CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Cam Kết Chính Trị Của Việt Nam Trong Phòng, Chống HIV/AIDS

Thứ Sáu, 29/03/2024 | 05:03:09 GMT+7

Cam Kết Chính Trị Của Việt Nam Trong Phòng, Chống HIV/AIDS

28/11/2020 | 1251 lượt xem

Trên thế giới, HIV/AIDS đã trở thành đại dịch và là mối hiểm họa đối với nhân loại. Nhận thấy tính chất nguy hiểm của HIV/AIDS, trong suốt 30 năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã nhận được sự cam kết chính trị rất mạnh mẽ, toàn diện từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Cam kết của Việt Nam trong phòng, chống HIV/AIDS
 cam-ket-ubqg-1-.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh tại hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phòng, chống AIDS, năm 1994

Việt Nam luôn là quốc gia đi tiên phong trong ký các cam kết quốc tế. Tháng 12 năm 1994, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phòng chống AIDS tại Paris. Tại Hội nghị này đại diện Chính phủ ta đã bày tỏ thái độ của Chính phủ Việt Nam tán đồng và cam kết thực hiện đúng nội dung bản tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Paris về AIDS.
Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về AIDS tại New York, Hoa Kỳ ngày 9/6/2016 thể hiện sự cam kết của Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được Liên hợp quốc đánh giá cao.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chị Lù Thị Thanh, đại diện người có HIV phát biểu tại Hội đồng liên hợp quốc
Có thể nói, Chính phủ Việt Nam đã tham dự tất cả các Hội nghị thượng đỉnh về phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới và ký kết các sáng kiến mà Liên hợp quốc đã phát động về phòng, chống HIV/AIDS.
Biến cam kết quốc tế thành hành động của Việt Nam:

 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Ông Ngài Michel Sidibe - Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS tại Lễ cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90, năm 2014

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là phải biến các cam kết quốc tế thành nhưng hành động cụ thể trong đường lối chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho phù hợp với tình hình ứng phó với dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.
Ngay từ năm 1995, nhận thức được tình hình lây nhiễm HIV/AIDS diễn biến phức tạp. HIV/AIDS xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành phố và có xu hướng ngày càng lan rộng, ngày 11-3-1995, Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa VII) đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về lãnh đạo công tác phòng, chống AIDS. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã thu được những kết quả quan trọng, kiềm chế được tốc độ gia tăng số người nhiễm HIV.

 
Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW và triển khai thực hiện thông báo Kết luận số 27-TB/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW

Cũng trong năm 1995, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Ngày 01 tháng 6 năm 1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/NĐ-CP để hướng dẫn tổ chức thực hiện pháp lệnh “Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)”. Đây là các văn bản quan trọng đầu tiên, là pháp lý và định hướng ban đầu các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
 
Hội thảo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 54/CT-TW về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, năm 2020
Mười năm sau đó, ngày 30/11/2005, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 54/2005/CT-TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Trong Chỉ thị 54, Đảng ta đã nhân định: Trên thế giới, HIV/AIDS đã trở thành đại dịch và là mối hiểm họa đối với nhân loại. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 52 của Ban Bí thư, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã thu được những kết quả nhất định, kiềm chế được tốc độ gia tăng số người nhiễm HIV. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. HIV/AIDS xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành phố và có xu hướng ngày càng lan rộng. HIV/AIDS đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, trật tự an toàn xã hội, đến sự phát triển của đất nước, tương lai của giống nòi.

 cam-ket-ubqg-6-.jpg
Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị triển khai nghị Quyết 20/NQ-TW năm 2019

Trong Chỉ thị 54 cũng cũng nhận định: Công tác tuyên truyền, giáo dục còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa chặt chẽ, còn kém hiệu quả; tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS không ổn định, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác vừa thiếu, vừa yếu; đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS quá thấp so với yêu cầu nhiệm vụ. Chỉ thị 54 cũng đã yêu cầu các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, quyết không để HIV/AIDS phát triển tràn lan thành đại dịch ở nước ta.
Gần đây nhất, ngày 25/10/2017, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW đã xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ “Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS”.

 
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh tại  Hội thảo triển khai Chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, năm 2018

Ngoài các Chỉ thị và Nghị quyết của Đảng, Việt Nam cũng là 1 trong 2 nước đầu tiên trên thế giới ban hành Luật phòng, chống HIV/AIDS. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua Luật phòng, chống HIV/AIDS tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2006 và có hiệu lực ngày 01/01/2007. Các quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS được các chuyên gia quốc tế đánh giá phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tính nhân văn cao, cũng là nước đầu tiên đã luật hóa được các biện pháp can thiệp giảm tác hại, tạo hành lang pháp lý cho triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
 
Thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS, từ năm 2007 đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành trên 60 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch, Thông tư, Chỉ thị của Bộ trưởng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, quan trọng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị triển khai Quyết đinh 84/2009/QĐ-TTg triển khai Kế hoạch hành động quốc gia trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 (năm 2012)
Cùng với những cam kết chính trị nêu trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành 3 chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS cho từng giai đoạn. Cụ thể, “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” được ban hành kèm theo Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/ 2004; “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” được ban hành kèm theo Quyết định số 608/2004/QĐ-TTg ngày 25/5/2012; và “Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã phân tích rõ những khó khăn, thách thức đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới và xác định Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thế chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 với mục tiêu số người nhiễm HIV mới giảm dưới 1.000 trường hợp/năm vào năm 2030 và HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của cộng đồng.

 
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2020

Vân Anh