CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng ...

Thứ Hai, 09/09/2024 | 00:02:40 GMT+7

Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng tiếp cận truyền thông HIV cho các tỉnh, thành phố phía Nam

13/08/2024 | 157 lượt xem

Nhằm nâng cao năng lực cán bộ thuộc nhóm hỗ trợ kỹ thuật của các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực truyền thông, can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức tập huấn về kỹ năng tiếp cận truyền thông, nâng cao năng lực cho nhóm hỗ trợ kỹ thuật 12 tỉnh, thành khu vực phía Nam tại Cần Thơ trong ngày 12-13/8/2024. 

 

Tham dự lớp tập huấn có TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và cán bộ Cục Phòng, chống HIV/AIDS và dự án EPIC Trung ương. Cùng tham dự và chia sẻ tại lớp tập huấn có Ths. Hoàng Nam Thái, đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt nam và các cán bộ CDC Hoa Kỳ. 
Lớp tập huấn có lãnh đạo Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, đại diện nhóm cộng đồng, thành viên nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Vũng Tàu, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đà Nẵng, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bình Dương và Long An.
 
    Phát biểu tại lớp tập huấn, TS. Nguyễn Thị Minh Tâm cho rằng việc nâng cao năng lực cho cán bộ hỗ trợ tuyến tỉnh, thành phố là hết sức cần thiết và đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ tuyến tỉnh về mảng Dự phòng lây nhiễm HIV. 
 
Ths. Hoàng Nam Thái, Phó trưởng nhóm kỹ thuật HIV/AIDS, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ tại lớp tập huấn.
 
Ts. Nguyễn Trọng Thắng, Dự án EPIC chia sẻ tại lớp tập huấn.
 
Các học viên chia sẻ tại lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn, học viên được các giảng viên thông tin về tình hình dịch HIV/AIDS, tổng quan các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, định hướng hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh... Đồng thời, giới thiệu cơ cấu, tổ chức, vai trò và nhiệm vụ của nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh; khái quát các quy trình hỗ trợ kỹ thuật, các chỉ số và công cụ hỗ trợ kỹ thuật (hoạt động truyền thông trực tiếp và giảm kỳ thị phân biệt, can thiệp giảm hại: bao cao su, bơm kim tiêm, Methadone, xét nghiệm HIV tại cộng đồng, hoạt động chuyển gửi dịch vụ điều trị ARV, PrEP...).
 
Thảo luận nhóm trong lớp tập huấn
Ngoài ra, các học viên được chia nhóm thực hành kiến thức đã học, tham gia tích cực trao đổi những vấn đề liên quan đến kỹ năng tiếp cận truyền thông phòng chống HIV tại lớp học.
 
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam trao chứng nhận tham gia cho các học viên
 
Nhóm Giảng viên trao chứng nhận cho các học viên tại địa phương
 
Toàn cảnh lớp tập huấn
Hiện nay, với việc nguồn lực tài trợ của quốc tế đang cắt giảm, đòi hỏi cần có sự chủ động hơn nữa về nguồn lực và có kế hoạch tiếp nhận, chuyển giao các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường năng lực, hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ đang công tác trong hệ thống phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt khi hệ thống này sáp nhập vào hệ thống kiểm soát dịch bệnh (KSDB) tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (dưới đây gọi chung là tuyến tỉnh) . Các cán bộ tuyến tỉnh sẽ đóng vai trò là cán bộ hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến huyện và tuyến xã trong hầu hết các kỹ thuật chuyên môn liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS. Tuyến Trung ương giữ vai trò giám sát và hỗ trợ địa phương triển khai các kỹ thuật chuyên sâu và kỹ thuật mới cũng như các hỗ trợ cụ thể theo yêu cầu của tuyến tỉnh. Trong công tác chỉ đạo tuyến nói chung, Bộ Y tế đã có những văn bản chỉ đạo, triển khai công tác này từ tuyến Trung ương tới tuyến tỉnh, huyện, xã phường. Điển hình là Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” ban hành theo Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 và Quy định phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám chữa bệnh ban hành kèm theo Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 20/10/2010 của bộ trưởng Bộ Y tế. Theo đó các đơn vị chỉ đạo tuyến (nằm độc lập hoặc nằm trong phòng Kế hoạch Tổng hợp) đã được thành lập tại các bệnh viện tuyến tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa, bệnh viện Sản, Nhi, Lao, Tâm thần... Các đơn vị này đóng vai trò là bộ phận phụ trách công tác chỉ đạo tuyến, làm đầu mối huy động các cán bộ có năng lực chuyên môn tham gia công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới. Tuy nhiên, các hoạt động chỉ đạo tuyến tại tuyến tỉnh/thành phố hiện nay (2019) vẫn chỉ tập trung vào các chuyên khoa trong lĩnh vực chuyên môn điều trị của các bệnh viện tuyến tỉnh, mà chưa có một đầu mối về chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Trong khi đó, đặc thù của công tác phòng, chống HIV/AIDS gồm nhiều lĩnh vực khá chuyên biệt từ dự phòng, tư vấn, xét nghiệm đến chăm sóc và điều trị…và liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ sở y tế không tập trung thành một đầu mối. Lĩnh vực dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS lại có nhiều đặc thù riêng. Việc đào tạo chuyên ngành về HIV/AIDS hiện nay còn đang được lồng ghép vào các chuyên ngành khác, lượng kiến thức về HIV/AIDS đào tạo trong các trường còn ít. Chuyên môn về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS của các cán bộ y tế có liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS phần lớn có được thông qua tập huấn, đào tạo liên tục nên rất cần có hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên. Các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh/thành phố được phân công theo dõi và điều phối toàn bộ việc triển khai dịch vụ cũng như hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo dịch vụ cung cấp đạt chất lượng, nhưng nay (từ 2018) các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS lại được sáp nhập vào các Trung tâm KSDB... Do vậy, các hỗ trợ kỹ thuật của trong lĩnh vực dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại các tỉnh/thành phố cần được kiện toàn lại và được điều phối bởi một đơn vị đầu mối là Trung tâm KSBT tuyến tỉnh để đảm bảo sự đồng bộ và toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS. Để hoàn thành mục tiêu 90-90-90, hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 trong bối cảnh nguồn lực cắt giảm, hoạt động HTKT cho các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cần được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và mở rộng tới toàn bộ các tỉnh và thành phố trực thuốc trung ương (dưới đây viết tắt là tỉnh/thành phố) trên phạm vi cả nước. Theo Quyết định 328/QĐ-AIDS của Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nhóm hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh là một nhóm công tác chuyên môn kỹ thuật, được thành lập nhằm hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo đúng các quy định của Nhà nước, quy định và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế.