Trong hai ngày 13-14/4/2023, Đoàn công tác của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương, Hải Phòng và đại diện một số tổ chức quốc tế đã đến thăm, làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS.
Tham gia tiếp đoàn công tác, có ông Nguyễn Văn Bình, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai; ông Trần Minh Hòa, Giám đốc CDC Đồng Nai cùng đại diện các Khoa, phòng và doanh nghiệp xã hội triển khai hoạt động thí điểm hợp đồng xã hội tại Đồng Nai.
Là một trong những tỉnh được lựa chọn để thí điểm hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS, Đồng Nai đã bắt đầu thí điểm từ tháng 6/2022 với ba gói dịch vụ bao gồm: xét nghiệm HIV tại cộng đồng và chuyển gửi người có phản ứng HIV đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định; chuyển gửi người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị ARV; chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và đủ điều kiện vào cơ sở điều trị PrEP.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Quang, Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Qua thời gian triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội đã đạt được những kết quả như: Ca tiếp cận, đánh giá nguy cơ, xét nghiệm HIV âm tính đạt 92%; kết nối thành công điều trị PrEP đạt 100%; chuyển gửi làm xét nghiệm khẳng định và kết nối thành công điều trị ARV đạt 91,7 % so với chỉ tiêu.
Kết quả thực hiện thí điểm Hợp đồng xã hội tại Đồng Nai năm 2022 cho thấy, 6 chỉ tiêu đặt ra đã đạt từ 33 đến 100%. Trong đó, 2 chỉ tiêu là hỗ trợ tuân thủ điều trị 3 tháng cho khách hàng ARV mới, hỗ trợ tuân thủ điều trị 3 tháng cho khách hàng PrEP chỉ mới đạt 33%; 4 chỉ tiêu còn lại đạt từ 91,7% trở lên.
Để đạt được những kết quả trên, ông Quang cho biết có sự cam kết mạnh mẽ và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai; Hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả của Dự án USAID EpiC, LADDERS. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội tại Đồng Nai đều có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.
Bên cạnh những thuận lợi, Đồng Nai cũng không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình triển khai do chưa có cơ sở pháp lý và hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành về cơ chế huy động ngân sách địa phương cho HĐXH và vẫn còn e ngại trong hoạt động mua sắm, đấu thầu; cần nhiều thời gian, nguồn lực, nhiều bên tham gia, nhân sự năng lực tuyến cơ sở còn hạn chế, chi phí tạo cầu còn thiếu..
Thực tế, hiện nay do vẫn còn tồn tại tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người nhiễm HIV, những người nguy cơ cao nhiễm HIV, do đó việc tiếp cận với những người này rất khó, vì họ e ngại bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Để giải quyết vấn đề này thì các doanh nghiệp xã hội, tổ chức xã hội là một giải pháp tối ưu giúp họ được tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai thể hiện sự ủng hộ trong việc thí điểm Hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS. Ông nhấn mạnh: Hiện nay, trong bối cảnh các nguồn viện trợ dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ngày càng hạn chế thì việc thí điểm hợp đồng xã hội có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, các tổ chức xã hội cũng được tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực trong nhiều mặt.
Ông cũng đánh giá cao vai trò hoạt động phòng chống HIV/AIDS của các tổ chức xã hội, các nhóm hoạt động dựa vào cộng đồng (CBOs), các doanh nghiệp xã hội, tổ chức xã hội hoạt động vì cộng đồng, họ có lợi thế đi tiếp cận truyền thông, tư vấn cho những người có hành vi nguy cơ, cung cấp các dịch vụ như bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn; đồng thời cũng có thể xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng bằng test nhanh. Qua đó, giới thiệu khách hàng có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ như người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị ARV sớm, người chưa nhiễm dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP) hay người nghiện chất dạng thuốc phiện đến cơ sở y tế điều trị methadone.
Là đơn vị đầu tiên thực hiện thí điểm hợp đồng xã hội tại Đồng Nai, anh Trần Hưng – đại diện Doanh nghiệp xã hội Hưng Vũ cho biết, đơn vị đã hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại Đồng Nai được 4 năm, thời gian qua đơn vị luôn được sự quan tâm hỗ trợ từ Sở Y tế, CDC Đồng Nai, Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống (Life), dự án Epic.
Anh Hưng cũng chia sẻ, vì đây là loại hình dịch vụ mới lại là đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện, nên những thủ tục về mặt giấy tờ phục vụ công tác thanh quyết toán vừa làm vừa phải học hỏi; công tác truyền thông, một số máy móc phục vụ công tác chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ. Tuy nhiên, với sự thành công bước đầu trong thí điểm hợp đồng xã hội đã khích lệ anh Hưng cũng như là các doanh nghiệp xã hội trên địa bàn tiếp tục phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Ông Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV - Trưởng Đoàn công tác đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Đồng Nai trong triển khai thí điểm hợp đồng xã hội. Đồng Nai có sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao từ UBND tỉnh đến Sở Y tế, cùng với sự nỗ lực của CDC và sự hỗ trợ kỹ thuật từ các dự án EpiC FHI 360 và dự án LADDER. Đồng Nai cần tiếp tục triển khai hoạt động thí điểm theo kế hoạch địa phương đã xây dựng. Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tập trung vào điều phối thực hiện Đề án song song xây dựng hành lang pháp lý và hướng dẫn chuyên môn đồng thời sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thí điểm, cùng giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để cùng chung tay hướng tới kết thúc dịch AIDS theo Chiến lược đã đề ra.