Đây là nhận định trong chuyến đi thực tế viết bài về HIV/AIDS của Đoàn phóng viên tại Bình Dương. Trong 2 ngày 21-22/9/2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức đưa một số phóng viên tuyến Trung ương đi thực tế viết bài tại tỉnh Bình Dương.
Đây là nhận định trong chuyến đi thực tế viết bài về HIV/AIDS của Đoàn phóng viên tại Bình Dương. Trong 2 ngày 21-22/9/2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức đưa một số phóng viên tuyến Trung ương đi thực tế viết bài tại tỉnh Bình Dương.
Theo báo cáo của đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, với hơn 28 khu công nghiệp, Bình Dương được xác định là một tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS khu vực phía Nam. Dân số tại Bình Dương ước tính khoảng gần 2,5 triệu người, trong đó 80% là dân nhập cư. Lũy tích từ đầu vụ dịch đến nay địa phương phát hiện 7.509 người dương tính với HIV. Cho đến thời điểm hiện tại, Bình Dương có 3.939 người nhiễm HIV còn sống đang được quản lý. Tình trạng nhiễm dần trẻ hóa trong nhóm tuổi từ 15 đến 25, xu hướng tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) và lây truyền qua đường tình dục. Cụ thể, trong năm 2009, tỷ lệ lây truyền qua đường tình dục là 31,4%, nhưng đến nay tăng đến 88,6%. Những năm gần đây, khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm dần thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) vẫn tiếp tục tăng cao tại Bình Dương.
Trong 8 tháng đầu năm, địa phương phát hiện 542 trường hợp nhiễm mới HIV, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, chỉ có 98 ca nhiễm là người Bình Dương (chiếm 18,1%). 51/98 trường hợp là MSM (chiếm 52%). Số mắc mới là trẻ em dưới 16 tuổi, có 4 trường hợp là trẻ từ nơi khác chuyển đến.
Theo bác sĩ Vương Thế Linh – Phụ trách Khoa HIV (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương), cho thấy trong số lượng ca nhiễm HIV ở MSM, thì có đến 85% là đối tượng công nhân và học sinh/sinh viên. Khi còn ở quê, các bạn e ngại, không bộc lộ xu hướng tình dục, nên khi lên môi trường đô thị cởi mở, nên thoải mái tìm kiếm bạn tình, từ đó, nảy sinh các mối quan hệ tình cảm, quan hệ tình dục. Đa số những đối tượng chưa biết cách bảo vệ phòng ngừa, không có thói quen sử dụng bao cao su, lại quan hệ với nhiều bạn tình nên nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. Chưa kể, một số MSM hiện nay có xu hướng rủ nhau cùng sử dụng ma túy rồi quan hệ tình dục (không sử dụng biện pháp bảo vệ).
Dự báo trong những năm sắp tới, số người nhiễm HIV là MSM có gốc ngoại tỉnh sẽ tiếp tục tăng trong làn sóng di cư vào các khu công nghiệp, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Với văn hóa cởi mở và dễ hòa nhập, một lượng không nhỏ nam đồng tính sẽ chọn Bình Dương làm nơi dừng chân sinh sống, đây là một bài toán khó cho việc kiểm soát, nâng cao nhận thức của nhóm lao động di cư này về kiến thức HIV.
Cũng theo ông Linh, do Bình Dương có xu hướng gia tăng người nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao là MSM, nên địa phương tập trung đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại. Trong đó, bao gồm cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nguy cơ cao, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), triển khai chiến dịch K=K…
Hiện tỉnh Bình Dương đang gặp một số khó khăn như: Nhân lực cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thiếu, ngày càng cắt giảm. Tuyến huyện/thị xã đa phần cán bộ kiêm nhiệm nhiều chương trình, thường xuyên thay đổi. Số lượng bệnh nhân điều trị ARV ngày càng gia tăng, gây áp lực cho các phòng khám ngoại trú về cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm xét nghiệm.
Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều người lao động ngoài tỉnh nhiều nhất nước, di biến động khiến cho việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Tình trạng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS còn nhiều nặng nề khiến cho nhiều người giấu bệnh, không tiếp cận xét nghiệm HIV và tiếp cận điều trị sớm ARV.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, thời gian tới, địa phương tập trung nâng cao chất lượng y tế, đặc biệt xây dựng các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV thân thiện. Đẩy mạnh các hoạt động của đội ngũ đồng đẳng viên, các tổ chức dựa vào cộng đồng nhằm thu hút người xét nghiệm và tham gia điều trị sớm.
Chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông về nguy cơ lây nhiễm và nguy hại của virus HIV trong các công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về HIV cho người nguy cơ cao, các công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và cộng đồng. Từ đó khuyến khích người nguy cơ cao kết nối điều trị dự phòng PrEP.
Một số hình ảnh trong chuyến công tác
Đoàn công tác làm việc tại Phòng khám ngoại trú thuộc Trung tâm Y tế thị xã Thuận An
Đoàn phóng viên phỏng vấn, thu thập thông tin
Bác sĩ tại Phòng khám ngoại trú tư vấn cho người nhiễm HIV
Nguyễn Vân