Ngày 5 tháng 8 năm 2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Ngày 5 tháng 8 năm 2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Tham dự và chủ trì Hội thảo có PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Bà Sunshine Lickness, Phó Giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam văn phòng phía Nam. Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, cùng đại diện các tổ chức dựa vào cộng đồng tại các tỉnh/thành phố, tổ chức HAIVN, FHI360, Trung tâm LIFE, Dự án EPIC, Dự án Qũy Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cảnh báo tình hình dịch HIV tại Việt Nam có xu hướng tăng cao trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Trong thời gian qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai nhiều dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, điều trị HIV, cung ứng bao cao su, chất bôi trơn, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Tuy nhiên, với nhiều lí do mà quần thể MSM khó tiếp cận và sử dụng các dịch vụ HIV còn hạn chế, chưa đủ để khống chế tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM. Hội thảo này được triển khai để các tổ chức dựa vào cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, sức sáng tạo và các phương pháp tiếp cận cộng đồng với các đối tượng nguy cơ cao. Đây cũng là cơ hội để những tỉnh chưa có kinh nghiệm triển khai học hỏi kinh nghiệm và phát triển mô hình phù hợp với địa phương. Phó Cục trưởng Mạnh mong rằng đối với các tổ chức dựa vào cộng đồng ngày càng phát huy vai trò thủ lĩnh, phát huy tính sáng tạo trong công việc, có nhiều ý tưởng mới trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, là cánh tay nối dài của các CDC tỉnh, thành phố trong việc tiếp cận với các nhóm có hành vi nguy cơ cao.
Tại Hội thảo, Bà Sunshine Lickness, Phó Giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam văn phòng phía Nam khẳng định luôn sát cánh cùng Cục Phòng, chống HIV/AIDS và luôn mong muốn được hỗ trợ các tổ chức dựa vào cộng đồng trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Tính đến Quý 2 năm 2022, PEPFAR/CDC đã hỗ trợ xét nghiệm cho 44.000 khách hàng là MSM/LGBTIQ+, 23.000 khách hàng sử dụng PrEP và hỗ trợ cho 85.000 người điều trị ARV trên cả nước. Để đạt được thành quả trên là nhờ nỗ lực lớn của các tổ chức dựa vào cộng đồng trong việc đa dạng hóa phương thức tiếp cận và kết nối cộng đồng. Bà Sunshine tin rằng tại hội thảo này, các đại biểu sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận, xây dựng mô hình tiếp cận cung cấp dịch vụ HIV toàn diện, để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu 95 – 95 – 95 và chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
ThS. Đỗ Hữu Thủy, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV trình bày về tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM và khung can thiệp phòng, chống HIV/AIDS.
ThS. Trần Thanh Tùng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS có bày trình bày về các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm MSM/TG hiện nay.
Phòng khám Nhà mình tại Bình Dương và Phòng khám Sống hạnh phúc tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình tiếp cận cộng đồng.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu chia nhóm thảo luận về 4 chủ đề: (1) Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm MSM/TG; (2) Tiếp cận với nhóm MSM trẻ, vị thành niên như thế nào – Mô hình hiệu quả và bài học kinh nghiệm; (3) Tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ xét nghiệm HIV và STIs: Mô hình tốt nhất; (4) Tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ PrEP: Mô hình tốt nhất.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo