CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG, CHỐNG COVID-19 - NGƯỜI NHIỄM HIV ...

Thứ Bảy, 27/04/2024 | 06:24:00 GMT+7

TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG, CHỐNG COVID-19 - NGƯỜI NHIỄM HIV CẦN BIẾT

11/09/2021 | 18588 lượt xem | Kiều Trang

Ai là người cần được tiêm vắc xin phòng COVID 19?
Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không thuộc các nhóm đối tượng sau đây. 
Các đối tượng chống chỉ định tiêm
- Tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 cùng loại (lần trước). 
- Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.
Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng 
- Có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng. 
- Đang mắc bệnh cấp tính. 
- Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. 
Các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng: 
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác. 
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính. 
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi. 
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
- Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần. 
- Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: 
+ Nhiệt độ < 35,5 0C và > 37,5 0C. 
+ Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút. 
+ Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế) 
+ Nhịp thở > 25 lần/phút. 
Lịch tiêm vắc xin
Các vắc xin phòng COVID-19 hiện nay đều tiêm 2 liều (khoảng cách giữa hai liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất), cụ thể: 
- Vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca: Mũi 1 cách mũi 2: 8-12 tuần. 
- Vắc xin Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V): Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần.
- Vắc xin Comirnaty: Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần. 
- Vắc xin SARSCoV-2 Vaccine: Mũi 1 cách mũi 2: 3-4 tuần.
- Vắc xin COVID-19 Vaccine Moderna: Mũi 1 cách mũi 2: 4 tuần.
 
Đường tiêm vắc xin
Tiêm bắp, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin. 
Những điều cần nhớ trước và trong khi tiêm vắc xin 
- Cần tìm hiểu thông tin trước khi tiêm: Hiện nay có rất nhiều thông tin sai lệch về vắc-xin trên các trang mạng, vì vậy bạn cần phải biết chắt lọc thông tin từ các nguồn đáng tin cậy từ Bộ Y tế, các cơ sở y tế hat các tổ chức tin cậy như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)… Nếu bạn có bất kỳ băn khoăn nào về việc có nên tiêm phòng COVID-19 hay không, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. 
- Hãy nghỉ ngơi vào đêm trước khi tiêm và uống đầy đủ nước vào ngày tiêm.
- Giữ an toàn. Đảm bảo tuân thủ các biện pháp an toàn tại cơ sở tiêm chủng như giữ khoảng cách quy định và đeo khẩu trang.
- Khai báo với cán bộ y tế bất kỳ tình trạng sức khỏe nào cần đề phòng, chẳng hạn như đang mang thai hoặc suy giảm hệ miễn dịch.
 
Sau khi tiêm vắc xin cần lưu ý gì?
Theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng: 
Các phản ứng nghiêm trọng đến sức khỏe sau khi tiêm vắc xin COVID 19 rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên các cơ sở y tế sẽ theo dõi tình hình sức khỏe của bạn trong khoảng 15 phút sau khi tiêm vắc-xin để đảm bảo không có bất kỳ phản ứng tức thời nào. Người được tiêm vắc xin cần theo dõi các dấu hiệu triệu chứng sau (thời gian tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu). Nếu thấy các dấu hiệu sau cần báo ngay cho cơ sở tiêm chủng hoặc cơ sở y tế gần nhất:
- Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; 
- Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt. 
- Có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; 
- Phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; 
- Cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó; 
- Đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; 
- Đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; 
- Nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; 
- Khó thở, thở rít, khò khè, tím tái; 
Giữ thẻ tiêm chủng
Bạn sẽ nhận được một thẻ tiêm chủng cho biết loại vắc-xin được tiêm, thời gian và địa điểm tiêm. Hãy giữ tấm thẻ này cẩn thận phòng trường hợp cần thiết trong tương lai.
Giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh:
Mặc dù các loại vắc-xin COVID 19 có hiệu quả cao trong việc bảo vệ con người khỏi bệnh tật nghiêm trọng do COVID-19 gây ra nhưng một người đã tiêm vắc-xin vẫn có thể bị nhiễm hay lây lan vi-rút ngay cả khi không có triệu chứng. Do đó, cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp an toàn để bảo vệ bản thân và cộng đồng, bao gồm tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách, rửa tay và đeo khẩu trang.
Người nhiễm HIV có tiêm được vắc xin COVID 19?
- Một báo cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới xác nhận rằng, nhiễm HIV là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với COVID-19, nó làm tăng nguy cơ bệnh nặng, nguy kịch hoặc tử vong khi nhập viện. Nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng hoặc tử vong ở người nhiễm HIV cao hơn 30% so với người nhiễm COVID nhưng không bị nhiễm HIV.
- Điều này cũng muốn nhấn mạnh rằng người nhiễm HIV cần thực hành các biện pháp giúp sống khỏe mạnh nhất có thể, như: Tiếp cận sớm và uống thuốc ARV theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc; ngăn ngừa và quản lý các bệnh lý tiềm ẩn và cần được tiêm chủng COVID-19.
- Ngày 15/7/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT về việc hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Theo đó, mẫu Phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thì người nhiễm HIV không bị suy giảm miễn dịch nặng, điều trị thuốc ARV ổn định sẽ thuộc nhóm được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các bệnh viện.