CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Chuyên trang > Phòng, chống ma túy

Chủ Nhật, 28/04/2024 | 06:06:32 GMT+7

Việt Nam đang phát huy vai trò chủ động, tích cực trong phòng chống ma túy

22/06/2023 | 360 lượt xem

 Đó là đánh giá của chuyên gia UNODC, Ông Nguyễn Thanh Cường Bác sĩ, Cán bộ Chương trình quốc gia về HIV, ma túy và trại giam, Văn phòng UNODC tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho công tác phòng chống ma túy, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) ghi nhận nỗ lực của Chính phủ đã phát huy vai trò chủ động, tích cực trong xây dựng, hoạch định chính sách, đề ra các sáng kiến và hoạt động hợp tác chung trong khu vực về phòng chống ma túy.
 
Ông Nguyễn Thanh Cường, Bác sĩ, Cán bộ Chương trình quốc gia về HIV, ma túy và trại giam, Văn phòng UNODC tại Việt Nam 

Nhân Tháng hành động phòng chống ma túy, Ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng chống ma túy (26/6), ông Nguyễn Thanh Cường, Bác sĩ, Cán bộ Chương trình quốc gia về HIV, ma túy và trại giam, Văn phòng UNODC tại Việt Nam có chia sẻ về hoạt động phòng, chống ma túy tại Việt Nam. 
Đông Nam Á - "mảnh đất màu mỡ" của methamphetamine
Trong bối cảnh hậu COVID-19 hiện nay, dựa trên những báo cáo đánh giá thường kỳ, UNODC có thể đưa ra nhận định về tình hình ma túy tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Cường: Trong giai đoạn hậu COVID-19, cùng với sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế trong khu vực, hoạt động sản xuất, buôn bán các chất ma túy bất hợp pháp, đặc biệt là ma túy tổng hợp như methamphetamine, ketamine và các chất kích thích khác có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ và có xu hướng trở lại các mốc trước giai đoạn dịch COVID-19.
Methamphetamine hay còn gọi là ma túy "đá" vẫn là chất ma túy đứng đầu bảng trong các báo cáo của khu vực Đông Nam Á và vùng lân cận Đông Á. Theo Báo cáo Tình hình ma túy tổng hợp của UNODC năm 2022, Đông Nam Á vẫn được coi là một trong những "mảnh đất màu mỡ" nhất cho sự phát triển của thị trường methamphetamine trên thế giới. Tính riêng trong năm 2022, lực lượng thực thi pháp luật trong khu vực đã bắt giữ xấp xỉ 151 tấn methamphetamine.
Với sự siết chặt giao thông xuyên biên giới của các nước như Thái Lan và Trung Quốc, thị trường ma túy được kiểm soát tốt hơn tại các nước này nhưng lại có dấu hiệu tăng mạnh ở các nước khác như: Campuchia, Lào và Myanmar. Báo cáo của UNODC năm 2022 cũng nhấn mạnh đến sự gia tăng trở lại của thị trường heroin trong khu vực.
Việt Nam là quốc gia có đặc điểm địa lý đặc biệt với đường biển trải dài trong khi đường biên giới lại tiếp xúc với khá nhiều nước trong khu vực. Theo số liệu của cơ quan cảnh sát phòng, chống ma túy, Việt Nam vừa là thị trường tiêu thụ lại vừa là nơi trung chuyển của chuỗi cung ứng chất ma túy bất hợp pháp. Các hoạt động vận chuyển ma túy xuyên biên giới từ Camphuchia và Lào, là nơi có nhiều nhóm tội phạm có tổ chức đang hoạt động. Bên cạnh đó, việc vận chuyển ma túy qua các con đường khác như đường hàng không hay đường biển cũng đã được báo cáo và ghi nhận.
Thưa ông, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã triển khai Luật Phòng chống ma túy năm 2021 với nhiều điểm mới trong công tác cai nghiện, quản lý người sử dụng ma túy. Việt Nam cũng ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ ma túy lớn, xuyên quốc gia. UNODC đánh giá như thế nào về nỗ lực phòng chống ma túy của Chính phủ Việt Nam?
Ông Nguyễn Thanh Cường: UNODC ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phát huy vai trò chủ động, tích cực trong xây dựng, hoạch định chính sách, đề ra các sáng kiến và hoạt động hợp tác chung trong khu vực về phòng, chống ma túy.
Chính phủ luôn dành ưu tiên cao cho công tác phòng, chống ma túy; phối hợp chặt chẽ với các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mekong, cả cấp độ đa phương và song phương để đấu tranh, ngăn chặn hiểm họa mang tính toàn cầu này.
Trong những năm qua, UNODC và Bộ Công an đã có những hợp tác chuyên sâu và hiệu quả trong công tác phòng chống ma túy. Những hợp tác này đã mang lại những kết quả rất tích cực, giúp Bộ Công an hoạt động có hiệu quả hơn trong công tác ngăn ngừa các hoạt động sản xuất, buôn bán và các nhóm tội phạm liên quan đến ma túy, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chống tham nhũng, chống mua bán người và chống khủng bố.
Thời gian tới, UNODC sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và hỗ trợ Bộ Công an Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nâng cao trình độ, hỗ trợ trang thiết bị… để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm về ma túy.
Trong công tác giảm cầu và giảm hại, Chương trình Điều trị Nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone của Việt Nam với trên 50 nghìn bệnh nhân được điều trị, cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Các số liệu nghiên cứu cho thấy liệu pháp điều trị Methadone kết hợp với chương trình phân phát bơm kim tiêm sạch đã giúp Việt Nam khống chế được sự lây lan của HIV qua tiêm chích ma túy.
Trong những năm gần đây, với sự bùng nổ của ma túy tổng hợp dạng kích thích, Bộ Y tế Việt Nam cùng các ngành y tế địa phương cũng đã triển khai các hoạt động ứng phó với tác hại của nhóm ma túy mới này và đã đạt được kết quả ban đầu đáng ghi nhận.
 
