CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm triển khai Bộ Tiêu chí cơ sở ...

Thứ Ba, 07/05/2024 | 16:00:11 GMT+7

Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm triển khai Bộ Tiêu chí cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thân thiện với nhóm cộng đồng đích và mở rộng mô hình CAB cho các tỉnh hỗ trợ kỹ thuật đáp ứng y tế công cộng khẩn cấp

30/06/2023 | 418 lượt xem | Nguyễn Vân

Trong hai ngày 29-30/6/2023, tại thành phố Cần Thơ, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm triển khai Bộ tiêu chí cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thân thiện với nhóm cộng đồng đích và mở rộng mô hình CAB cho các tỉnh hỗ trợ kỹ thuật đáp ứng y tế công cộng khẩn cấp.

Tham dự Diễn đàn có đại diện Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật, cán bộ khoa HIV; đại diện cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị ARV/VCT và đại diện Trưởng nhóm CBO/CAB của 05 tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Dương. 
Năm 2021, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với các đơn vị có liên quan ban hành Bộ tiêu chí cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thân thiện với nhóm cộng đồng đích và Hướng dẫn triển khai mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế. Bộ tiêu chí là công cụ để các cơ sở cung cấp dịch vụ tự đánh giá và xây dựng kế hoạch cải thiện chất lượng để trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ thân thiện với nhóm cộng đồng đích - nhóm dễ bị tổn thương trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS, mang lại sự hài lòng cao nhất cho khách hàng. Bộ tiêu chí tập trung vào khía cạnh “thân thiện” hơn là các yếu tố khác và không nhằm mục đích đánh giá một cơ sở đã đạt hay chưa đạt là cơ sở cung cấp dịch vụ thân thiện với cộng đồng đích. Bộ tiêu chí gồm 03 phần, trong đó có 10 tiêu chí: Tiêu chí 1 là thông tin về cơ sở cung cấp dịch vụ đầy đủ, rõ ràng và dễ tiếp cận; Tiêu chí 2 là thời gian cung cấp dịch vụ thuận tiện với cộng đồng đích; Tiêu chí 3 là dịch vụ đa dạng với cộng đồng đích; Tiêu chí 4 là quy trình cung cấp dịch vụ rõ ràng, thuận tiện; Tiêu chí 5 là giá dịch vụ công khai, phù hợp với khả năng chi trả của cộng đồng; Tiêu chí 6 là thông tin cá nhân của khách hàng được bảo mật; Tiêu chí 7 là cơ sở vật chất thân thiện và riêng tư; Tiêu chí 8 là cán bộ cung cấp dịch vụ thân thiện; Tiêu chí 9 là kết nối, hợp tác và huy động sự tham gia của cộng đồng đích; Tiêu chí 10 là cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi của khách hàng một cách thân thiện.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ths. Bs. Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV cho biết: Kỳ thị và phân biệt đối xử sẽ làm cho người có hành vi nguy cơ cao e ngại không tiếp cận các dịch vụ dự phòng và xét nghiệm HIV, từ đó không biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Kỳ thị và phân biệt đối xử sẽ làm cho người chẩn đoán nhiễm HIV e ngại, lo sợ không tiếp cận hoặc không tiếp cận sớm dịch vụ điều trị ARV, từ đó ảnh hưởng đến việc điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Kỳ thị và phân biệt đối xử sẽ làm cho cả những người đã được điều trị ARV có thể không tuân thủ điều trị, từ đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị, không đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế và cũng ảnh hưởng đến cả chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV. Như vậy, kỳ thị phân biệt, đối xử liên quan đến HIV nhất là tại các cơ sở y tế được xác định là một trong các rào cản trong việc Việt Nam phấn đấu đạt được các mục tiêu 95-95-95 và kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Nhận thức được vấn đề này, ngày 26/12/2017, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-BYT về việc tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và PBBĐX liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã có hàng loạt các hội thảo, tập huấn và ban hành hướng dẫn triển khai giảm kỳ thị phân biệt đối xử. Ths. Thủy cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhân rộng mô hình cơ sở thân thiện nhằm thúc đẩy, duy trì các nhóm cộng đồng đích tiếp cận và sử dụng các dịch vụ như tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị HIV bằng thuốc ARV và điều trị dự phòng HIV trước phơi nhiễm.
Tại Diễn đàn này, các đại biểu đã được chia sẻ kinh nghiệm từ đại diện các đơn vị đã triển khai các mô hình. 

Ths. Phạm Thị Quân, Đại học Y Hà Nội đã có bài chia sẻ Kinh nghiệm triển khai thí điểm Bộ tiêu chí cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thân thiện với nhóm cộng đồng đích - thuận lợi, khó khăn thách thức và bài học kinh nghiệm. Mô hình đã được triển khai thí điểm tại 03 tỉnh/thành phố: Thái Nguyên, Hải Phòng và Hà Nội. 

Về phía cộng đồng, bạn Nguyễn Huỳnh Mỹ Hoa đến từ Doanh nghiệp Xã hội Hải Đăng cũng đã có bài chia sẻ về quy trình tiếp nhận phản hồi của khách hàng tại các cơ sở y tế thân thiện.

Bs. Hồ Thị Quỳnh Trang, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong triển khai dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thân thiện với nhóm cộng đồng đích tại Thái Nguyên.

Là một trong những tỉnh vừa triển khai bộ tiêu chí phòng khám thân thiện vừa triển khai mô hình CAB, bạn Vũ Hữu Thăng đến từ Nhóm Rubik Hải Phòng chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong triển khai cơ sở y tế thân thiện và mô hình CAB

Bs. Đặng Tố Ngà, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương đã có bài chia sẻ về vai trò của CAB trong mô hình y tế thân thiện với nhóm cộng đồng đích.

Bs. Đặng Thị Nhật Vinh, đến từ tổ chức BIDMC chia sẻ về mô hình CAB – Nhóm nâng cao chất lượng dịch vụ và những trải nghiệm về chương trình giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại cơ sở y tế

Diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm của các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV và cộng đồng, với phần thảo luận sôi nổi về làm thế nào để nhân rộng và duy trì bền vững việc triển khai Bộ tiêu chí cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thân thiện với nhóm cộng đồng đích và mô hình CAB. Trong thảo luận, mô hình cơ sở thân thiện được đánh giá là một can thiệp thực tiễn, dựa trên bằng chứng khách quan của khảo sát độc lập, từ đó đã khắc phục được các điểm yếu khi làm việc với cộng đồng đích của cơ sở đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các định hướng triển khai mô hình trong giai đoạn tiếp theo dựa trên nhu cầu và đặc điểm của từng địa phương.