Từ ngày 22 đến 26 tháng 7 năm 2024, tại thành phố Munich, cộng hòa liên bang Đức, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Quốc tế về AIDS năm 2024. Sự kiện này thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 15,000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới.
Tham dự cùng Đoàn, về phía Bộ Y tế có ông Hà Anh Đức, Chánh Văn Phòng Bộ; ông Đỗ Trung Hưng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Phó giám đốc Ban quản lý dự án EPIC; bà Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS; ông Bùi Hoàng Đức, Phó phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Hội nghị Quốc tế về AIDS là một sự kiện toàn cầu hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, chính sách và ứng phó với HIV/AIDS. Hội nghị được tổ chức bởi Hiệp hội Quốc tế về AIDS (IAS), tổ chức uy tín hàng đầu trong nghiên cứu và ứng phó với HIV/AIDS. Được thành lập vào năm 1988, IAS là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng phó toàn cầu đối với HIV/AIDS. IAS tổ chức hội nghị này hai năm một lần với mục tiêu tạo điều kiện cho các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau trao đổi kiến thức, chia sẻ các nghiên cứu mới nhất, và thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS.
Theo chương trình, hội nghị quốc tế về AIDS năm 2024 có hơn 30 hội nghị chuyên đề có diễn giả được mời, 30 phiên tóm tắt, 56 phiên truyền hình vệ tinh, 240 triển lãm áp phích, 1.000 áp phích điện tử trên nền tảng hội nghị ảo và vô số cơ hội kết nối diễn ra.
AIDS 2024 sẽ tập trung vào việc nâng cao hiểu biết khoa học, thúc đẩy giáo dục và cải thiện dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Hội nghị cũng nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh đối phó với các mối đe dọa sức khỏe khác như COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ.
Một trong những điểm nhấn của AIDS 2024 là việc tập trung vào chiến lược đồng bộ và công bằng trong ứng phó với đại dịch, nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận dựa trên bằng chứng và đặt con người lên hàng đầu. Các phiên thảo luận tại hội nghị sẽ xoay quanh nhiều chủ đề quan trọng như việc tích hợp HIV vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát triển các phương pháp điều trị mới, và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, tính đến năm 2023, gần 40 triệu người đang sống chung với HIV, trong đó hơn 9 triệu người chưa được tiếp cận với điều trị. Báo cáo nhấn mạnh rằng mặc dù số ca tử vong do AIDS đã giảm đáng kể từ 2,1 triệu người vào năm 2004 xuống còn 630.000 người vào năm 2023, tiến độ giảm này đang bị chậm lại do thiếu hụt kinh phí và sự gia tăng các ca nhiễm mới tại nhiều khu vực trên thế giới như Trung Đông, Bắc Phi, Đông Âu, Trung Á và Mỹ Latinh.
Tại phiên khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phát biểu về cam kết của các quốc gia trong việc chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Ông nhấn mạnh rằng để đạt được mục tiêu này, các quốc gia cần đảm bảo đủ nguồn lực và có các biện pháp bảo vệ quyền con người, đặc biệt là cho các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương.
Hội nghị cũng là nơi thảo luận về các tiến bộ mới trong điều trị HIV, bao gồm việc sử dụng mũi tiêm Lenacapavir có hiệu quả kéo dài đến 6 tháng. Tuy nhiên, chi phí điều trị hiện tại vẫn còn cao, với hai liều thuốc có giá 40.000 USD mỗi năm. Do đó, UNAIDS kêu gọi các nhà sản xuất thuốc giảm giá để giúp các nước thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận được.
Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ là nơi công bố các nghiên cứu khoa học mới nhất về HIV, bao gồm cả những tiến bộ trong việc ngăn ngừa và điều trị căn bệnh này. Các diễn giả hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới sẽ trình bày và chia sẻ quan điểm của mình, tạo cơ hội kết nối và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cùng Đoàn công tác sẽ có nhiều các cuộc gặp gỡ trao đổi quan trọng với Lãnh đạo các tổ chức: IAS, UNAIDS, UNODC, PEPFAR, CDC Hoa Kỳ, USAID, FHI 360, PATH….