CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt ...

Thứ Hai, 30/12/2024 | 23:37:19 GMT+7

Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và định hướng kế hoạch năm 2025

13/12/2024 | 1097 lượt xem | Ngọc Anh

Ngày 12-13/12/2024, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và định hướng kế hoạch năm 2025.

Chủ trì Hội thảo có PGS. TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng; Ths. BS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng. Về phía đại biểu Trung ương, Hội thảo có sự tham gia của bà Trần Thị Xuân Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Đại tá Nguyễn Sỹ Thanh, Phó Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công an; các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, các Viện, báo Sức khỏe đời sống. Về phía các tổ chức quốc tế, Hội thảo có sự tham gia của bà Erin Kenny, Trưởng nhóm Sức khỏe toàn dân và kiểm soát bệnh tật, Tổ chức Y tế Thế giới; bà Nguyễn Thị Kim Chi, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Khin Zarli Aye, Giám đốc dự án PATH STEP cùng đại diện các tổ chức UNAIDS, PEPFAR, USAID, AHF,  FHI360,  PATH STEP, LHSS, UNODC, IRD, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm kiểm soát bệnh tật của 63 tỉnh/ thành phố.


 PGS. TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu khai mạc Hội nghị.

Trong năm vừa qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo, điều hành các đơn vị duy trì và đẩy mạnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và tổ chức thực thi pháp luật, điều hành, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy trên phạm vi cả nước. Cục Phòng, chống HIV/AIDS là đơn vị đầu mối triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên môn; triển khai công tác dự phòng lây nhiễm HIV; các hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống ma túy; công tác điều trị HIV/AIDS; công tác giám sát và xét nghiệm HIV và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.


Ths. BS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng trình bày báo cáo Tổng kết hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2024. 

Hiện nay, Việt Nam ước tính 267.391 người nhiễm HIV trên toàn quốc, trong đó, có 245.489 người nhiễm HIV còn sống, 115.853 người nhiễm HIV tử vong lũy tích. Tính đến tháng 11 năm 2024, phát hiện mới 12.927 trường hợp nhiễm HIV mới và 1.516 người tử vong liên quan đến HIV. 
Trong năm vừa qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được một số thành tựu quan trọng như sau:
Thứ nhất, về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Cục Phòng, chống HIV/AIDS là cơ quan đầu mối thực hiện xây dựng, soạn thảo và trình ban hành: Nghị định 141/2024/NĐ-CP ngày 28/10/2024; Thông tư 26/2024/TT-BYT ngày 31/10/2024; Thông tư 40/2024/TT-BYT ngày 22/11/2024.
Thứ hai, mở rộng cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, tại cộng đồng, đa dạng mô hình Tư vấn và cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV như cung cấp sinh phẩm xét nghiệm HIV miễn phí cho khách hàng qua website tuxetnghiem.vn. Đến nay, có hơn 2 triệu lượt người được xét nghiệm HIV tại 1.300 cơ sở y tế xét nghiệm sàng lọc HIV; xét nghiệm dựa vào cộng đồng và tự xét nghiệm tại 33 tỉnh/ thành phố; 251 phòng xét nghiệm khẳng định HIV tại 63 tỉnh/ thành phố.
Thứ ba, đáp ứng Y tế công cộng triển khai tại Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cao Bằng, đây là một giải pháp quan trọng trong công tác kiểm soát dịch, nhằm giảm số ca HIV phát hiện mới, ca nhiễm mới; tăng tỷ lệ kết nối điều trị ARV thành công; tăng tỷ lệ điều trị ARV trong ngày; tăng số PrEP mới; chuyển giao bền vững về kỹ thuật và duy trì kiểm soát dịch.
Thứ tư, Nghị quyết số 163/2024/QH15 ngày 28/11/2024 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, trong đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đầu mối xây dựng và thực hiện Dự án 6: Tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma túy.
Thứ năm, Đề án cấp thuốc Methadone nhiều ngày được bảo vệ thành công và được đưa vào Điều 35 của Nghị định 141/2024/NĐ-CP, là cơ sở để triển khai mở rộng cấp thuốc Methadone nhiều ngày trên toàn quốc giúp giảm bớt khó khăn đi lại và giảm nguy cơ bỏ trị của bệnh nhân.
Thứ sáu, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) được mở rộng trên 221 cơ sở điều trị PrEP, đa dạng dịch vụ và mô hình cung cấp PrEP, có 65.962 người sử dụng PrEP ít nhất 1 lần, 75,5% khách hàng duy trì điều trị PrEP sau 3 tháng.
Thứ bảy, điều trị ARV đảm bảo cung ứng thuốc, mở rộng tại cộng đồng và trong trại giam. Đến tháng 9/2024, có 182.882 bệnh nhân điều trị ARV, trong đó, có 2.234 trẻ em đang điều trị ARV.
Thứ tám, tiếp cận điều trị theo xu hướng lấy con người làm trung tâm, đảm bảo điều trị ARV kết hợp điều trị đồng nhiễm Viêm gan C, bệnh lây truyền qua đường tình dục và bệnh không lây nhiễm.
Thứ chín, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và chăm sóc điều trị HIV/AIDS, tăng cường, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS trên các nền tảng số.
Thứ mười, tổ chức thành công Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12 có sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Thành Long và sự tham gia đông đủ của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các bộ/ ngành, UBND các tỉnh, các nhà tài trợ, các đối tác và các tổ chức cộng đồng. Buổi lễ được tổ chức với sự có mặt của hơn 300 đại biểu tại điểm cầu trực tiếp và 49 điểm cầu tại các tỉnh/ thành phố. Tại buổi gặp mặt các tổ chức quốc tế, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tổ chức quốc tế chậm lại việc cắt giảm ngân sách và tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên con đường tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Phó Cục trưởng Võ Hải Sơn cũng trình bày về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 bao gồm: Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS; Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp liên ngành; Xây dựng văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn chuyên môn; Triển khai các hoạt động chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS.


