Ngày 09.5, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR). Lễ kỷ niệm có sự tham dự của bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế; bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế; Ngài Đại sứ John. Nkengasong, Điều phối viên Chương trình AIDS Toàn cầu và Đại diện về Ngoại giao Y tế của Hoa Kỳ; Ngài Marc E Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ngài Peter Sand, Giám đốc điều hành Quỹ Toàn cầu.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm
Công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam đã từng bước kiểm soát được dịch HIV trên cả 3 tiêu chí: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Việt Nam đã giữ vững tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%. Đây là những con số rất ấn tượng nói lên sự cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam.
PEPFAR là nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam kể từ năm 2004 khi Việt Nam trở thành nước thứ 15 trên thế giới được tiếp nhận hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS. PEPFAR hiện đang hỗ trợ tại 11 tỉnh trọng điểm có số người nhiễm còn sống chiếm 45.2 % trên cả nước. Trong gần 20 năm qua PEPFAR đã hỗ trợ mở rộng các dịch vụ phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV có chất lượng cho người sống chung với HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV trên các quần thể đích (KP) thông qua hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp (DSD), đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật rất toàn diện và chất lượng bao gồm cả giới thiệu và nhân rộng các sáng kiến về tài chính bền vững, các mô hình cung cấp dịch vụ tiên tiến, hiệu quả.
Ngoài ra, PEPFAR đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thiết lập hệ thống quản lý thông tin toàn diện, bền vững và công nghệ mới; phát triển và duy trì mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS ở cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh.
Cùng với Quỹ Toàn cầu, PEPFAR là nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình phòng chống HIV/AIDS trong giai đoạn vừa qua. Năm 2003, PEPFAR đã hỗ trợ Việt Nam 18 triệu USD và tăng dần hàng năm lên 98 triệu USD năm 2010. Giai đoạn 2004-2022, PEPFAR đã hỗ trợ cho Việt Nam gần 900 triệu đô la Mỹ. Trong giai đoạn 2013-2023, PEPFAR vẫn là nhà tài trợ lớn nhất chiếm tới hơn 40% tổng chi cho HIV/AIDS. PEPFAR và Quỹ Toàn cầu đã đóng góp tới gần 90% tổng chi cho thuốc ARV. Ngoài ra PEPFAR trực tiếp hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm, thuốc methadone; thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV cho các nhóm nguy cơ cao.
Đặc biệt PEPFAR còn có thế mạnh trong các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cung cấp dịch vụ từ tìm ca, đến kết nối, điều trị và dự phòng và triển khai các sáng kiến như: đưa nhiều hình thức và mô hình xét nghiệm vào công tác tìm ca như tư vấn xét nghiệm bạn tình, bạn chích cải thiện tỷ lệ dương tính, chương trình dự phòng PrEP với các hoạt động tạo cầu và cải thiện chất lượng, và việc xét nghiệm phát hiện nhiễm mới, thiết lập hỗ trợ các phòng tham chiếu, hoạt động cấp phát thuốc nhiều tháng, các mô hình điều trị HIV sớm và hiệu quả, các chiến lược phát hiện và dự phòng Lao cho người có HIV, và gần đây triển khai sàng lọc và quản lý các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu,... hướng tới chăm sóc toàn diện lấy con người làm trung tâm.
PEPFAR cũng đã hỗ trợ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phát triển các hướng dẫn quốc gia dựa trên việc triển khai thí điểm các mô hình sáng kiến cải tiến kỹ thuật từ đó có thể triển khai trên toàn quốc.
PEPFAR đã chủ trì các sáng kiến tài chính bền vững trong đó có mở rộng chi trả của Quỹ BHYT cho các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS, hỗ trợ các tỉnh thành phố xây dựng và phê duyệt kế hoạch đảm bảo tài chính nhằm tăng chủ động từ các nguồn tài chính trong nước cho HIV/AIDS. PEPFAR cũng hợp tác và hỗ trợ quá trình Chính phủ Việt Nam dần tự chủ thực hiện ứng phó với HIV, đồng thời có sự tham gia chiến lược của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự để đưa các dịch vụ HIV đến gần hơn với cộng đồng và thúc đẩy năng lực của họ. Chính phủ Việt Nam đã chịu trách nhiệm chi phí và quản lý nhiều cấu phần trong danh mục điều trị HIV, bao gồm cả việc chi trả cho tất cả các dịch vụ và thuốc điều trị HIV. Tính đến cuối năm tài chính 2022, PEPFAR tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để đưa hơn 144.000 bệnh nhân điều trị ARV theo hình thức bảo hiểm y tế xã hội, trong đó có 80.000 bệnh nhân dùng thuốc TLD.
