Đây là một trong những cuộc gặp hết sức quan trọng của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bên lề Hội nghị khoa học về HIV (IAS) tại thành phố Munich, Cộng hòa liên bang Đức.
Đây là một trong những cuộc gặp hết sức quan trọng của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bên lề Hội nghị khoa học về HIV (IAS) tại thành phố Munich, Cộng hòa liên bang Đức.
Toàn cảnh buổi gặp mặt
Tham dự cùng Đoàn có ông Hà Anh Đức, Chánh Văn Phòng Bộ; ông Đỗ Trung Hưng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Phó giám đốc Ban quản lý dự án EPIC; bà Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS; ông Bùi Hoàng Đức, Phó phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Kế hoạch Cứu trợ AIDS khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) hỗ trợ ứng phó HIV/AIDS của Việt Nam thông qua cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường hệ thống y tế. PEPFAR khuyến khích các nguyên tắc hợp tác nhằm tăng cường trách nhiệm ứng phó HIV/AIDS của Việt Nam và thúc đẩy tính bền vững lâu dài. PEPFAR phối hợp với các đối tác phát triển trong lĩnh vực y tế, trong đó có Quỹ Toàn cầu, để thúc đẩy mức độ hợp tác cao giữa tất cả các đối tác tham gia ứng phó HIV/AIDS của Việt Nam.
Việt Nam là một trong 15 quốc gia trọng điểm của PEPFAR giai đoạn đầu vào năm 2004 (là quốc gia duy nhất ở châu Á). Trong 20 năm đầu tiên (NTK2004-NTK2024), riêng PEPFAR đã đóng góp gần 1 tỷ USD để hỗ trợ công tác dự phòng và điều trị ở Việt Nam. Tại thời điểm tài trợ cao nhất của PEPFAR trong năm tài khóa 2010, Việt Nam đã nhận được 98 triệu USD. Trong năm tài khóa 2024 và 2025, ngân sách PEPFAR của Việt Nam lần lượt là 37 triệu USD và 34 triệu USD. Sự thay đổi tài chính này theo thời gian một phần là do sự chuyển đổi kinh tế của Việt Nam và cam kết của quốc gia về huy động nguồn lực trong nước. Dù giảm, PEPFAR vẫn là đối tác kiên định của Chính phủ Việt Nam trong việc hướng tới đạt mục tiêu chấm dứt HIV như một mối đe dọa y tế công cộng vào năm 2030.
Chương trình PEPFAR hiện tại ở Việt Nam tập trung vào một kế hoạch nhằm đạt hai mục tiêu chính của chương trình: hướng tới kiểm soát dịch tại 11 tỉnh trọng điểm của PEPFAR thuộc Khu kinh tế phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Nguyên) và Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Tiền Giang) và đảm bảo chuyển giao bền vững trách nhiệm chính về tài chính, quản trị và kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cảm ơn PEPFAR đã hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều trong ngành y tế nói chung và phòng, chống HIV/AIDS nói riêng. Thứ trưởng cũng đánh giá cao những hỗ trợ quý báu của Bà Phó điều phối đối với các công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Thứ trưởng thể hiện mong muốn ngân sách trong COP 2024 sẽ được giữ nguyên vì hiện nay Việt Nam đang dồn tổng lực cho các can thiệp ưu tiên như mở rộng chương trình PrEP với độ bao phủ chỉ đạt khoảng gần 20% trong khi đó muốn chấm dứt dịch bệnh AIDS Việt Nam cần mở rộng chương trình này lên tới 70%
Bên cạnh đó, do một số yếu tố tiêu cực tác động đến tính bền vững và ngân sách cho chương trình HIV như: Hậu Covid, sụt giảm nhân sự làm về công tác dự phòng, ngân sách bị cắt giảm, cơ chế phân cấp ngân sách tác động nhiều đến việc bố trí đủ ngân sách tại địa phương.
Do vậy, quá trình xây dựng lộ trình bền vững còn nhiều thách thức rất cần các nhà tài trợ sát cánh cùng. Thứ trưởng thể hiện mong muốn PEPFAR tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế và Chính phủ Việt Nam tập trung nguồn lực cho các can thiệp ưu tiên của quốc gia. Việt Nam cam kết và nỗ lực tối đa để thực hiện mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và đảm bảo kiểm soát bền vững dịch HIV/AIDS sau năm 2030.
Theo báo cáo đánh giá của UNAIDS toàn cầu năm 2024, Nguồn tài chính quốc tế cho HIV/AIDS đang giảm dần. Đến năm 2025, nhu cầu nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS ước khoảng 29,3 tỷ đô la Mỹ trong khi khả năng huy động từ các nguồn tài chính trong nước và các nhà tài trợ chỉ đạt 19,8 tỷ đô. Như vậy đến năm 2025, thế giới đang thiếu hụt khoảng 9,5 tỷ đô. Theo báo cáo trên nguồn lực của quốc tế hỗ trợ đáp ứng với HIV ở các nước thu nhập thấp và trung bình đã giảm17% kể từ 2013.
Tại Việt Nam, Quỹ Toàn cầu và PEPFAR chiếm 90% tổng các nguồn viện trợ quốc tế cho HIV giai đoạn 2021-2024. Trong đó PEPFAR chiếm hơn 60% và Quỹ Toàn cầu chiếm hơn 30%. Các nhà tài trợ đều có xu hướng chuyển dịch hỗ trợ từ cung cấp dịch vụ trực tiếp sang các mô hình hỗ trợ kỹ thuật. Mặc dù chiếm kinh phí tỷ trọng lớn trong các nguồn viện trợ quốc tế tuy nhiên PEPFAR đã giảm kinh phí từ cung cấp dịch vụ sang hỗ trợ kỹ thuật. Đây là một thách thức cho chương trình HIV khi đang cần tập trung nguồn lực cho các can thiệp chấm dứt dịch AIDS hướng tới năm 2030 như mở rộng độ bao phủ chương trình PrEP mới đạt gần 20% so với mục tiêu cần đạt để chấm dứt dịch bệnh AIDS đến năm 2030 là 70%.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tặng bà Phó Điều phối viên PEPFAR biểu tượng Quốc hoa của Việt Nam