HIV/AIDS đã và đang là vấn đề đáng lo ngại tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát, chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện nhiều chương trình, hoạt động nhằm phòng ngừa lây nhiễm, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Trong đó có dự án USAID/PATH STEPS do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ.
Dự án bao gồm: nâng cao năng lực, hỗ trợ cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc PrEP cho nhóm nguy cơ cao; huy động các cơ sở y tế công lập, tư nhân tham gia vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tính đến tháng 8/2024, các phòng khám PrEP thuộc dự án USAID/PATH STEPS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã cung cấp dịch vụ PrEP cho gần 1,5 nghìn khách hàng mới, đạt 89% chỉ tiêu năm. Nhóm đối tượng đáng lo ngại nhất là nam trẻ tuổi có quan hệ tình dục đồng giới cũng đã từng bước tiếp cận và ngày càng có nhiều người tham gia chương trình điều trị dự phòng bằng thuốc PrEP.
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương cho biết, nguồn lực tài trợ từ bên ngoài cho công tác dự phòng và điều trị HIV ở Việt Nam đã giảm đáng kể từ đầu những năm 2010 và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Với nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam và sự quan tâm ngày càng gia tăng của khu vực tư nhân nhằm tạo ra tác động lớn hơn thông qua các hoạt động kinh doanh của họ, các đối tác tư nhân có đủ năng lực để đóng vai trò lớn hơn nữa trong thị trường HIV và tăng cường tính bền vững của dịch vụ dự phòng và điều trị HIV cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Trong dự án USAID/PATH STEPS cũng khẳng định vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Giai đoạn 2024-2025, ngành y tế Đồng Nai tiếp tục triển khai các hoạt động của dự án. Trong đó, sẽ áp dụng các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP mới như: PrEP dạng tiêm, mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện tại các phòng khám PrEP, thí điểm chương trình PrEP trợ giá. Đặc biệt, sẽ triển khai phù hợp mô hình cung cấp dịch vụ PrEP cho nhóm chuyển giới nữ trên địa bàn.
Dự án STEPS cũng sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ lồng ghép HIV và chăm sóc sức khỏe ban đầu lấy khách hàng làm trung tâm thông qua các mô hình chăm sóc đổi mới; thúc đẩy nhu cầu và việc sử dụng các công nghệ y tế đột phá; thúc đẩy cung cấp dịch vụ và tạo cầu cho các hàng hóa, dịch vụ về HIV và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Bên cạnh đó, thúc đẩy cộng đồng cùng kiến tạo, hỗ trợ công tác quản lý của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và tăng cường năng lực lãnh đạo của cộng đồng đích, đồng thời đẩy mạnh sáng tạo trong cung cấp dịch vụ và mở rộng thị trường nhằm đạt được những mục tiêu đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Hơn 6.000 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV trong quý I/2024
Tại Đồng Nai, ngành y tế tỉnh không chỉ chú trọng công tác dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, chuyển giới nữ, Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng đã được ngành y tế tỉnh triển khai rất tích cực, mang lại nhiều hiệu quả cao. Những năm gần đây, hầu như 100% số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV (được uống thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con) đều có kết quả âm tính với virus HIV.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, chỉ tính riêng từ quý 1 năm 2024, Đồng Nai đã tiến hành xét nghiệm HIV cho 6.012 phụ nữ mang thai, trong đó 1 người dương tính HIV. Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV là 7 người, số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm là 6 trẻ, tất cả các trẻ này đều âm tính với virus HIV.
BS. Vũ Thị Ngọc, Phó Trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là biện pháp hiệu quả nhất, có tính nhân văn nhất làm giảm tỉ lệ trẻ bị nhiễm HIV, tiến tới không còn trẻ nhiễm mới. Nếu không có can thiệp nào thì tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con lên tới 40%. Tuy nhiên, nếu được dự phòng tích cực cho mẹ và con thì tỉ lệ này có thể dưới 2%, thậm chí thấp hơn, có nghĩa là cứ 100 phụ nữ nhiễm HIV sinh con thì có 2 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Tại Đồng Nai, những năm gần đây, những bà mẹ nhiễm HIV mang thai đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, vì vậy không có trẻ nào sinh ra nhiễm HIV từ mẹ.
Hiện nay, phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có khả năng mang thai, sinh con không bị nhiễm HIV khi tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ nhiễm HIV cho con là khi tải lượng virus trong máu dưới ngưỡng phát hiện.
Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, những năm qua, ngành y tế Đồng Nai đã tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ nên đã thu được những kết quả tích cực, góp phần giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng và hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV mới nói chung.
Đối với công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong thời gian qua, hầu hết phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh đều được các bác sĩ tư vấn, sàng lọc và lấy máu xét nghiệm HIV sớm. Đây được đánh giá là biện pháp hữu ích, không chỉ phòng ngừa HIV, mà còn tạo điều kiện chăm sóc, hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và các bé sinh ra có được sức khỏe phát triển bình thường.
Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tập trung vào các nội dung như: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; điều trị ARV sớm để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương...nhằm tăng cường hiệu quả của chương trình HIV từ mẹ sang con và hướng tới mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của ngành y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, toàn tỉnh phát hiện khoảng 7.000 người nhiễm HIV/AIDS. Hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng ngày càng chiếm tỉ trọng cao hơn so với đường máu, người nhiễm HIV nhóm tuổi từ 25-49 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất và có xu hướng trẻ hóa dần 15-24 tuổi.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 4 cơ sở có chức năng khám chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS gồm: Bệnh Viện Đa Khoa Đồng Nai; Phòng khám đa khoa (TTYT H.Long Thành); Phòng khám điều trị HIV/AIDS thuộc TTYT TP. Long Khánh; Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.
Về công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP được triển khai từ năm 2019, hiện có 12 đơn vị tham gia điều trị. Việc thực hiện chỉ tiêu năm 2024, tính đến 30/6, toàn tỉnh có số khách hàng mới đăng ký là 1.316 người, đạt 65,8%.