“Alo PrEP” là chiến dịch truyền thông tạo cầu về PrEP do phòng khám Alo Care thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án USAID/PATH STEPS trong 3 tháng (từ tháng 2 - 4/2022). Thông qua các kênh truyền thông trực tuyến kết hợp với trực tiếp, “Alo PrEP” đã tiếp cận được nhiều khách hàng trẻ, tuổi từ 18-24, đem đến cho họ các thông tin hữu ích và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục phù hợp, đặc biệt là dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Trong quá trình triển khai PrEP, nhận thấy số ca nhiễm HIV mới trong độ tuổi từ 18-24 đang có xu hướng tăng nhanh. Vì vậy, việc trẻ hóa các hoạt động truyền thông tạo cầu nhắm tới tệp khách hàng này là vô cùng quan trọng, nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả của hoạt động PrEP.
Số lượng người trẻ có hành vi nguy cơ cao, như quan hệ tình dục không an toàn, đang tăng nhanh. Đây là nhóm đích rất tiềm năng của dịch vụ PrEP
(ảnh có tính chất minh họa)
Trên cơ sở đó, Alo Care quyết định thực hiện chiến dịch “Alo PrEP”, dưới sự hỗ trợ của dự án USAID/PATH STEPS (STEPS) và sự ủng hộ từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC). Chiến dịch gồm một chuỗi các hoạt động đa dạng từ trực tuyến đến trực tiếp nhằm nâng cao nhận thức, sự tin tưởng vào chất lượng dịch vụ. Đối tượng ưu tiên đặc biệt là các bạn sinh viên, trong độ tuổi 18-24.
Truyền thông trực tuyến sôi nổi với đa dạng các kênh
Chiến dịch “Alo PrEP!” được triển khai rộng rãi trên đa dạng các phương tiện truyền thông trực tuyến (online), đặc biệt là những kênh truyền thông gần gũi với giới trẻ như Tik Tok, Facebook và các ứng dụng hẹn hò cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), tiêu biểu là ứng dụng Blued.
Hình ảnh quảng bá một buổi livestream trên Blued của bạn Tiến Dũng - một bạn trẻ có sức ảnh hưởng trong cộng đồng với hơn 2000 người theo dõi trên BlueD.
Với chuỗi livestream cùng các bài đăng, video Tiktok có nội dung trẻ trung, thân thiện lồng ghép những thông tin về chăm sóc sức khỏe và an toàn tình dục rất bổ ích, với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm, chiến dịch đã thu hút hơn 20 nghìn lượt xem.
Chuỗi hoạt động trực tuyến này cũng giúp nâng cao định vị thương hiệu của phòng khám Alo Care trong mắt khách hàng nói chung và tệp khách hàng trẻ nói riêng.
Hoạt động truyền thông nhóm nhỏ và sự kiện “Ngày chủ nhật xanh”
Bên cạnh các hoạt động trực tuyến hết sức sôi nổi, chiến dịch còn bao gồm chuỗi sự kiện truyền thông trực tiếp với điểm nhấn là “Ngày chủ nhật xanh” cung cấp các dịch vụ xét nghiệm HIV và các biện pháp dự phòng HIV. Tại đây, khách hàng còn được tư vấn, xét nghiệm và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, sùi mào gà, viêm gan B, viêm gan C theo đúng mô hình phòng khám toàn diện (one-stop shop) mà Alo Care đang triển khai.
Một sự kiện truyền thông nhóm nhỏ tại quán cà phê của chiến dịch Alo PrEP.
Các sự kiện được tổ chức vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, thu hút hơn 100 khách hàng tham gia. Để đảm bảo tính hấp dẫn, Alo Care tổ chức các sự kiện này như một buổi giao lưu, giải trí cuối tuần cho các bạn trẻ, lồng ghép trong đó những kiến thức về sức khỏe tình dục và PrEP.
Địa điểm được lựa chọn là các quán cà phê ở làng đại học Thủ Đức, gần phòng khám Alo Care Thủ Đức để các bạn sinh viên có thể dễ dàng tham gia và sử dụng dịch vụ. Một khách hàng cho biết: “Em cảm thấy rất tiện lợi khi có thể tiếp cận được các dịch vụ chỉ trong cùng một ngày, đặc biệt là ngày cuối tuần, vì lúc đó em mới có thời gian rảnh vì không phải lên trường”.
“Ngày chủ nhật xanh” tiêu biểu về cho hoạt động truyền thông lấy khách hàng làm trung tâm khi tổ chức vào những ngày cuối tuần, phù hợp với lịch sinh hoạt của khách hàng.
Kết quả chính và Bài học kinh nghiệm
Với cách truyền thông sáng tạo, hấp dẫn, lấy khách hàng làm trung tâm trong chiến dịch “Alo PrEP” chỉ trong 2 tháng đã có đến 142 khách hàng PrEP mới đến thăm khám và sử dụng dịch vụ tại phòng khám Alo Care tại tp. Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Thành công của chiến dịch đến từ việc thu nhỏ nhóm đích cần hướng tới, đó là nhóm khách hàng trẻ. Từ đó xây dựng kịch bản truyền thông sáng tạo, thân thiện và hấp dẫn thông qua chuỗi các hoạt động tập trung đến nhóm đích một cách sát sao.
Việc tiếp cận nhóm khách hàng trẻ, bao gồm học sinh - sinh viên, không những làm tăng đáng kể lượng khách hàng mới đến phòng khám mà còn là dịp nâng cao nhận thức về HIV/AIDS, an toàn tình dục cho các bạn trẻ - điều mà dự án USAID/PATH STEPS và các đối tác của phòng khám, doanh nghiệp xã hội đã và đang luôn nỗ lực khẳng định chất lượng dịch vụ cho nhóm cộng đồng này.