Ngày 5/3/2024, tại Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Đoàn chuyên gia đến từ Bộ Y tế Vương quốc Bhutan đã có chuyến thăm quan học tập về Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại Việt Nam.
Ngày 5/3/2024, tại Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Đoàn chuyên gia đến từ Bộ Y tế Vương quốc Bhutan đã có chuyến thăm quan học tập về Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại Việt Nam.
Tiếp Đoàn có PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng đại diện các Phòng thuộc Cục. Đoàn chuyên gia do ông Tashi Dendup, Giám đốc Chương trình sức khỏe, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Bhutan làm trưởng đoàn.
Phát biểu tại buổi tiếp Đoàn, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng cho biết: Để góp phần ngăn chặn dịch HIV có xu hướng tăng nhanh ở nhóm MSM và ở những người có hành vi nguy cơ cao, việc triển khai điều trị PrEP tại Việt Nam là hiệu quả, kịp thời và phù hợp trong bối cảnh hình thái dịch đang dần chuyển sang lây truyền qua đường tình dục, trên nhóm tỷ lệ nhiễm HIV mới cao trong nhóm Nam (tập trung nhóm MSM). Thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng nhanh chương trình như là một trong những can thiệp dự phòng mũi nhọn hiện nay để giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV. Với quan điểm thay đổi cách tiếp cận truyền thống, Việt Nam tổ chức các mô hình cung cấp dịch vụ hoặc kết hợp, đa dạng hoá nhiều mô hình trong cung cấp dịch vụ điều trị PrEP để đảm bảo phù hợp với khách hàng; chú trọng các giải pháp tiếp cận đối với nhóm người trẻ tuổi có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV hiện nay, đặc biệt là các MSM trẻ tuổi. PrEP Việt Nam đã vượt mục tiêu quốc gia đề ra và trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực Châu Á về tỷ lệ tiếp nhận PrEP. Cục trưởng cũng thể hiện mong muốn qua buổi làm việc hôm nay, Việt Nam cũng sẽ học hỏi được nhiều bài học trong các lĩnh vực từ nước bạn Bhutan.
Trình bày tại buổi gặp mặt, Ts. Đoàn Thị Thùy Linh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ:
Năm 2017, Việt Nam bắt đầu triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại 02 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Đến nay, Việt Nam đã mở rộng ra 219 cơ sở triển khai cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành phố. Luỹ tích số khách hàng sử dụng PrEP là 40.382 người. Tỷ lệ khách hàng duy trì PrEP trên 3 tháng là 73.9 %, tương đồng với báo cáo từ các quốc gia khác trên thế giới. Trong số khách hàng điều trị PrEP, có 78,6% là nhóm khách hàng MSM có nguy cơ cao nhiễm HIV. Cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP gồm cả các cơ sở tư nhân và công lập. Trong đó hơn 50% số khách hàng PrEP đang nhận dịch vụ điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân. Dịch vụ PrEP nhận được sự quan tâm của nhóm đích với số lượng đăng ký sử dụng ngày càng tăng và tỷ lệ người tiếp tục sử dụng PrEP cao. Nhận thức về PrEP của các nhà lãnh đạo, cán bộ y tế, các tổ chức dựa vào cộng đồng, tổ chức xã hội, khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV và người dân ngày càng được nâng cao.
Để đạt được kết quả này, cần có sự lãnh đạo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và sự tham gia của Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố; xây dựng các chính sách cho PrEP, Hướng dẫn quốc gia về PrEP và quy trình chuẩn quốc gia cho PrEP; cần có sự tham gia của các phòng khám tư nhân trong việc cung cấp PrEP; Đa dạng và linh hoạt các mô hình cung cấp PrEP: Tele PrEP, PrEP di động, OSS… cho nhóm đối tượng đích. Tích hợp giữa xét nghiệm HIV trên thiết bị di động và trên trang web; tăng cường vai trò của các nhóm cộng động trong việc hỗ trợ cung cấp PrEP; cung cấp Phòng khám thân thiện và toàn diện cho nhóm đối tượng đích. Đặc biệt cần huy động sự tham gia của các cơ quan liên quan như Bộ giáo dục, Đoàn Thanh niên, Tổng Liên đoàn Lao động….và sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế như WHO, CDC, USAID, Global Fund, PATH, HAIVN….
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động tạo cầu và phối hợp với các ban, ngành liên quan như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên để tiếp cận thanh niên có nguy cơ nhiễm HIV, kể cả học sinh dưới 15 tuổi. Tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ chương trình PrEP; xây dựng các phương pháp tiếp cận nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình khi các nhà tài trợ rút vốn khỏi Việt Nam; tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế ban hành dự án xã hội hóa dịch vụ PrEP nhằm hỗ trợ chương trình đạt hiệu quả và tính bền vững cao hơn. Tích hợp PrEP trong các mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu để đảm bảo chăm sóc toàn diện cho khách hàng (ví dụ: sàng lọc, quản lý và điều trị viêm gan, STI, HIV, lao, sức khỏe tâm thần, các bệnh không lây nhiễm, v.v.). Củng cố và nâng cao chất lượng các dịch vụ PrEP hiện có; cập nhật hướng dẫn PrEP quốc gia theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và CDC Hoa Kỳ về các loại thuốc mới và phác đồ điều trị mới. Tiếp tục mở rộng phạm vi phủ sóng của các dịch vụ PrEP (thông qua cả khu vực công và tư nhân) đến các tỉnh, thành phố có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất bằng các mô hình và sáng kiến mới, tập trung vào nhóm dân số trẻ (sinh viên, công nhân, v.v.) và người lao động trong các khu công nghiệp. Mở rộng các mô hình thành công (TelePrEP, PrEP dựa vào cộng đồng, PrEP trong khu vực tư nhân) và mở rộng thị trường PrEP để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phòng ngừa HIV/AIDS (sản phẩm xét nghiệm và tự xét nghiệm mới, thuốc uống, thuốc tiêm, thuốc đạn, v.v. .) để đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng đích. Thí điểm và mở rộng loại thuốc PrEP mới (thông qua cả các phòng khám công và tư được chọn để thí điểm CAB-LA). Xây dựng lộ trình tài trợ bền vững cho dịch vụ PrEP (thông qua Quỹ Bảo hiểm Quốc gia hoặc đồng thanh toán với khách hàng…).
Truyền thông tạo cầu cũng là 1 vấn đề Đoàn chuyên gia Bhutan rất quan tâm. Tại buổi làm việc, Ths. Trần Thanh Tùng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc nâng cao nhận thức của khách hàng đích về PrEP cũng như tạo niềm tin và tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ PrEP. Việc thay đổi phương thức tiếp cận và đa dạng hóa các hình thức truyền thông chỉ ra rằng 46% khách hàng PrEP đến từ các tác động của truyền thông tạo cầu.
Thay mặt Đoàn chuyên gia, ông Tashi Dendup, Giám đốc Chương trình sức khỏe, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Bhutan đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các báo cáo viên của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, chỉ trong một thời gian rất ngắn nhưng đã cung cấp các thông tin rất đầy đủ và hữu ích. Ông cũng thể hiện mong muốn, trong thời gian tới khi triển khai PrEP, Bhutan sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn từ các chuyên gia của Việt Nam.
Tiếp đó, trong các ngày 06, 07/3, Đoàn chuyên gia sẽ thăm và làm việc tại Trung tâm Y tế Nam Từ Liêm, Phòng khám SHP thuộc Đại học Y Hà Nội và Phòng khám Glink Hà Nội.