếu được điều trị sớm bằng ARV và tuân thủ điều trị, kết hợp chăm sóc và tự chăm sóc tốt, người nhiễm HIV có thể có thời gian sống khỏe mạnh tương đương tuổi thọ của người không nhiễm HIV. Do có thể sống khỏe mạnh dài lâu, người nhiễm HIV vẫn có thể lao động bình thường, vẫn có khả năng đóng góp cho gia đình và cho xã hội. Trên thực tế, nhiều người nhiễm HIV/AIDS đã vượt qua bệnh tật, sống lạc quan, làm việc tốt, trở thành những tấm gương tốt trong xã hội như bao người không nhiễm HIV/AIDS khác.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có gần 150.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV và khoảng 95% những người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ có tác động to lớn tới khống chế việc truyền HIV ở Việt Nam cũng như đảm bảo cho người nhiễm HIV tiếp tục sống cuộc sống khỏe mạnh và xóa bỏ đi quan niệm sai lầm lâu nay cho rằng: nhiễm HIV là mang một “bản án tử hình”, là “dấu chấm hết” của cuộc đời.

KT