CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > 10 năm - Một chặng đường đảm bảo tài chính cho các hoạt ...

Chủ Nhật, 15/09/2024 | 04:54:58 GMT+7

10 năm - Một chặng đường đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam

24/11/2022 | 1106 lượt xem | Minh Thắm

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức “ Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam” nhằm ghi nhận thành tựu của chặng đường 10 năm chuyển đổi tăng dần tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và định hướng các giải pháp đảm bảo tài chính nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
 

Hội nghị do PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Về phía Bộ Y tế, có PGS.TS.Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cùng đại diện các Bộ, Ngành (Văn phòng chính phủ, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ Công An, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh/thành phố.
Về phía tổ chức quốc tế, có ông Marc Knapper, Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Angela Pratt, Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; Bs. Maria Elena Borromeo Filio, Giám đốc quốc gia, UNAIDS Việt Nam; Bà Lin C Liu, Điều phối viên chương trình PEPFAR tại Việt Nam cùng đại diện các đối tác của chương trình PEPFAR.
    Hội nghị cũng có sự tham dự của đại diện các tổ chức cộng đồng và phóng viên các đơn vị báo chí Trung ương và Hà Nội.
Những thành tựu đáng ghi nhận
 
    Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: “Công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã trải qua hơn 30 năm và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Để đạt được những thành tựu này, không thể không nói đến sự hỗ trợ to lớn về nguồn lực tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, đứng trước xu thế chung của thế giới về cắt giảm nguồn lực tài trợ, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng và trình Đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1899/QĐ-TTg vào ngày 15/10/2013”.
    10 năm nỗ lực không ngừng với cam kết chính trị mạnh mẽ của chính quyền các cấp từ trung ương đến các tỉnh, thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành trong quá trình xây dựng các cơ chế chính sách, sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính quý báu của cộng đồng các nhà tài trợ, Việt Nam đã thực hiện tiến trình chuyển đổi các nguồn lực tài chính trong nước cho công tác HIV/AIDS với một số kết quả hết sức ấn tượng.
    Cụ thể, tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước đã tăng lên tới hơn 51% trong đó tỷ trọng ngân sách địa phương phân bổ cho phòng, chống HIV/AIDS không ngừng tăng lên qua các năm tăng từ 8% lên tới 17%.
    Quỹ Bảo hiểm y tế là bước đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với 95% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm. Quỹ Bảo hiểm y tế đến nay trung bình chi trả 400 tỷ đồng/năm trong đó khoảng 200 tỷ đồng cho dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và 200 tỷ đồng cho thuốc ARV.
    Ngân sách nhà nước thông qua Chương trình quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, dự án phòng, chống HIV/AIDS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia y tế dân số giai đoạn vừa qua cũng đã tập trung nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh thành phố thực hiện các mục tiêu của chiến lược, chiếm tới gần 10%. Các nguồn xã hội hóa khác cũng tăng đáng kể lên tới 8%.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình dịch đang có xu hướng phức tạp
Mặc dù vậy, để thực hiện thành công chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức về đảm bảo nguồn lực tài chính và chuyển giao bền vững chương trình. Nguồn lực huy động dự kiến thời giai đoạn 2021-2030 mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu.
Tình hình dịch đang có xu hướng phức tạp, số người nhiễm HIV được báo cáo tăng cao trong 3 năm trở lại đây tới hơn 13.000 trường hợp, nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới. Một số tỉnh, khu vực vẫn còn nhiều nguy cơ cao về bùng phát dịch trở lại như Đồng bằng sông Cửu long, miền Đông Nam bộ.
Nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế, nhất là các hoạt động thuộc lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV hiện Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ không chi trả. Nội dung chi và định mức chi một số hoạt động đặc thù cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã phân cấp cho ngân sách địa phương đảm nhiệm nhưng hiện nay nhiều địa phương còn lúng túng trong việc lập dự toán cũng như phê duyệt.
 
    Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, Ông Marc Knapper, Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, chương trình PEPFAR của Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại hơn 30 quốc gia và Việt Nam nổi bật trên toàn cầu như một tấm gương về tính bền vững và huy động nguồn lực trong nước. Việt Nam nắm quyền chủ động tài chính cho các dịch vụ điều trị HIV thông qua bảo hiểm y tế.
    Từ năm 2019 đến năm 2022, quỹ bảo hiểm y tế của Việt Nam đã đóng góp khoảng 10 triệu đô la Mỹ hàng năm cho các chương trình chăm sóc và điều trị HIV, đáp ứng tới 70% tổng nhu cầu thuốc ARV thiết yếu tại Việt Nam. Đây là một thành tích đáng ghi nhận, nhất là khi so sánh các nguồn lực trong nước chiếm chưa đến 10% kinh phí cho thuốc ARV trước năm 2019. Việc đưa các dịch vụ điều trị HIV vào nền tảng bảo hiểm y tế xã hội là một ví dụ điển hình cho thấy tiến bộ của Việt Nam trên hành trình hướng tới duy trì bền vững ứng phó quốc gia với HIV.
Thành tựu này được xây dựng dựa trên thành tích ấn tượng của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện một chương trình ứng phó HIV quốc gia tiên tiến và sáng tạo. Ví dụ, điều trị bằng Methadone, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và dịch vụ lao/HIV cũng đã huy động thành công các nguồn lực trong nước...


Ths. Võ Hải Sơn, Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm

Tại Hội nghị, các đại biểu được đại diện đến từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ về Định hướng các giải pháp đảm bảo tài chính nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
 
Ts. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS
 
Bà Lin C Liu, Điều phối viên chương trình PEPFAR tại Việt Nam và ông Olivier Cavey Giám đốc quản lý Việt Nam, Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét chia sẻ về định hướng tài trợ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và kiến nghị cho Việt Nam
 
Bs. Maria Elena Borromeo Filio, Giám đốc quốc gia, UNAIDS Việt Nam chia sẻ về Bài học kinh nghiệm tự chủ tài chính cho HIV/AIDS các nước trên thế giới và Kiến nghị cho Việt Nam.
 
Toàn cảnh Hội nghị


Quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt cũng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị, 12 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch hoặc đề án bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS cần khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Với các địa phương đã có đề án bảo đảm tài chính cần bố trí đủ kinh phí theo kế hoạch và có hướng dẫn cũng như phê duyệt các nội dung và định mức chi tiêu cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; Các đơn vị liên quan cần hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm việc cung ứng thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế được liên tục và ổn định bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các Vụ, cục có liên quan trong Bộ tế trình Chính phủ cơ chế và hành lang pháp lý thực hiện mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức cộng đồng, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để phát huy hiệu quả cung cấp dịch vụ trong giai đoạn tới./.