CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV – Những xét ...

Chủ Nhật, 15/09/2024 | 03:54:12 GMT+7

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV – Những xét nghiệm cần thực hiện

06/09/2021 | 4292 lượt xem | Bích Phượng

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) là biện pháp đang được nhiều khách hàng sử dụng. Đây là biện pháp có hiệu quả cao trong dự phòng lây nhiễm HIV. Tuy nhiên do là sử dụng thuốc điều trị, do vậy trước và trong quá trình điều trị cần được bác sĩ thăm khám và xét nghiệm, tư vấn trước khi sử dụng thuốc. Vậy những xét nghiệm nào cần được thực hiện trong quá trình sử dụng PrEP?

Xét nghiệm HIV
Dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) là sử dụng thuốc ARV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV để dự phòng lây nhiễm HIV. Do vậy cần xét nghiệm HIV trước khi sử dụng thuốc và trong mỗi lần tái khám để xác định tình trạng HIV của khách hàng trong quá trình sử dụng PrEP. 

Việc xét nghiệm được thực hiện thông qua việc lấy mẫu máu và gửi tới phòng xét nghiệm để làm xét nghiệm hoặc thực hiện xét nghiệm nhanh tại điểm cung cấp dịch vụ hay phòng khám. Chỉ sử dụng sinh phẩm xét nghiệm huyết thanh học, ưu tiên sử dụng sinh phẩm thế hệ thứ hệ 4. Không sử dụng kết quả xét nghiệm HIV do khách hàng tự thông báo. 
Những khách hàng có dấu hiệu nhiễm HIV cấp mà xét nghiệm HIV không có phản ứng cần trì hoãn PrEP và xét nghiệm HIV lại sau 1 tháng. Những khách hàng có kết quả sàng lọc HIV “Có phản ứng” cần được xét nghiệm khẳng định tình trạng nhiễm HIV và kết nối điều trị ARV ngay.
Một người đã nhiễm HIV sẽ cần điều trị bằng thuốc ARV ngay với phác đồ phối hợp 3 thuốc và điều trị suốt đời, do vậy việc xét nghiệm để xác định có nhiễm HIV hay không trước và trong khi sử dụng PrEP là rất cần thiết.
Xét nghiệm creatinine
Xét nghiệm creatinine để đánh giá độ thanh thải creatinine cho khách hàng trước khi kê đơn PrEP và lặp lại sau mỗi 6 tháng hoặc khi có biểu hiện bất thường về chức năng thận trong quá trình sử dụng PrEP để đánh giá chức năng thận trước và trong khi sử dụng thuốc PrEP. 
Xét nghiệm này nhằm đánh giá chức năng hoạt động bình thường của thận. Một số các thuốc kháng vi rút có thể gây độc cho thận do vậy cần đánh giá chức năng của thận trước và trong quá trình sử dụng PrEP.
Nếu độ thanh thải creatinine dưới 60ml/phút thì khách hàng cần được xét nghiệm lại sau 7-14 ngày. Nếu độ thanh thải creatinine vẫn ở mức dưới 60ml/phút thì dừng sử dụng PrEP. Tần suất xét nghiệm có thể nhiều hơn đối với những khách hàng có tiền sử mắc các bệnh thận, đái tháo đường, cao huyết áp…
Xét nghiệm viêm gan B 
Thuốc ARV trong dự phòng trước phơi nhiễm HIV được sử dụng có thành phần là Tenofovir. Vì Tenofovir vừa là thuốc điều trị PrEP vừa là thuốc điều trị viêm gan B mạn tính, nên khi khách hàng bị viêm gan B mạn tính mà ngừng điều trị PrEP có thể bùng phát viêm B, do vậy những khách hàng này cần được các bác sỹ chuyên khoa theo dõi chặt chẽ chức năng gan và xử trí thích hợp. 
 
Khách hàng cần được xét nghiệm kháng nguyên bề mặt của vi-rút viêm gan B (HBsAg) trước khi sử dụng PrEP. 
Nếu HBsAg âm tính, thì chỉ định dùng PrEP và giới thiệu khách hàng tiêm vắc-xin viêm gan B để dự phòng viêm gan B.
Nếu HBsAg dương tính: không sử dụng PrEP theo tình huống. Trong trường hợp này cần chỉ định PrEP hàng ngày khi đủ tiêu chuẩn, đồng thời chuyển gửi khách hàng đến hội chẩn hoặc thăm khám chuyên khoa truyền nhiễm/gan mật để phối hợp điều trị. 
Xét nghiệm viêm gan C
Xét nghiệm anti-HCV trước khi điều trị PrEP và định kỳ 12 tháng một lần trong quá trình sử dụng PrEP nếu kết quả xét nghiệm lần trước đó âm tính (đối với nam QHTDĐG, người chuyển giới nữ và người tiêm chích ma túy). 
Những người sử dụng PrEP thường là người có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, có nhiều bạn tình hoặc quan hệ tình dục không an toàn, do vậy họ cũng rất dễ mắc viêm gan vi rút C.
Viêm gan vi rút C hiện nay có thể điều trị khỏi, do vậy việc tầm soát viêm gan vi rút C thông qua xét nghiệm là rất cần thiết.
Nếu kết quả xét nghiệm anti-HCV dương tính, giới thiệu khách hàng đến cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.
Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục là “bạn đồng hành” của HIV. Việc sử dụng PrEP đơn thuần mà không kết hợp sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục có thể bảo vệ được khỏi lây nhiễm HIV nhưng không bảo vệ được khỏi lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, do vậy những khách hàng điều trị PrEP vẫn rất cần xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục định kỳ.
 
Xét nghiệm giang mai, lậu và Chlamydia trước khi sử dụng PrEP và 3 tháng một lần trong quá trình sử dụng PrEP. 
Nếu khách hàng mắc một trong các bệnh này thì điều trị theo Hướng dẫn quốc gia về các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hầu hết các bệnh này đều có thuốc điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Khách hàng chưa được xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể kê đơn PrEP nếu đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên cần xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục sớm và xét nghiệm định kỳ.
Thử thai 
Mặc dù cho đến nay tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo phụ nữ có nguy cơ cao bị nhiễm HIV trong khi mang thai hoặc sau sinh nên được dùng Tenofovir disoproxil (TDF) dự phòng trước phơi nhiễm nhưng việc triển khai PrEP cho phụ nữ mang thai và sau sinh. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn của PrEP cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh vẫn nên tư vấn cho phụ nữ thử thai trước và trong khi sử dụng PrEP. Ngoài ra thử thai cũng là giúp khách hàng có các biện pháp dự phòng phù hợp khác và nếu có thai có kế hoạch chăm sóc thai nghén hợp lý và khoa học.