Hoạt động tìm kiếm tại khu vực biên giới theo kế hoạch hành động giữa các Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) Việt Nam - Campuchia 
Đẩy mạnh thực thi pháp luật là rất cần nhưng chưa đủ
Ma túy núp bóng trong thực phẩm, thuốc lá điện tử...đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Tình hình sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh tiếp tục gia tăng, đòi hỏi công tác phòng ngừa sử dụng trái phép chất ma túy cần đổi mới toàn diện. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia cũng như những biện pháp mà UNODC khuyến nghị cho Việt Nam trong công tác phòng ngừa?
Ông Nguyễn Thanh Cường:  Đây là một vấn đề rất phức tạp với rất nhiều yếu tố phát sinh và thúc đẩy, gồm cả chủ quan lẫn khách quan. Như chúng ta đã biết, với đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi trẻ, phần lớn các em đều có sự hiểu biết chưa đầy đủ, thiếu kỹ năng sống lại phải ứng phó với nhiều áp lực ngày càng tăng từ môi trường giáo dục cạnh tranh, song hành với các vấn đề khác như bạo lực gia đình, học đường...
Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan cũng rất phức tạp. Thứ nhất, về góc độ tội phạm học, giới thanh thiếu niên luôn được coi như là mảnh đất màu mỡ nhất, tiềm năng nhất cho thị trường tiêu thụ các chất ma túy bất hợp pháp. Vì vậy, ngày càng có nhiều loại chất ma túy mới được bào chế, hình thức sản phẩm cũng được phát triển đa dạng hơn với mục đích chính là nhắm đến các lứa tuổi thanh thiếu niên.
Thứ hai, các hoạt động marketing và giới thiệu sản phẩm đến đối tượng sử dụng trẻ tuổi ngày càng phức tạp và khó kiểm soát với các chiêu trò như khuyến mãi, bán đa cấp, cho dùng thử, thưởng cho người giới thiệu… hay việc quảng cáo bán hàng qua mạng xã hội. Các ranh giới giữa các sản phẩm như rượu bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, shisha, đến các chất cấm ngày càng mỏng manh hơn.
Để giải quyết vấn đề này, việc siết chặt và đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật là rất cần nhưng chưa đủ. Về phía nhà trường và ngành giáo dục cần có các chương trình tập huấn và nâng cao năng lực giành cho giáo viên, từ đó có thể chuyển tải kiến thức và xây dựng kỹ năng sống cho học sinh của mình.
Trong các năm qua, UNODC đã triển khai Chương trình Can thiệp Liệu pháp Gia đình (Family Therapy Interventions) nhằm dự phòng và điều trị lạm dụng ma túy trong các lứa tuổi thanh thiếu niên. Các chương trình này được triển khai tại khoảng 40 nước trên thế giới, trong đó có Myanmar và Philippines với nhiều kết quả rất tích cực.
Về lý thuyết, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng cho sự phát triển cả về thế chất lẫn tinh thần của mỗi con người chúng ta. Các nghiên cứu đã cho thấy trẻ vị thành niên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, thiếu sự gắn kết và quan tâm chăm sóc từ phía cha mẹ luôn là nhóm có nguy cơ sử dụng ma túy cao nhất. Xuất phát từ điều đó, các can thiệp nâng cao kiến thức và kỹ năng giúp cha mẹ hiểu đúng thế nào là giáo dục con cái dựa trên tình thương, xây dựng sự gắn kết trong gia đình từ đó tạo ra yếu tố bảo vệ rất hiệu quả, nâng cao kết quả học tập, giảm thiểu tỷ lệ các hành vi tiêu cực trong đó có sử dụng ma túy.
 