Tại Hội thảo, Nghị định 141/2024 NĐ-CP về việc Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS được phổ biến. Trong đó, TS. BS. Nguyễn Việt Nga, Trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm trình bày các Điều về tổ chức Tư vấn, Xét nghiệm HIV và quy định về thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận và quyết định chỉ định cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV dương tính.

Ths. BS. Nguyễn Quỳnh Mai, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV trình bày các Điều về hoạt động can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế

TS. BS. Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng Điều trị trình bày về quản lý, phân phối, sử dụng thuốc kháng HIV tại Nghị định 141/2024/TT-CP và Quyết định 24/2023/QĐ-TTg ngày 22/9/2023 quy định về điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV , người bị phơi nhiễm với HIVdo tai nạn rủi ro nghề nghiệp.


TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục trình bày Phương pháp xây dựng giá, định mức kinh tế kỹ thuật các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Toàn cảnh Hội thảo

Bế mạc Hội thảo, PGS. TS. Phan Thị Thu Hương cho biết, trong năm tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật sau khi Nghị định 141/2024/TT-CP được ban hành. Đồng thời, Cục Phòng, chống HIV/AIDS thực hiện tham mưu Thủ tướng Chính Phủ việc triển khai Báo cáo đánh giá sau 5 năm thực hiện Chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS năm 2030, trong đó, cần đánh giá những khó khăn, thiếu hụt và điều chỉnh những giải pháp ưu tiên về phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030. Về hoạt động phối hợp liên ngành, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cần nâng cao và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Giáo dục & đào tạo, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để thực hiện các hoạt động can thiệp dự phòng HIV cho nhóm thanh niên tại các khu trường Đại học, Cao đẳng, THPT và khu công nghiệp. Đối với các tỉnh, thành phố, trong các năm tới, cần xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn lực tự chủ ngân sách địa phương dựa trên Thông tư định mức kinh tế kỹ thuật các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để đảm bảo lộ trình bền vững hướng tới Chấm dứt dịch bệnh AIDS năm 2030.