CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Lịch sử hình thành và phát triển

Thứ Ba, 21/01/2025 | 01:50:52 GMT+7

Lịch sử hình thành và phát triển

Hơn 20 năm qua, Việt Nam phải đương đầu với đại dịch HIV/AIDS, một đại dịch nguy hiểm, tàn phá sức khỏe, kinh tế và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Cùng với Cộng đồng Quốc tế, Việt Nam đã và đang nối vòng tay lớn, tạo ra sức mạnh tổng hợp ngăn chặn đại dịch này.

Ở Việt Nam, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1990, tính đến tháng 6 năm 2015 số người nhiễm HIV còn sống được báo cáo là 227.144 người, trong đó có 71.115 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, và đã có 74.442 người tử vong do HIV/AIDS. Đại dịch HIV đã có mặt ở 100% số tỉnh hơn 80% số xã, phường, thị trấn. Theo ước tính của các chuyên gia, hiện có tới khoảng 260 ngàn người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng.

Vào những năm đầu 2000, dịch HIV ở Việt Nam bắt đầu tăng nhanh. Nếu như năm 2000 chỉ phát hiện được khoảng 10.000 người nhiễm thì năm 2006-2007, mỗi năm Việt Nam phát hiện được hơn 30.000 người nhiễm mới HIV và có tới 15.000 người tử vong do AIDS. Phần lớn số người nhiễm HIV là ở lứa tuổi trẻ, tuổi lao đông, trụ cột của gia đình. HIV/AIDS đã trở thành một đại dịch vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngay từ khi dịch HIV/AIDS xảy ra, chính phủ đã quan tâm hình thành bộ máy tổ chức phòng, chống HIV/AIDS. Đầu tiên là thành lập Ủy ban phòng, chống các bệnh truyền nhiễm do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trực tiếp thực hiện. Sau đó là Ủy ban quốc gia phòng chống SIDA mà cơ quan thường trực là Vụ Vệ sinh phòng Dịch của Bộ Y tế. Năm 1994, Ủy ban Quốc gia đươc tách ra khỏi Bộ Y tế và được chuyển thành “Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS” do Phó thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch và Cơ quan thường trực là Văn phòng Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS. Tại Bộ Y tế, Ban phòng chống AIDS được thành lập để giúp Bộ trưởng quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống AIDS thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Ngày 05/06/2000, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 61/2000/QĐ-TTg thành lập “Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống ma túy mại dâm” do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Bộ Y tế lúc này đảm nhiệm hai chức năng là Văn phòng Thường trực phòng, chống AIDS và Ban phòng, chống AIDS Bộ Y tế, đầu mối là Phòng Kiểm soát và Phòng chống HIV/AIDS thuộc Cục Y tế dự phòng và Phòng chống HIV/AIDS với 9 cán bộ đảm nhiệm.

Trước tình hình dịch HIV/AIDS ngày càng trầm trọng và lan rộng, một việc hết sức cần thiết và cấp bách là phải thành lập một tổ chức chuyên trách giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước về phòng chống HIV/AIDS. Một tổ chức phải đủ mạnh để giúp việc chỉ đạo, điều hành thống nhất các hoạt động. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngày 20/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 432/QĐ-TTg thành lập “Cục phòng chống HIV/AIDS Việt Nam” thuộc Bộ Y tế trên cơ sở tách ra từ Cục Y tế Dự phòng và phòng chống HIV/AIDS. Ngày 26/7/2005, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 21/2005/QĐ-BYT về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Trên cơ sở đó, từ ngày 01/08/2005 Cục Phòng chống HIV/AIDS chính thức đi vào hoạt động, tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta và cũng là một minh chứng về sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ nhằm quyết tâm đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này.

Những năm qua đã ghi nhận sự trưởng thành và những đóng góp quan trọng của Cục trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, từ việc củng cố hệ thống tổ chức, hoàn thiện hành lang pháp lý đến việc triển khai rộng rãi các hoạt động chuyên môn, cũng như nghiên cứu khoa học, hợp tác phát triển.

Các phòng ban thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Đảng Bộ Cục Phòng, chống HIV/AIDS: Được thành lập theo Quyết định số 149-QĐ/BCH ngày 29/08/2006 cùng với sự ra đời của Cục Phòng, chống HIV/AIDS là Đảng bộ cơ sở thuộc Đảng bộ Bộ Y tế thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, đã Lãnh đạo xây dựng Chính quyền và các Đoàn thể thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Văn phòng Cục: Là đơn vị thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS có chức năng tham mưu giúp Cục trưởng tổng hợp, đôn đốc, theo dõi hoạt động của các đơn vị theo kế hoạch được Cục trưởng phê duyệt; tổ chức triển khai các công việc liên quan đến công tác Văn phòng; kế hoạch, mua sắm, đấu thầu; tài chính - kế toán. 

Phòng Giám sát và Xét nghiệm HIV: là đơn vị tiền thân là Phòng Giám sát HIV/AIDS/STI được thành lập từ năm 2005 theo chức năng, nhiệm vụ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Có chức năng tham mưu giúp Cục trưởng quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động về lĩnh vực giám sát dịch HIV/AIDS và giám sát các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục(STI); theo dõi và đánh giá các hoạt động phòng, choogs HIV/AIDS; tư vấn xét nghiệm HIV; xét nghiệm HIV; quản lý chất lượng xét nghiệm CD4, xét nghiệm tải lượng HIV; nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến.

Phòng điều trị và chăm sóc HIV/AIDS: Phòng được thành lập cùng với sự ra đời của Cục Phòng, chống HIV/AIDS với chức năng “tham mưu giúp Cục trưởng quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động về điều trị, chăm sóc HIV/AIDS; dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV; phối hợp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; phối hợp HIV/lao, phối hợp quản lý điều trị đồng nhiễm HIV/viêm gan B,C, bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh đồng nhiễm khác; dự phòng lây nhiễm HIV tại các cơ sở y tế.”

Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV là đơn vị thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS có chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động về lĩnh vực can thiệp giảm tác hại; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và nghiện các chất ma túy khác; truyền thông, huy động cộng đồng; dự phòng lây nhiễm HIV.

Theo Quyết định số 18/QĐ-AIDS ngày 26/3/2018 Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS về Quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng Cục, các phòng thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS.