Đây là khẳng định của Ts. Minesh Shah, Cố vấn trưởng y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam tại Hội thảo Cung cấp dịch vụ điều trị bệnh không lây ở người bệnh HIV/AIDS tại cơ sở y tế do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức tại Hà Nội ngày 31/8/2023.
Đây là khẳng định của Ts. Minesh Shah, Cố vấn trưởng y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam tại Hội thảo Cung cấp dịch vụ điều trị bệnh không lây ở người bệnh HIV/AIDS tại cơ sở y tế do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức tại Hà Nội ngày 31/8/2023.
Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kết quả, bài học kinh nghiệm và định hướng kế hoạch hoạt động cung cấp dịch vụ về điều trị các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả tại các cơ sở y tế.
Tham dự Hội thảo, có đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS; đại diện văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng đại diện Vụ Bảo hiểm Y tế; Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em; Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai; Trung tâm Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai; Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương; Trung tâm BIDMC - Đại học Y Harvard tại Việt Nam; Dự án US.CDC/EPIC, Dự án QTC cùng đại diện 6 tỉnh: Hải Phòng, Thái Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, TP. Hồ Chí Minh.
Tính đến 31/3/2023, toàn quốc đang điều trị cho 173.476 người nhiễm HIV, trong đó có 147.859 người dùng thuốc ARV bằng nguồn bảo hiểm y tế. Có đến 98,4% số người có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Hiện nước ta đang triển khai thí điểm lồng ghép các dịch vụ điều trị bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV/AIDS tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bà Rịa-Vũng tàu, Bình Dương và Long An.
Tại Hội thảo, TS. Đỗ Thị Nhàn, Trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, thuốc ARV ngày càng hiệu quả, giúp giảm tử vong và nâng cao tuổi thọ cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, người nhiễm HIV lại phải đối mặt với các tình trạng liên quan đến lão hóa bên cạnh tình trạng nhiễm HIV mạn tính của mình. Người nhiễm HIV có nhiều nguy cơ cao mắc các bệnh đồng nhiễm hơn như bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh phổi mạn tính, rối loạn tâm thần và một số loại ung thư… Do đó, yêu cầu gói chăm sóc bệnh nhân HIV trong giai đoạn mới phải đáp ứng các điều kiện: Quản lý tốt tình trạng HIV, điều trị ARV và quản lý tốt các bệnh không lây nhiễm bao gồm dự phòng mắc bệnh, phát hiện sớm và điều trị tốt bệnh, dự phòng biến chứng…
Theo TS. Đỗ Thị Nhàn mục tiêu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ cho bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe toàn diện; phối hợp theo dõi bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm và tư vấn cho bệnh nhân về sống khỏe mạnh và giảm/loại bỏ các yếu tố nguy cơ với chỉ tiêu: 90% bệnh nhân trên 18 tuổi được sàng lọc, quản lý bệnh không lây nhiễm; 95% bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm được chuyển gửi và điều trị.
Cũng tại Hội thảo, ông Minesh Shah, Cố vấn trưởng y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, điều trị bằng thuốc kháng virus đã giúp tăng tuổi thọ cho người nhiễm HIV, do đó các bệnh đi kèm cần được chú ý nhiều hơn.
Có nhiều yếu tố góp phần làm tăng tốc độ lão hóa ở người nhiễm HIV. Đó là tình trạng viêm mạn tính (mặc dù được điều trị tốt nhưng HIV vẫn không mất đi mà vẫn tồn tại trong ruột, tổ chức mỡ, não… gây viêm), do đặc điểm hành vi lối sống của người nhiễm HIV (hút thuốc, sử dụng ma túy), do tác dụng phụ của thuốc điều trị ARV, do đồng nhiễm virus mạn tính (HPV, HCV…). Lão hóa nhanh được thể hiện trong nhiều hệ thống tim mạch, ung thư, hệ thần kinh, người yếu đuối (khó sống và tồn tại độc lập một mình).
Do đó, thay vì các bệnh liên quan đến AIDS, ở hầu hết các vùng của Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trên những người nhiễm HIV đa phần là do các bệnh đi kèm liên quan đến tuổi tác, không phải do AIDS. Do đó, lồng ghép dịch vụ bệnh không lây nhiễm vào dịch vụ cơ sở điều trị HIV sẽ giúp giảm tử vong, cải thiện chất lượng cuộc sống ở người nhiễm HIV, ông Minesh Shah cho biết.
Tại Hội nghị các đại biểu đã cùng chia sẻ các kết quả đạt được và thảo luận về các yếu tố tác động đến việc mở rộng triển khai và duy trì bền vững các dịch vụ.
Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế - Bộ Y tế
Đại diện Khoa Tim mạch, Bệnh Viện Bạch Mai
Bs. Ninh Thị Lan, TTYT huyện Phú Lương, Thái Nguyên
Bs. Hồ Thanh Duy, CDC tỉnh Long An