CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Hỏi đáp > HIV/AIDS - những điều bạn cần biết > Sống khỏe mạnh khi có H

Thứ Ba, 21/01/2025 | 05:02:16 GMT+7

Sống khỏe mạnh khi có H

16/07/2024 | 3099 lượt xem | Vân Anh

Mặc dù những người nhiễm HIV hệ miễn dịch dễ bị suy yếu, nhưng khi họ biết chăm sóc bản thân, tìm kiếm sự trợ giúp phù hợp, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động, kiểm soát tốt căng thẳng… thì họ sẽ được sống khỏe mạnh.

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tại Việt Nam đến nay có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống, chủ yếu tập trung ở độ tuổi 16 đến 39 tuổi. 
Bệnh nhân N.T.D (42 tuổi) được đưa vào chương trình điều trị uống thuốc ARV cách đây 9 năm. Ngày đầu bước vào điều trị tình trạng sức khỏe của bệnh nhân D. rất yếu, bị nấm vòm miệng, ho kéo dài. Qua quá trình điều trị bằng thuốc ARV đều đặn, chế độ dinh dưỡng, thể dục hợp lý, đặc biệt là tâm lý luôn thoải mái. Vì vậy, bệnh nhân D. có sức khỏe tốt, tìm được việc làm ổn định và lập gia đình. “Tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Cách đây 2 năm tôi lập gia đình và có một bé gái. Điều hạnh phúc nhất đó là con gái của tôi hoàn toàn khỏe mạnh không bị nhiễm HIV”, bệnh nhân D. chia sẻ.

“Hiện nay, với những tiến bộ trong điều trị HIV, có thể đưa tải lượng vi rút xuống mức không thể phát hiện được. Khi HIV không thể phát hiện được, nó không thể truyền sang người khác. Việc điều trị đúng cách có thể ngăn ngừa HIV tiến triển thành AIDS. Phương pháp điều trị quan trọng nhất là sử dụng thuốc kháng virus ARV. Bên cạnh đó là kết hợp xây dựng lối sống lành mạnh nhằm cải thiện năng lượng và tâm trạng, giúp người nhiễm HIV kiên định với việc điều trị cũng như giúp kiểm soát mọi tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng ARV”, Thạc sỹ Bác sỹ Đỗ Hữu Thủy, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV cho hay. 

Tuy nhiên, các bác sỹ cũng khuyến cáo, người nhiễm HIV muốn có cuộc sống khỏe mạnh trước hết phải tuân thủ kế hoạch điều trị, mặc dù tuân thủ điều trị rất khó khăn do nhiều nguyên nhân nhưng đây lại là một phần quan trọng trong điều trị HIV. Nếu thấy hay quên hoặc nếu công việc buộc phải thay đổi thói quen hàng ngày, hãy thử sử dụng các công cụ trợ giúp để nhắc nhở như đặt báo thức trên điện thoại hoặc biến việc dùng thuốc trở thành một phần thói quen buổi sáng hoặc trước giờ đi ngủ, hoặc đặt thói quen trong gia đình là mọi người đều uống vitamin và thuốc cùng một lúc... Bên cạnh đó, người nhiễm HIV nên để ý những dấu hiệu trầm cảm và lo lắng xảy ra với bản thân như tìm lý do để tránh đi chơi với bạn bè hoặc gia đình, cảm giác bồn chồn không yên... để có biện pháp giải quyết ngay từ đầu, tránh để kéo dài đến khi phải điều trị can thiệp. Để giảm căng thẳng và phòng ngừa biểu hiện trầm cảm, có thể thực hiện các hoạt động ngoài trời, hãy luôn nghĩ về điều tốt để thư giãn đầu óc. Ngoài ra, cần tìm kiếm sự trợ giúp phù hợp, yêu cầu giúp đỡ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối hoặc bất lực mà là dấu hiệu của sức mạnh nội tâm và sự tự nhận thức, cần phải dựa vào ai đó khi gặp khó khăn. Có thể gọi cho một người bạn để trò chuyện hoặc nói chuyện với chuyên gia tư vấn, người yêu, người thân, nhóm hỗ trợ... để giúp xử lý những cảm xúc tự nhiên đến với sự thay đổi này.
Tăng cường vận động, đây là một trong những biện pháp quan trọng có thể giúp người nhiễm HIV tăng cường sức khỏe, giảm mệt mỏi và cải thiện tâm trạng. Hoạt động thể chất hay tập thể dục không có nghĩa là bạn phải trở thành một vận động viên mà chỉ là vận động cơ thể theo sở thích của bản thân như chạy, đi bộ, khiêu vũ, đá bóng, bơi lội hoặc nhảy dây. Người nhiễm HIV cần thực hiện việc vệ sinh răng miệng thường xuyên, nghiêm túc bằng cách đánh răng, sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng và khám răng định kỳ, vì hệ miễn dịch suy yếu, người nhiễm HIV có nguy cơ mắc bệnh răng miệng (như nấm miệng, nhiệt miệng...) cao hơn và khó điều trị hơn. Ngoài ra, người nhiễm HIV cũng có khả năng cao bị khô miệng, là nguyên nhân dẫn đến sâu răng hay gây khó khăn trong việc nhai và nuốt.

Thực hiện chế độ ăn lành mạnh, chế độ ăn uống lành mạnh cho người nhiễm HIV không khác nhiều so với chế độ ăn uống lành mạnh thông thường. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu kế hoạch ăn lành mạnh, người nhiễm HIV cần tham khảo ý kiến bác sĩ về bất kỳ tình trạng nhạy cảm, dị ứng hoặc lo ngại nào khác về thực phẩm để hỗ trợ kế hoạch điều trị ARV. 

 

Một chế độ ăn lành mạnh bao gồm đầy đủ các chất dinh dưỡng như: Protein, giúp xây dựng cơ bắp. Carbohydrate, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Chất xơ, giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt. Chất béo, cung cấp thêm năng lượng. Uống đủ nước. Bổ sung vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, người nhiễm HIV cần ngủ đủ giấc (từ 7-9 tiếng mỗi đêm) để đạt được sức khỏe tối ưu.