Chương trình văn nghệ chào mừng
Trong năm 2022, chương trình PEPFAR Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật giúp phát hiện 9.412 người có HIV, kết nối thành công 94% vào điều trị, thu dung 8,856 bệnh nhân vào điều trị ARV mới, đưa tổng số bệnh nhân đang điều trị bằng ARV lên 90,630 bệnh nhân và giúp đạt ngưỡng ức chế virút 98,8% tại 11 tỉnh, thành phố thuộc Khu kinh tế phía Bắc và Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh.Thông qua sự hợp tác thành công giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Bộ Y tế, Việt Nam có tỷ lệ ức chế virút cao nhất được báo cáo trong các chương trình do PEPFAR hỗ trợ trên toàn cầu: 98% bệnh nhân được PEPFAR hỗ trợ điều trị HIV đã đạt được ngưỡng ức chế virut, có nghĩa là sức khỏe của họ được bảo vệ và họ không thể lây truyền HIV cho bạn tình của mình.
Bắt đầu từ năm 2017, PEPFAR đã làm việc với các tổ chức dựa vào cộng đồng và các đối tác phi chính phủ để triển khai chiến dịch U = U (Undetectable = Untransmittable) mà Việt Nam gọi là K = K (tức là Không phát hiện = Không lây truyền). Chiến dịch này dựa trên cơ sở khoa học mới nhất trong lĩnh vực HIV đó là “một người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc kháng vi rút đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/mL máu) sẽ không có khả năng lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục”. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong chương trình PEPFAR toàn cầu xác nhận và sử dụng thông điệp U = U để hỗ trợ các mục tiêu điều trị. Với sự hỗ trợ của PEPFAR, chiến dịch K=K được triển khai ở Việt Nam rất thành công như điểm sáng trên thế giới. Sự thành công của chiến dịch này không chỉ giúp người nhiễm HIV tuân thủ điều trị mà còn giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Khi bắt đầu năm tài chính 2023, chương trình PEPFAR còn tiếp tục hỗ trợ mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ liên quan đến HIV cho các quần thể đích và sẽ đưa 18.000 người âm tính với HIV mới có nguy cơ lây nhiễm cao vào điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).
Ngay từ rất sớm Chương trình PEPFAR cùng các đối tác khác đã hỗ trợ thiết lập nên hệ thống các cơ sở dịch vụ kỹ thuật phục vụ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và các chương trình khác có liên quan: Hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm nhằm phát hiện người nhiễm HIV, hỗ trợ theo dõi điều trị đồng bộ có chất lượng và rộng khắp tại Việt Nam; Hỗ trợ các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của quốc gia và quốc tế như ISO 15189; Hỗ trợ các Trung tâm kiểm chuẩn, các phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia cung cấp các chương trình ngoại kiểm cho xét nghiệm HIV, tải lượng vi rút, CD4, và hiệu chuẩn trang thiết bị tại các Cơ sở y tế của Việt Nam; Ứng dụng xét nghiệm nhiễm mới; Từ năm 2018, PEPFAR hỗ trợ việc triển khai các giám sát dịch dựa trên xét nghiệm nhiễm mới, qua đó có thể đánh giá sự lan truyền gần đây của dịch, và định hướng các nguồn lực để hỗ trợ hoạt động đáp ứng y tế công cộng với chùm ca. Ngoài ra còn rất nhiều các sáng kiến và các hỗ trợ về kỹ thuật mới khác.
Nhân sự kiện này Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thể hiện mong muốn: “PEPFAR tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế một số giải pháp ưu tiên đặc biệt là hỗ trợ cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm HIV trong tình trạng khẩn cấp đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề mua sắm và cung ứng thuốc, hàng hóa và vật tư y tế.
