CỤC PHÒNG, CHỐNG
HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Bộ Y tế họp chuẩn bị Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật y tế của Bộ Y tế - Tổ chức Y tế thế giới giai đoạn 2024-2027

Ngày 08/12/2023 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức cuộc họp chuẩn bị Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Y tế của Bộ Y tế - WHO giai đoạn 2024-2027. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chủ trì cuộc họp. 
 

Tham dự có PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; WHO và một số đơn vị liên quan.
 

                                                     Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, WHO đã đồng hành cùng Bộ Y tế Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ xây dựng chính sách ngành Y tế; Hỗ trợ về thuốc, vắc xin và trang thiết bị y tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và hậu COVID-19; WHO cũng đã hỗ trợ Việt Nam đối phó với các bệnh hiểm nghèo và kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm khác...
Một số chính sách quan trọng đã và đang được ban hành có phần đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ các Tổ chức Quốc tế mà trong đó WHO đóng vai trò tích cực, như là: Chỉ thị số 25 mới được Ban Bí thư ban hành gần đây về tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết số 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân...
“Chúng tôi hoan nghênh WHO trong việc tiếp thu ý kiến phía Việt Nam và đã có những thay đổi nhất định trong giai đoạn mới này để tạo tiền đề cho việc lập kế hoạch dài hạn hơn và mang lại kết quả phù hợp với các ưu tiên chiến lược của ngành Y tế”- Bộ trưởng phát biểu.
 
                                                                       Đoàn chủ tọa cuộc họp
 Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng thẳn thắn cho biết, ngành Y tế Việt Nam vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn như: Hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ; năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế; Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra; Tình trạng chênh lệch các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng giữa các vùng chưa được cải thiện; công tác hậu kiểm giá thuốc kê khai còn hạn chế; Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhất là ứng dụng trong triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu…
Trong thời gian vừa qua, vấn đề về xây dựng thể chế, chính sách y tế tiếp tục được hoàn thiện; Các biện pháp kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành và mới nổi kịp thời chuyển hướng, thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống dịch đồng thời với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Bộ Y tế đang tập trung vào các vấn đề về thể chế, pháp luật với định hướng điều chỉnh đó, Bộ Y tế đang hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Y tế. Đó là vấn đề quan trọng, cấp bách, vì vậy dự án hỗ trợ kỹ thuật do WHO viện trợ trong thời gian tới cần phù hợp để đáp ứng nhu cầu tình hình thực tiễn hiện nay”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

                                                                        Quang cảnh cuộc họp.
Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với WHO để xây dựng nội dung dự thảo văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật y tế của Bộ Y tế - WHO giai đoạn 2024-2027 tập trung vào 5 ưu tiên chiến lược:
- Tăng cường nền tảng thể chế cho hệ thống y tế phù hợp với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân;
- Tăng cường y tế cơ sở/chăm sóc sức khỏe ban đầu và tác động của các chương trình kiểm soát một số bệnh ưu tiên;
- Tăng cường năng lực chuẩn bị và ứng phó với các vấn đề an ninh y tế quốc gia dựa trên bài học rút ra từ COVID-19 và các tình huống khẩn cấp về y tế khác;
- Giảm các nguy cơ với sức khỏe và các yếu tố gây bệnh trong suốt cuộc đời;
- Tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe và sức khỏe môi trường. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các đại biểu thảo luận, phát biểu hết sức cụ thể, nêu ra các nhu cầu thực sự cần thiết và phù hợp: đó là góp ý dự thảo văn kiện dự án; Xây dựng, cung cấp hướng dẫn thực hiện hiệu quả các ưu tiên chiến lược nhằm đạt được tác động có thể đo lường được... ; Đề nghị WHO với vai trò tiên phong, điều hành sẽ thông qua nhóm đối tác y tế (HPG) để điều hành, điều tiết, đảm bảo những viện trợ của nước ngoài dành cho ngành Y tế Việt Nam đảm bảo hiệu quả tối đa...
 
                                   TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu.
TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật giữa WHO tại Việt Nam và Bộ Y tế, trong đó WHO hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các hoạt động đã được thống nhất trong các lĩnh vực ưu tiên dưới hình thức hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại.
Văn kiện này sẽ có thời hạn 4 năm (2024-2027) bao gồm hai chu kỳ 2 năm của WHO. Điều này tạo tiền đề cho việc lập kế hoạch dài hạn hơn và mang lại kết quả phù hợp với các ưu tiên chiến lược đã thống nhất.
Trong tình hình có những thách thức về thiết kế của văn kiện dự án hiện tại như đã nêu ở trên, Bộ trưởng Bộ Y tế và Trưởng đại diện WHO đã đồng ý với ba thay đổi lớn trong thiết kế Văn kiện dự án tiếp theo giữa BYT và WHO như sau:
1. Củng cố và có trọng tâm các hỗ trợ của WHO bằng cách giảm số lượng các hoạt động và dự án ở quy mô nhỏ (đơn cử, đã có hơn 330 hoạt động riêng lẻ trong chu kỳ văn kiện dự án 2022-2023, được thực hiện phân tán ở 47 đơn vị thực hiện khác nhau) để xây dựng một số lượng nhỏ hơn các dự án mang tính chiến lược cao hơn;
2. Ưu tiên các hoạt động về hỗ trợ chính sách, chiến lược, và kỹ thuật phù hợp với các ưu tiên về chính sách ở cấp độ quốc gia hơn là các hoạt động đơn lẻ, quy mô nhỏ và không mang tính hệ thống;
3. Phối hợp để chú trọng hơn vào tác động của các hoạt động chung, kèm theo giám sát và đo lường hiệu quả, để đảm bảo rằng công việc của chúng ta sẽ giúp đảm bảo sức khỏe tốt hơn cho người dân Việt Nam. Điều này có thể đạt được thông qua việc sử dụng phương pháp “Lý thuyết về sự thay đổi” trong xây dựng văn kiện dự án và xác định các hoạt động ưu tiên, cũng như tập trung hơn nữa vào việc theo dõi và đánh giá kết quả đầu ra.  (phụ lục 1 để biết dự thảo khung lý thuyết thay đổi cho văn kiện dự án 2024-2027).
Những thay đổi này nhằm mục đích tạo ra một văn kiện dự án tận dụng tốt nhất nguồn tài chính và nhân lực hữu hạn của WHO để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chiến lược và chính sách tốt nhất có thể cho Việt Nam, phù hợp với sứ mệnh và nhiệm vụ của WHO.
“Văn kiện giữa Bộ Y tế và WHO cần phản ánh được vai trò hỗ trợ chính sách, chiến lược và kỹ thuật của WHO, trong bối cảnh Việt Nam cần xây dựng một hệ thống y tế có khả năng đáp ứng với những thách thức mới về sức khỏe và bệnh tật của người dân trong hiện tại và tương lai”- TS. Angela Pratt nhấn mạnh.
 
Các đại biểu tham dự cuộc họp chuẩn bị Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật y tế của Bộ Y tế - WHO giai đoạn 2024-2027.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Trưởng đại diện WHO Angela Pratt cũng thống nhất thiết lập một nhóm công tác chung giữa Bộ Y tế và WHO để cùng xây dựng văn kiện dự án phù hợp với những thay đổi trên./

Bài viết liên quan