CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Cục Phòng, chống HIV/AIDS gặp mặt các tổ chức Quốc tế nhân ...

Thứ Ba, 21/01/2025 | 08:41:40 GMT+7

Cục Phòng, chống HIV/AIDS gặp mặt các tổ chức Quốc tế nhân dịp Giáng sinh và Năm mới 2024

09/12/2024 | 259 lượt xem | Minh Nguyệt

Nhân dịp Giáng sinh và Năm mới, sáng ngày 09/12/2024, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức buổi gặp mặt các tổ chức Quốc tế đang hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Đây là dịp để Cục Phòng, chống HIV/AIDS đánh giá lại thành tích trong công tác phòng chống HIV/AIDS đồng thời tôn vinh những đóng góp về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức, chuyên gia quốc tế đã dành cho Việt Nam trong năm qua. 

Toàn cảnh buổi gặp mặt

Tham dự buổi gặp mặt có PGS. TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; PGS.TS. Phạm Đức Mạnh, Ths. Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng các đồng chí lãnh đạo các phòng, các Dự án thuộc Cục và đại diện các tổ chức Quốc tế đang hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS: UNAIDS, WHO, PEPFAR, US.CDC, USAID, HAIVN/BIDMC, AHF, PATH STEPS, EpiC FHI360, LHSS, UNODC…
 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, PGS. TS. Phan Thị Thu Hương đã gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc và đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các cá nhân đã, đang làm việc cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức thì năm 2024 tiếp tục là năm ghi dấu thành công của công tác phòng, chống HIV/AIDS. Mong rằng các tổ chức quốc tế tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa và hỗ trợ nhiều hơn nữa trong các năm tiếp theo để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Thay mặt cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đại diện Lãnh đạo các Phòng thuộc Cục điểm lại 10 thành tựu quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2024:

 

Ts. Nguyễn Việt Nga, Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm HIV cho biết:
Trong năm 2024, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã trình ban hành 1 Nghị định và 2 Thông tư. Điều này đóng vai trò tạo nền tảng pháp lý vững chắc, hỗ trợ cho việc triển khai các chính sách tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, đảm bảo kiểm soát không tái bùng phát sau 2030.
Việt Nam cũng mở rộng và đa dạng hóa các mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV. Với hơn 2 triệu lượt người được xét nghiệm, các mô hình cung cấp dịch vụ ngày càng phong phú, từ tư vấn tại cơ sở y tế, cộng đồng đến tự xét nghiệm qua nền tảng trực tuyến. Số lượng cơ sở xét nghiệm HIV khẳng định đạt 251 trên cả nước, trong đó có sự tham gia của khu vực tư nhân. Điều này tạo điều kiện cho nhiều người phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm.
Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong triển khai mô hình y tế công cộng để đối phó với chùm ca nhiễm HIV và đã chia sẻ kinh nghiệm tại nhiều hội thảo quốc tế. Cần Thơ là tỉnh đầu tiên áp dụng mô hình PHCR, cùng với các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Cao Bằng. Kết quả ban đầu rất đáng ghi nhận, với sự giảm số ca HIV phát hiện mới, tăng tỷ lệ kết nối điều trị ARV thành công, tăng tỷ lệ điều trị ARV trong ngày và tăng số người sử dụng PrEP. Đặc biệt, mô hình phòng khám toàn diện (OSS), nơi cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, điều trị ARV và PrEP, đã được triển khai tại một số tỉnh đã giúp cải thiện hiệu quả điều trị và phòng ngừa. Vì vậy, mô hình PHCR đã chứng minh là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp Việt Nam nhanh chóng kiểm soát dịch HIV/AIDS và tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trong tương lai.
Xây dựng Chương trình chuyển đổi số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2025-2030 hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS. Chương trình là cơ sở triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trong lĩnh vực HIV/AIDS, hướng tới chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, trong đó tăng cường hoạt động chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, triển khai công việc trên hệ thống văn bản điện tử, xây dựng nền quản trị y tế thông minh; thúc đẩy việc phát triển hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin HIV/AIDS góp phần xây dựng hệ thống phòng, chống HIV/AIDS hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. 

