CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Chặng đường PrEP 3 năm: phát triển và vững mạnh

Thứ Bảy, 20/04/2024 | 00:46:50 GMT+7

Chặng đường PrEP 3 năm: phát triển và vững mạnh

26/10/2022 | 910 lượt xem | TP

Sáng ngày 26/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp PEPFAR và các đối tác, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS triển khai Hội thảo tổng kết điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giai đoạn 2020-2022.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có PGS. TS. Phan Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế. Tham dự hội thảo còn có sự tham gia của bà Lin Chun Liu – Giám đốc Điều phối chương trình PEPFAR Việt Nam; ông Eric Diuzban, Giám đốc Tổ Chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Randoph Augustin, Giám đốc phòng y tế USAID; bà Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia cao cấp, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; bà Dương Thu Hằng, Điều phối viên Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Hội thảo còn có sự tham gia của Lãnh đạo Sở Y tế, Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố và đại diện các CBO tại 29 tỉnh/thành phố đang triển khai PrEP cùng các tổ chức quốc tế PEPFAR, WHO, US.CDC, PATH, VUSTA, AHF, USAID, UNAIDS, FHI360, LIFE, IRD, HAIVN và đại diện các cơ quan báo đài đưa tin tại Hội thảo.

Phát biểu tại sự kiện, PGS. TS. Phan Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) bằng thuốc ARV là một can thiệp dự phòng hữu hiệu nhằm giảm số người nhiễm HIV mới đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo và được Bộ Y tế phê duyệt triển khai kịp thời nhằm kiểm soát dịch HIV trong tình hình mới. Các bằng chứng khoa học cho thấy việc sử dụng PrEP làm giảm đến 97% nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn, giảm 74% nguy cơ lây nhiễm PrEP qua đường tiêm chích ma túy. Chỉ trong vòng 2 năm 2020, 2021, đã có trên 200 cơ sở tại 29 tỉnh/thành phố đang cung cấp dịch vụ PrEP cho trên 52.000 người. Bên cạnh các cơ sở y tế công lập, chúng ta ghi nhận có sự tham gia mạnh mẽ của các cơ sở y tế tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ PrEP với quy trình cung cấp dịch vụ được Bộ Y tế thống nhất trên toàn quốc. Đây cũng là bằng chứng cho thấy vai trò của y tế tư nhân, đặc biệt là của các tổ chức dân sự xã hội trong việc triển khai các can thiệp giảm nhiễm HIV mới tại Việt Nam. Chính những nỗ lực này của cả hệ thống cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các Tổ chức quốc tế, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên thế giới được đánh giá cao từ Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế về một đất nước đi tiên phong trong việc đa dạng các sáng kiến, cung cấp các chương trình can thiệp thân thiện, hiệu quả nhằm giảm việc nhiễm HIV mới trong các quần thể có hành vi nguy cơ cao. Những thành công, kinh nghiệm, thực hành tốt của Việt Nam đã được lựa chọn để báo cáo, chia sẻ với các quốc gia khác trên các diễn đàn Quốc tế. Gần đây nhất, tại Hội nghị AIDS Toàn cầu lần thứ 24 được tổ chức tại Canada tháng 7/2022, Việt Nam đã được lựa chọn là quốc gia chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công về mở rộng PrEP, các mô hình dịch vụ khác nhau và các sáng kiến mới.

 Tại Hội thảo, bà Lin Chun Liu – Giám đốc Điều phối chương trình PEPFAR Việt Nam cam kết rằng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các tỉnh/thành phố và các tổ chức cộng đồng để duy trì và mở rộng chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV trong thời gian tới. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ lộ trình triển khai mô hình sáng kiến mới theo khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới. Bên cạnh đó, PEPFAR sẽ tiếp tục giới thiệu các sản phẩm thuốc PrEP mới như thuốc tiêm CAB-LA để khách hàng có nhiều sự lựa chọn phong phú và phù hợp hơn. Với nỗ lực của ngành y tế, các tổ chức cộng đồng và sự hỗ trợ của PEPFAR, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

 
TS. Đoàn Thị Thùy Linh trình bày tổng kết chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giai đoạn 2020-2022

Sau 3 năm triển khai, chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã mở rộng trên 210 phòng khám tại 29 tỉnh/thành phố với đa dạng các mô hình cung cấp dịch vụ như: PrEP qua cơ sở y tế công lập – cơ sở y tế tư nhân do cộng đồng làm chủ, PrEP tại nhà thuốc, PrEP lưu động, Tele PrEP, PrEP và mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng. Đến quý 3 năm 2022, 60.258 khách hàng sử dụng PrEP tích lũy và 31.165 khách hàng đang sử dụng PrEP. Trong đó, PrEP hàng ngày chiếm 94,5% số khách hàng sử dụng. Trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS có kế hoạch tiếp tục mở rộng độ bao phủ triển khai PrEP (công lập và tư nhân) ra các tỉnh, thành phố có tình hình dịch cao thông qua các mô hình, sáng kiến mới, tập trung vào nhóm dân số trẻ (sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp…); Nhân rộng các mô hình thành công: PrEP từ xa, PrEP tại cộng đồng, PrEP trong khu vực tư nhân; Mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ và sản phẩm phòng chống HIV/AIDS (sinh phẩm xét nghiệm thế hệ mới, sinh phẩm tự xét nghiệm, thuốc dạng uống, thuốc tiêm, thuốc đặt…) đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng; Củng cố chất lượng và tăng cường chất lượng dịch vụ PrEP hiện có, Cập nhật các hướng dẫn về PrEP của Tổ chức Y tế Thế giới, CDC Hoa kỳ về thuốc mới, phác đồ điều trị mới.

 
TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV báo cáo triển khai các hoạt động truyền thông tạo cầu cung cấp dịch vụ PrEP
 
PGS. TS. Lê Minh Giang chia sẻ kinh nghiệm triển khai Mô hình cung cấp dịch vụ PrEP tại trường ĐH Y Hà Nội
 
Glink Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm vận hành và triển khai hệ thồng các phòng khám PrEP
 
Bà Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia cao cấp, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cập nhật Hướng dẫn mới của WHO trong triển khai PrEP.

 Tại Hội thảo, Cục Phòng, chống HIV/AIDS ghi nhận những đóng góp và trao Bằng khen cho nỗ lực của các cá nhân, tổ chức trong chặng đường 3 năm triển khai PrEP.

 
Ông Eric Diuzban, Giám đốc Tổ Chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu USCDC tự hào được làm việc với các bên liên quan và đối tác để hỗ trợ chương trình PrEP tại Việt Nam. Đây là một sự hợp tác tuyệt vời để đẩy nhanh tỷ lệ sử dụng PrEP, cải thiện mức độ duy trì và chất lượng dịch vụ.

Ông Randoph Augustin, Giám đốc phòng y tế USAID cam kết sẽ luôn đồng hành và sát cánh cùng Việt Nam trong giai đoạn tới

Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đối tác khởi động mô hình TelePrEP

Cục Phòng, chống HIV/AIDS, PEPFAR, USCDC, Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và các đối tác chiến lược cam kết hỗ trợ các mô hình mới trong điều trị PrEP cũng như triển khai PrEP theo khuyến cáo mới của WHO. Trong tương lai, tin rằng Việt Nam sẽ Tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.