CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Điện Biên tổ chức tổng kết đề án thí điểm mua sắm dịch vụ ...

Thứ Hai, 29/04/2024 | 11:40:51 GMT+7

Điện Biên tổ chức tổng kết đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp

19/12/2023 | 255 lượt xem | Thế Hoạt

Ngày 19/12, tại thành phố Điện Biên Phủ, Sở Y tế tỉnh Điện Biên phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tổ chức Hội thảo tổng kết đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giai đoạn từ tháng 6/2022 đến tháng 11/2023.

Tham dự Hội thảo có ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên; Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc quốc gia UNAIDS Việt Nam cùng đại diện các Sở, ban, ngành, các tổ chức cộng đồng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Tỉnh Điện Biên là tỉnh trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS. Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên: đến tháng 11/2023, lũy tích nhiễm HIV là 7.775 người; lũy tích tử vong là 4.144 người; hiện số người nhiễm HIV còn sống là 3.399 người. Hiện nay có 10/10 huyện/thị xã/thành phố; 121/129 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS. Tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống quản lý được trên dân số là: 0,52%. Số nghiện ma túy quản lý là 6.726 người. Trong đó số nghiện chích ma túy tiếp cận được: 2.416 người, chiếm 35,9% trên người nghiện ma túy quản lý được; Số gái bán dâm tiếp cận được là 117/200 người, chiếm 58,5%; Số nam quan hệ đồng giới nam tiếp cận được 248/250 người, chiếm 99,2%. Đại dịch HIV/AIDS tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên. 

Khai mạc Hội thảo, Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho biết:  Trong những năm qua; các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Điện Biên xác định nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của tỉnh Điện Biên. Ngành Y tế Điện Biên đã xây dựng được hệ thống dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tương đối toàn diện, hoạt động có hiệu quả trong các lĩnh vực truyền thông; can thiệp giảm tác hại; tư vấn xét nghiệm HIV; chăm sóc điều trị HIV/AIDS; dự phòng lây truyền mẹ con; điều trị nghiện chất; nâng cao năng lực cho hệ thống phòng chống HIV/AIDS; thiết lập và duy trì mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng. Tuy nhiên tình hình ma túy và HIV/AIDS còn diễn biến rất phức tạp; tỉnh Điện Biên cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; đặc biệt là huy động sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức cộng đồng. Sở Y tế tỉnh Điện Biên cam kết sẽ tiếp tục công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, kiểm tra giám sát việc triển khai đề án thí điểm trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Phấn đấu đưa Điện Biên trở thành điểm sáng, hình mẫu cho các tỉnh có điều kiện tương đồng với Điện Biên.

Ông Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc CDC tỉnh Điện Biên báo cáo tại Hội thảo

Là 1 trong 9 tỉnh được lựa chọn tham gia đề án thí điểm mua sắm các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội, Điện Biên bắt đầu triển khai thí điểm từ tháng 6/2022 đến tháng 11/2023 dưới sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật từ tổ chức UNAIDS tại Việt Nam; địa điểm trên địa bàn toàn tỉnh. CDC tỉnh đã thực hiện ký hợp đồng với ba nhóm tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng gồm: Nhóm Hoa Ban Trắng; Nhóm Hướng Dương và nhóm Bình Minh để triển khai cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Đối tượng can thiệp của các nhóm là Người nghiện chích ma túy; Phụ nữ bán dâm; Nam quan hệ tình dục đồng giới; bạn tình của người nhiễm HIV/người nghiện chích ma túy và bạn tình Nam quan hệ tình dục đồng giới. Các hoạt động chính được triển khai gồm: Tiếp cận, truyền thông, tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; Cấp phát vật phẩm can thiệp giảm hại như: bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn; Chuyển người có nhu cầu tiếp cận điều trị Methadone và chuyển gửi xét nghiệm khẳng định HIV và điều trị ARV. Trong quá trình triển khai thí điểm, bên cạnh những thuận lợi, Điên Biên không tránh khỏi một số khó khăn khi triển khai: đây là cách tiếp cận mới trong việc cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS  thông qua ký hợp đồng với tổ chức cộng đồng và thanh quyết toán theo đầu ra; các nhóm cộng đồng ở Điện Biên chưa có tư cách pháp nhân, năng lực quản lý, điều hành tổ chức còn hạn chế, chưa có nguồn thu thường xuyên để duy trì hoạt động; khó tiếp cận đối tượng, khó khai thác thông tin khách hàng, một số khách hàng không muốn cung cấp các dịch vụ từ lần thứ hai trở đi; mua sắm vật phẩm giảm hại gặp nhiều khó khăn…

Phát biểu tại Hội thảo, Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đánh giá cao vai trò của các tổ chức cộng đồng trong triển khai hoạt động thí điểm, có thể coi các tổ chức cộng đồng như cánh tay nối dài của ngành y tế. Trong bối cảnh kinh phí cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm, quy trình phê duyệt các dự án quốc tế gặp nhiều khó khăn, ông cũng thể hiện hy vọng trong thời gian tới, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan sẽ hỗ trợ các tổ chức cộng đồng tại Điện Biên sớm phát triển trở thành doanh nghiệp xã hội để có thể tồn tại lâu dài, sẵn sàng tham gia các hoạt động đấu thầu trong thời gian tới. 

Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc UNAIDS Việt Nam mong muốn được lắng nghe chia sẻ, đánh giá kết quả sau thời gian thí điểm, cũng như thảo luận về phương hướng trong năm tiếp theo. UNAIDS cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng như Điện Biên trong hoạt động thí điểm thời gian tới. 

Qua 1 năm triển khai đề án thí điểm cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh, hoạt động này được đánh giá đã góp phần không nhỏ vào hoạt động giảm hại, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ ra những khó khăn, thách thức và đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm phát huy những kết quả đã đạt được của đề án, đưa ra những định hướng giúp nhóm tổ chức xã hội ngày càng mở rộng và phát triển hơn nữa trong thời gian tới, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS tại địa phương./.