CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hỏi đáp > HIV/AIDS - những điều bạn cần biết > ARV - cứu cánh cho người nhiễm HIV/AIDS

Thứ Sáu, 19/04/2024 | 12:32:44 GMT+7

ARV - cứu cánh cho người nhiễm HIV/AIDS

23/03/2021 | 10949 lượt xem | Phương Hà

Chị Nguyễn Thị B. là người bệnh HIV/AIDS được điều trị từ năm 2007 đến nay, sau 13 năm điều trị ARV chị vẫn mạnh khỏe và có cuộc sống như những người bình thường khác. Chị chia sẻ “Khi phát hiện nhiễm HIV, CD4 của chị chỉ còn dưới 200 tế bào. Sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, chị bị nhiễm lao, nhiễm nấm, tiêu chảy, sút cân,... Vậy nhưng sau thời gian điều trị thuốc kháng vi rút ARV và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, sức khỏe của chị đã nhanh chóng hồi phục”.

Chị B. chỉ là một trong những người bệnh HIV/AIDS hồi phục sức khỏe nhờ điều trị ARV. Hầu hết người bệnh được điều trị ARV đã cải thiện sức khỏe, giúp cho người bệnh tiếp tục học tập, lao động, thực hiện những ước mơ của cuộc đời.

Để được điều trị ARV, người nhiễm HIV/AIDS cần đến cơ sở y tế để đăng ký điều trị. Người bệnh sẽ được lập hồ sơ, bệnh án, kiểm tra sức khỏe tổng thể và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để điều trị HIV/AIDS, được điều trị thuốc kháng vi rút ARV và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Tuy nhiên với những người bệnh đến điều trị muộn, tế bào CD4 thấp, kèm theo nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội thì việc điều trị có thể sẽ khó khăn hơn, mất nhiều thời gian để hồi phục sức khỏe. Vì vậy, để chủ động chăm sóc sức khỏe, ngay khi phát hiện nhiễm HIV/AIDS người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị sớm”.
Khi điều trị ARV sẽ ức chế sự phát triển của vi - rút giúp cho người nhiễm HIV/AIDS hồi phục hệ miễn dịch, ổn định sức khỏe, để tiếp tục sống học tập, lao động. Giúp giảm chi phí thuốc, chi phí khám, chữa bệnh và chi phí nằm viện, từ đó giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình và ngành Y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng. Điều trị ARV còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm vi  rút sang người khác như vợ chồng, bạn bè, con cái. Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng ARV ở giai đoạn sớm và con của họ được dùng sữa ăn thay thế sữa mẹ thì tỷ lệ lây nhiễm có thể dưới 2%.

Người bệnh cần lưu ý thuốc kháng vi rút ARV phải điều trị suốt đời, phải uống thuốc đều hàng ngày, uống đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian. Trong cuộc sống cần phải luôn thực hiện phòng tránh lây nhiễm HIV cho cộng đồng bằng việc không sử dụng chung bơm kim tiêm và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tập luyện thể dục thể thao, tham gia các hoạt động xã hội…

Hiện nay, với nền y học và kỹ thuật hiện đại, con người có hiểu biết sâu hơn về HIV cũng như các can thiệp dự phòng và điều trị HIV/AIDS đã chỉ ra rằng người nhiễm HIV hoàn toàn vẫn có cuộc sống bình thường nếu được điều trị bằng thuốc kháng vi rút sớm và tuân thủ điều trị, những người có nguy cơ nhiễm có thể sử dụng thuốc ARV để dự phòng khỏi bị nhiễm HIV. Nếu một người có H được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) sớm và khi người bệnh tuân thủ tốt chỉ sao vài tháng điều trị, người nhiễm HIV sẽ đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (không phát hiện được tải lượng vi rút trong máu – tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/mL máu) sẽ không có sự lây truyền HIV qua đường tình dục (Không phát hiện = Không lây truyền).

Việt Nam hiện có hơn 153.000 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV. Tỷ lệ tuân thủ điều trị ARV sau 12 tháng đạt 88%. Tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế (<1.000 bản sao/ml máu) đạt 96%, dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu) đạt 92%. Với tải lượng vi rút như vậy sẽ không chỉ giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh mà còn góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.