Bên cạnh đó là một số ưu tiên khác gồm mở rộng các mô hình tư vấn và xét nghiệm, mở rộng các tỉnh thụ hưởng trong chiến lược đáp ứng y tế công cộng để có đầy đủ các bằng chứng nhằm đưa ra các can thiệp phù hợp. Ngoài ra đứng trước tình hình dịch đang có xu hướng tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới, Bộ trưởng đề nghị PEPFAR hỗ trợ chiến lược tổng thể để can thiệp giảm bớt nguy cơ dịch HIV đang tăng nhanh trong nhóm này.
Ngoài ra chính phủ Việt nam vẫn cam kết cùng với hỗ trợ của PEPFAR để tiếp tục xây dựng các cơ chế tài chính cho việc chuyển giao bền vững các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, sự tham gia của các tổ chức xã hội trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS nhằm đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực huy động.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ngài Marc E Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Ông rất tự hào về những kết quả đạt được trong mối quan hệ hợp tác giữa PEPFAR và Chính phủ Việt Nam trong đó có những nỗ lực chung của PEPFAR và Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng một chương trình ứng phó với HIV quốc gia bền vững, có tác động lớn ở Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu toàn cầu của UNAIDS nhằm kiểm soát dịch HIV vào năm 2030. Ông cam kết PEPFAR sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chấm dứt HIV như một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Ngài Đại sứ John. Nkengasong, Điều phối viên Chương trình AIDS Toàn cầu và Đại diện về Ngoại giao Y tế của Hoa Kỳ đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được:
Thứ nhất, Việt Nam thực sự nổi bật như một ví dụ toàn cầu về tính bền vững và huy động nguồn lực trong nước thông qua chương trình Bảo hiểm Y tế Xã hội. Trong mười năm qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tài trợ và quản lý nhiều hợp phần trong hoạt động ứng phó với HIV, bao gồm chi trả cho tất cả các dịch vụ điều trị HIV và thuốc theo cách đáp ứng nhu cầu của người nhiễm HIV. Chúng tôi đánh giá cao sự lãnh đạo về chính sách và tài chính của Chính phủ để hoàn thành mục tiêu đáng khen ngợi này.
Thứ hai, Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc thích ứng với những đổi mới, tiến bộ khoa học để triển khai ứng phó toàn diện. Ví dụ, sự mở rộng nhanh chóng và gần đây của các dịch vụ PrEP là một thành tựu lớn. PrEP tại Việt Nam chính thức bắt đầu vào năm 2020 và chỉ sau ba năm, số lượng khách hàng PrEP tích lũy đã lên tới 67.000, với 51.000 khách hàng sử dụng PrEP tính đến năm 2022. Và mục tiêu đạt 72.500 khách hàng PrEP vào năm 2025 là rất tham vọng. Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về số lượng người dùng PrEP, chỉ sau Australia với khoảng 57.000 người dùng ròng tính đến năm 2022
Thứ ba, Một yếu tố quan trọng khác cho sự thành công của Việt Nam là khả năng thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ các bộ và cơ quan ở cấp quốc gia, đến các cơ quan cấp tỉnh, các viện nghiên cứu và học thuật, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân đang phát triển nhanh và các thành viên tận tâm của cộng đồng. và các tổ chức dựa vào cộng đồng.
Ngài Peter Sand, Giám đốc điều hành Quỹ Toàn cầu đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa PEPFAR và QTC. Ông cũng cảm ơn Chính phủ Việt Nam và cam kết tiếp tục hợp tác trong các năm tiếp theo.
Bà Angelli Achrekar, Phó Giám đốc điều hành UNAIDS ghi nhận và trân trọng sự nhiệt huyết của các cán bộ làm trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam là 1 trong những tấm gương điển hình để các nước học hỏi và xin chúc mừng về những đổi mới sáng tạo mà Việt Nam đã triển khai vì lợi ích của người dân.
Cũng tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã tặng Bằng Khen và Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho Chương trình PEPFAR Vietnam.
Các cơ quan, tổ chức và cá nhân được nhận bằng khen của PEPFAR nhân dịp kỷ niệm 20 năm
Toàn thể đại biểu chụp ảnh lưu niệm