Trên thế giới, các bằng chứng khoa học đã chứng minh hiệu quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP). Những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ uống thuốc ARV hằng ngày và sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến 99%. Do đó, năm 2015, Tổ chức Y tế đã khuyến cáo các quốc gia cần triển khai cung cấp dịch vụ điều trị PrEP cho nhóm quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV bao gồm nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới (TW), người tiêm chích ma tuý (TCMT), bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc người nhiễm HIV đã điều trị ARV có tải lượng HIV từ 200 bản sao/ml máu trở lên.
Sự kiện truyền thông về Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV cho cộng đồng MSM tại Hà Nội
Tại Việt Nam, tính đến tháng 9/2020, toàn quốc có trên 212.000 người nhiễm HIV được phát hiện và đang còn sống, trong đó 150.984 người nhiễm HIV hiện đang điều trị ARV tại 446 cơ sở điều trị HIV/AIDS, 39 trại giam, trại tạm giam, trung tâm giáo dục bắt buộc và 652 trạm y tế xã, phường cấp phát thuốc ARV. Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 10.000 trường hợp được phát hiện mới nhiễm HIV. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV giảm ở nhóm TCMT và phụ nữ bán dâm nhưng tăng nhanh ở nhóm MSM (từ 3,95% năm 2011 lên 5,1% năm 2015, 11,36% năm 2018 và 13,85% năm 2019). Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM khác nhau ở các tỉnh, thành phố nhưng thường tập trung ở các khu vực đô thị, các tỉnh, thành phố lớn hoặc các tỉnh du lịch như Cần Thơ (20,3%), Thành phố Hồ Chí Minh 13,8%, Bà Rịa Vũng Tàu 16%, Khánh Hòa 14,6%, Hải Phòng 5,3%. Theo nghiên cứu của Viện Y tế toàn cầu, Đại học Washington, Mỹ năm 2019, ở 05 tỉnh, thành phố của Việt Nam gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa và Kiên Giang, từ năm 2017 - 2050, ước tính sẽ có khoảng trên 107.000 ca nhiễm HIV mới trong nhóm quần thể có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Nếu độ bao phủ điều trị PrEP đạt 60% thì sẽ giảm được 48% tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm này (dự phòng được 55.640 ca nhiễm mới/cỡ mẫu 107.000 ca).
Hội thảo sơ kết chương trình thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV tại Việt Nam năm 2018
Ngày 28/9/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5866/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2018 - 2020. Đến 30/9/2020, điều trị PrEP đã được triển khai 3 tại 27 tỉnh, thành phố với 111 cơ sở (83 cơ sở nhà nước và 28 cơ sở tư nhân), 13.625 khách hàng sử dụng dịch vụ điều trị PrEP. Trong số 13.625 khách hàng điều trị PrEP có 78% khách hàng là MSM, hơn 50% khách hàng hiện đang điều trị tại 28 cơ sở y tế tư nhân. Qua theo dõi gần 2 năm triển khai điều trị PrEP chỉ có 8 khách hàng có kết quả xét nghiệm HIV dương tính do không tuân thủ điều trị, không có khách hàng nào bị nhiễm HIV khi tuân thủ điều trị tốt. Nếu so với nghiên cứu của Trường đại học Y Hà Nội qua theo dõi 1.498 MSM không điều trị PrEP sau 12 tháng có 56 trường hợp MSM dương tính với HIV (chiếm tỷ lệ 3,73%) thì việc triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP đã làm giảm tới hơn 98% ca nhiễm HIV. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy điều trị PrEP làm giảm lây nhiễm HIV đến 86% ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (nghiên cứu IPERGAY và PROUD), làm giảm lây nhiễm HIV đến 75% ở nhóm cặp bạn tình dị nhiễm (nghiên cứu Partners PrEP), làm giảm lây nhiễm HIV đến 62% ở nhóm quan hệ tình dục khác giới (nghiên cứu TDF2).
Trong bối cảnh hình thái dịch HIV của Việt Nam chuyển sang lây truyền chủ yếu qua đường tình dục và nhóm MSM được coi là nhóm nguy cơ chính gây dịch HIV ở Việt Nam trong thời gian tới, ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1246/QĐ -TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ lệ người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030”. Với những lý do trên, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025.
Sự kiện truyền thông về Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV có sự tham dự của Lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, PATH và các bạn cộng đồng
Mục tiêu chung nhằm đẩy mạnh các hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV để giảm số người nhiễm mới, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Mục tiêu cụ thể tập trung mở rộng độ bao phủ và đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP phù hợp với tình hình thực tế đến tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo khách hàng được tiếp cận dễ dàng, thuận lợi. Bảo đảm và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ PrEP thông qua các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP toàn diện, thân thiện, hướng tới sự hài lòng của khách hàng. Tăng cường các hoạt động truyền thông tạo cầu, đa dạng hóa các kênh thông tin và xây dựng nội dung truyền thông phù hợp với đặc điểm của từng nhóm quần thể có hành vi nguy cơ cao, nhằm tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ PrEP của các nhóm đối tượng này. Thiết lập mạng lưới giám sát, báo cáo điều trị PrEP lồng ghép vào mạng lưới giám sát, báo cáo phòng, chống HIV/AIDS, bảo đảm kết nối các dịch vụ để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng. Thiết lập cơ chế tài chính bền vững cho công tác điều trị PrEP.