Luật Phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã được Quốc hội thông qua vào năm 2006. Sau 13 năm thực hiện, nhờ có Luật Phòng, chống HIV/AIDS – hành lang pháp lý quan trọng nhất trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trong trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong áp dụng các quy định của Luật vẫn còn những hạn chế, bất cập lớn còn tồn tại, cần phải sớm được
Sau 13 năm triển khai Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS hiện đang tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tại Phiên họp
Trình bày tại phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào chiều 11/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nêu lên một số điểm lớn về bất cập, hạn chế còn tồn tại trong các quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS cần phải được khắc phục kịp thời.
Thứ nhất, quy định liên quan đến đối tượng được thông báo kết quả xét nghiệm HIV, đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và bất cập gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện.
Theo Luật HIV 2006, chỉ những người trực tiếp chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV được thông báo kết quả xét nghiệm HIV và chưa có quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Điều này làm phát sinh một số khó khăn, bất cập như: Nhiều người nhiễm HIV đã biết tình trạng HIV nhưng vẫn có thể làm lây nhiễm HIV cho người khác; do không tiếp cận được thông tin người nhiễm nên khó tiếp cận để chăm sóc, điều trị và hỗ trợ họ cũng như dự phòng lây nhiễm HIV cho cộng đồng; người quản lý và chi trả bảo hiểm y tế chưa có quy định được tiếp cận với thông tin điều trị của người nhiễm HIV cũng gây khó khăn trong thực hiện các quy định, chính sách bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV, chưa bảo đảm đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật bảo hiểm y tế, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm...
Thứ hai, việc quy định người dưới 16 tuổi khi thực hiện xét nghiệm phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ không phù hợp với thực tiễn và hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV, quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Thực tế hiện nay, trẻ từ 15 tuổi nhiễm HIV đã có thể có quan hệ tình dục không an toàn, không dám tiết lộ nguy cơ lây nhiễm HIV cho cha mẹ để cha mẹ, do vậy trẻ cũng sẽ không được thực hiện xét nghiệm HIV.
Khi các cơ sở, nhân viên y tế không xét nghiệm cho trẻ dưới 16 tuổi nếu không có cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng. Từ đó, trẻ sẽ mất đi cơ hội được xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV. Việc giới hạn độ tuổi 16 cũng không còn phù hợp với sự phát triển thể chất, tâm sinh lý và nhận thức của trẻ em Việt Nam hiện nay do trẻ đã phát triển và trưởng thành hơn so với giai đoạn trước, bối cảnh xã hội cũng có thay đổi hơn.
Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, các tổ chức quốc tế và pháp luật của một số nước (nhiều nước chỉ giới hạn từ dưới 14 hoặc dưới 15 tuổi).
Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề của xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS
Thứ ba, quy định chỉ cơ sở xét nghiệm HIV được Bộ trưởng Bộ Y tế công nhận mới được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính không phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, phân cấp và gây tốn kém kinh phí cho cơ sở y tế địa phương khi phải thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan Trung ương.
Quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí nhưng Nhà nước lại không bảo đảm đủ nguồn lực. Quy định này cũng chưa rõ ràng, chưa đồng bộ với Luật Bảo hiểm y tế nên gây khó khăn cho việc thanh toán bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế do bảo hiểm y tế sẽ không chi trả do quy định được nhà nước chi trả.
Thứ tư, việc quy định các thông điệp truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện miễn phí trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các cơ quan truyền thông đều hoạt động theo cơ chế tự chủ, nên quy định này không khả thi và thực tế đa số vẫn phải chi trả kinh phí truyền thông.
Thứ năm, một quy định khác trong Luật phòng, chống HIV/AIDS là tại Điều 42 về áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối không còn phù hợp với thực tế diễn biến bệnh trong điều trị và tiến bộ của kỹ thuật y tế hiện nay, nhất là khi thuốc kháng vi rút đang được triển khai điều trị rất sớm hoặc điều trị ngay cho người được chẩn đoán nhiễm HIV.
Mặc dù tiến triển của một người nhiễm HIV được chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 4 là giai đoạn chuyển sang bệnh AIDS nhưng hiện nay một người nhiễm HIV có thể chuyển từ giai đoạn 4 về giai đoạn 1, 2 hoặc 3 tùy thuộc vào kết quả việc điều trị ARV nên sẽ có trường hợp giai đoạn 4 nhưng vẫn có thể cải thiện được và thậm chí trở nên khỏe mạnh. Điều này dẫn đến khó xác định được thời điểm tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt hoặc khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định rồi thì đối tượng lại có tiến triển tốt về sức khỏe. Mặt khác, các quy định này đều dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính nên không cần thiết quy định tại Luật này mà thực hiện theo các Luật có liên quan.
Thứ sáu, giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Luật Phòng, chống HIV/AIDS đang có sự mâu thuẫn về quy định người nghiện ma túy tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả điều trị cho người nghiện ma túy.
Toàn cảnh phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Do vậy, các bất cập tồn tại này cần sớm được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ cũng như nâng cao hiệu quả thực hiện Luật. Việc sửa đổi, bổ sung Luật là yêu cầu cần thiết để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng như đáp ứng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới và tình hình dịch tễ HIV/AIDS trong thời gian tới.
Kiều Trang