 

Ts. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV cho biết:
Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030 trong đó Dự án 6 Tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma túy do Bộ Y tế phụ trách. Đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phối hợp các Bộ, ngành giải quyết vấn đề ma túy, đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống ma túy. Chương trình tập trung khắc phục tồn tại, tiếp nối thành tựu và đáp ứng yêu cầu phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Chương trình gồm 9 dự án trên 3 lĩnh vực: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại do ma túy được triển khai bởi 8 Bộ, ngành. 
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone triển khai tại Việt Nam từ năm 2008, đã đạt hiệu quả rõ rệt với gần 48.000 bệnh nhân tham gia điều trị. Có thể coi đây là một giải pháp vàng về can thiệp giảm tác hại cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Nhằm tạo thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị Methadone, góp phần giảm lây nhiễm HIV, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện đặc biệt ở khu vực miền núi, địa bàn đi lại khó khăn, năm 2021, Bộ Y tế đã thí điểm cấp phát Methadone nhiều ngày tại 6 tỉnh/thành phố, với khoảng 5.000 bệnh nhân tham gia. Sau 4 năm triển khai, kết quả thí điểm nhận được sự hài lòng từ bệnh nhân lẫn gia đình vì tính an toàn, khả thi, hiệu quả cao. Ngày 28/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), tại Điều 35 có quy định về việc triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc Cục Phòng, chống HIV/AIDS mở rộng triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày trên toàn quốc, góp phần giảm lây nhiễm HIV, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống người nghiện.  
Năm 2024, Bộ Y tế tổ chức Mít tinh toàn quốc hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12. Sự kiện này có sự tham dự của 300 đại biểu tại Hà Nội và 49 điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Thành Long và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh/thành phố, các tổ chức quốc tế, các tổ chức cộng đồng... Bên lề Mít tinh, Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Y tế đã gặp gỡ các tổ chức quốc tế, đề nghị họ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc chấm dứt dịch AIDS. Điều này đảm bảo sự bền vững tài chính, duy trì và mở rộng các chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh nguồn lực quốc tế đang cắt giảm.
 

Ts. Đỗ Thị Nhàn, Trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS cho biết:
Số liệu năm 2024 cho thấy 65.962 người đã sử dụng PrEP ít nhất một lần, đạt 93% so với chỉ tiêu đặt ra. Trong đó, 80,7% người sử dụng là nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới). Việc phát triển 221 cơ sở PrEP, với gần 78% thuộc y tế công, giúp mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Đến tháng 9/2024, tổng số bệnh nhân đang điều trị ARV đạt 182.882 người, tăng gấp 364 lần so với năm 2004. Việc mở rộng điều trị tại cộng đồng và trong trại giam không chỉ đảm bảo mục tiêu K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) mà còn nâng cao sức khỏe tổng thể của người nhiễm HIV.
Công tác điều trị HIV được kết hợp với điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan C, STI (bệnh lây truyền qua đường tình dục), và các bệnh không lây nhiễm (NCDs). Đây là hướng tiếp cận lấy con người làm trung tâm, giúp cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, PGS. TS. Phan Thị Thu Hương một lần nữa khẳng định các thành tựu trên có một phần đóng góp hết sức quan trọng của các tổ chức quốc tế đang hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Năm 2025, cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới cơ bản chấm dứt  dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và bảo đảm kiểm soát dịch bệnh AIDS không tái bùng phát sau năm 2030.
Tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS
Tiếp tục mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất luộng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị HIV/AIDS
Đẩy mạnh truyền thông và can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, tập trung vào nhóm MSM
Tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo đủ nguồn tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ quý báu của bạn bè quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời tăng dần tỷ trọng tài chính từ nguồn NSNN tuyến địa phương và nguồn BHYT.

 

Bà Lin Chun Liu, Giám đốc quốc gia Văn phòng PEPFAR tại Việt Nam
 
Đại diện UNAIDS
 
Đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam
 
Đại diện USAID

   

Đại diện các tổ chức quốc tế phát biểu cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

 
Các đại biểu quốc tế chụp ảnh cùng toàn thể cán bộ Cục Phòng, chống HIV/AIDS