Tập huấn, đào tạo phòng chống vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy cho các cán bộ của Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) 
Theo ông, còn những thách thức nào mà Việt Nam đang gặp phải trong phòng chống với tội phạm và tệ nạn ma túy?
Ông Nguyễn Thanh Cường: Việt Nam với đặc điểm địa lý đặc trưng và cũng là điểm trung chuyển của các tuyến đường hàng không và đường biển quốc tế. Vì vậy, các nỗ lực kiểm soát ma túy bất hợp pháp cần được siết chặt và đẩy mạnh hơn nữa tại các mặt trận này, bên cạnh các hoạt động kiểm soát tại các tuyến đường xuyên biên giới mà chúng ta đã và đang làm khá tốt.
Với sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và các diễn biến liên tục của thị trường, số lượng các hoạt chất, tiền chất ma túy, các loại hình sản phẩm ngày đa dạng và phức tạp hơn. Trong các vấn đề này, kiểm soát tiền chất và phát hiện hoạt chất mới luôn là một trong những thách thức lớn nhất cho các đơn vị thực thi pháp luật phòng chống ma túy.
Dự phòng là rất quan trọng để xử lý đầu nguồn
Để công tác phòng, chống ma túy của Việt Nam đạt hiệu quả hơn nữa, UNODC đưa ra khuyến nghị và đề xuất thêm những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Cường: Trong giảm cung, Việt Nam là một quốc gia có một hệ thống kiện toàn cả về văn bản, chính sách hướng dẫn lẫn lực lượng thực thi. Theo chúng tôi, Bộ Công an cần tiếp tục phát huy những điểm mạnh sẵn có, đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến khoa học công nghệ và kiện toàn hệ thống chính sách trong lĩnh vực phòng chống ma túy để bắt kịp và đón đầu với các diễn biến mới của thực tế.
Là một nước thuộc khu vực Đông Nam Á và nằm trong Tiểu vùng sông Mekong, Việt Nam cần tận dụng và phát huy tối đa lợi ích và nguồn lực sẵn có thông qua các chương trình hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia trong khu vực và với các cơ quan quốc tế như UNODC, Ủy ban Kiểm soát Ma túy Quốc tế (INCB), Cơ quan Cảnh sát Quốc tế (Interpol)….
Trong lĩnh vực giảm cầu và giảm hại, thông điệp đầu tiên của Liên Hợp Quốc dành cho tất cả các quốc gia thành viên trong Tháng hành động về ma túy năm 2023 là "Đặt con người lên trên hết: Chấm dứt kỳ thị và phân biệt đối xử, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng". Một khi chúng ta giải quyết được vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử, người sử dụng ma túy cảm nhận được sự thân thiện và lợi ích từ các chương trình điều trị phục hồi, họ sẽ tự nguyện tham gia và như vậy kết quả điều trị sẽ cao hơn.
Còn về dự phòng, cần hiểu rằng dự phòng có nhiều mức độ khác nhau: Dự phòng nguyên phát tức là dự phòng cho các lứa tuổi trẻ chưa sử dụng ma túy. Dự phòng thứ phát tức là dự phòng cho người đã sử dụng ma túy giúp họ tránh sử dụng lại hoặc phòng tránh các bệnh lý do ma túy gây ra. Việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của dự phòng là rất quan trọng.
Nếu coi vấn đề sử dụng ma túy trong giới trẻ như một cơn lũ, khi chúng ta chỉ tập trung điều trị và phục hồi (ví dụ cai nghiện) thì có nghĩa chúng ta chỉ dập được lũ ở phía cuối nguồn trong khi đó việc xử lý đầu nguồn là dự phòng lại chưa được quan tâm đúng mức.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phương Hà