Nhân dịp Lễ Giáng sinh và chúc mừng năm mới 2021, sáng ngày 15/12/2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức gặp mặt các tổ chức Quốc tế đang hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS nhằm tôn vinh các đóng góp cả về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức, các chuyên gia đã dành cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong thời gian qua.
Nhân dịp Lễ Giáng sinh và chúc mừng năm mới 2021, sáng ngày 15/12/2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức gặp mặt các tổ chức Quốc tế đang hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS nhằm tôn vinh các đóng góp cả về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức, các chuyên gia đã dành cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong thời gian qua.
Toàn cảnh buổi gặp mặt
Tham dự buổi gặp mặt có PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng các đồng chí lãnh đạo các phòng thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS và đại diện các tổ chức Quốc tế đang hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS: WHO, UNODC, UNAIDS, CDC PEPFAR, USAID, HAIVN, AHF, PATH…
Thay mặt cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS điểm lại 10 thành tựu quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2020:
Ngày 16/11/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã được Quốc hội thông qua. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2021, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp /100.000 dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030 trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới.
Hội nghị trực tuyến tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam (1990-2020) kết hợp Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12 được tổ chức thành công với sự tham dự của gần 300 đại biểu gồm Lãnh đạo và thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UB50), các bộ ngành trung ương; Đại biểu Lãnh đạo Bộ Y tế và các Cục, Vụ; Các Bệnh viện/Viện TƯ, cơ sở giáo dục đào tạo; Các tổ chức quốc tế; Đại diện các nhóm hưởng lợi (mạng lưới người có H...), các tổ chức dựa vào cộng đồng; Đại biểu báo chí; Cán bộ tiền nhiệm; cán bộ Cục phòng, chống HIV/AIDS, dự án trực thuộc Cục...cùng 63 đầu cầu của các tỉnh, thành phố có Đại diện lãnh đạo UBND, Lãnh đạo các Sở ban, ngành... Nhân dịp này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì cho tập thể Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Trong bối cảnh dịch Covid phức tạp, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có nhiều đáp ứng kịp thời với công tác điều trị ARV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc thuốc bằng thuốc thay thế bằng việc ban hành các văn bản hướng dẫn như: công văn số 164/AIDS-DP về việc chủ động phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; công văn số 178/AIDS-ĐT về việc hướng dẫn tạm thời điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV trong tình hình dịch COVID-19; công văn số 190/AIDS-ĐT hướng dẫn khám và cấp thuốc ARV nhằm đảm bảo cho người nhiễm HIV được điều trị liên tục trong bối cảnh cơ sở điều trị hoặc người nhiễm HIV/AIDS có thể bị cách ly trong tình hình dịch COVID-19; công văn số 1563/BYT-AIDS về việc khẩn trương thực hiện cấp phát thuốc ARV cho người bệnh HIV/AIDS tối thiểu 60 ngày và tối đa 90 ngày; công văn số 193/ AIDS-ĐT về việc chuẩn bị các phương án điều trị ARV liên tục cho người bệnh HIV/AIDS trong tình hình dịch COVID-19; công văn số 195/ AIDS-ĐT hướng dẫn chuyển đổi phác đồ thuốc ARV điều trị người nhiễm HIV trong tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp; công văn số 203/AIDS-DP hướng dẫn cấp phát thuốc Methadone và Buprenorphine trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp; công văn số 213/ AIDS-ĐT hướng dẫn các cơ sở điều trị HIV/AIDS trong việc xử lý một số trường hợp tiếp nhận người bệnh, cấp thuốc ARV từ các cơ sở điều trị khác chuyển đến cũng như giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, Cục cũng thành lập Đội phản ứng nhanh để hỗ trợ các địa phương khi tình hình dịch Covid có diễn biến phức tạp, đồng thời Đội phản ứng nhanh này cũng sẽ hỗ trợ cùng Đội phản ứng nhanh của Bộ Y tế.
Hiện tại, việc xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Mở rộng hoạt động xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV. Duy trì các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV. Hỗ trợ kỹ thuật hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại các tỉnh trọng điểm.
Ngày 04/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký phê duyệt Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại 03 tỉnh: Hải Phòng, Điện Biên, Lai Châu. Thời gian thí điểm trong năm 2021, 2022. Hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn cho 3 tỉnh.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đã được mở rộng tại 27 tỉnh, thành phố. Tính đến 30/9/2020, tổng số khách hàng sử dụng ít nhất 1 lần dịch vụ PrEP là 13.256 khách hàng, số khách hàng đang điều trị PrEP 10.097 người, đạt 86,7% chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2020. Trong số khách hàng điều trị PrEP, có 78,6% là nhóm khách hàng MSM có nguy cơ cao nhiễm HIV. Số cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP là 111 cơ sở, trong đó tư nhân 28 cơ sở và công lập 83 cơ sở. Trong đó hơn 50% số khách hàng PrEP đang nhận dịch vụ điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân. Nhận thức về PrEP của các nhà lãnh đạo, cán bộ y tế, các tổ chức dựa vào cộng đồng, tổ chức xã hội, khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV và người dân ngày càng được nâng cao.
Công tác điều trị ARV ngày càng được mở rộng, đạt chất lượng hàng đầu thế giới: Hệ thống các CSĐT HIV/AIDS đã được thiết lập và mở rộng nhanh chóng để mở rộng độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị và duy trì điều trị lâu dài, hiện tại có 446 phòng OPC trên toàn quốc, trong đó ngoài phòng OPC tại cơ sở y tế còn có cơ sở điều trị ARV tại trại giam; trung tâm 06, cơ sở tôn giáo và một số phòng khám tư nhân. Số lượng BN được điều trị tăng nhanh qua các năm: đến 6/2020 có 149.793 BN điều trị ARV (>75% số người biết tình trạng nhiễm HIV của mình được tiếp cận với chương trình điều trị ARV). Kết quả theo dõi chất lượng điều trị cho thấy: Tỷ lệ tuân thủ ARV sau 12 tháng là 88%. Tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế (<1000):> 96% (VN là 1 trong 4 nước gồm Đức, Thụy Sĩ, Anh đạt chỉ tiêu này trên toàn cầu)
Cơ chế tài chính đổi mới, bền vững: Những năm trước, chủ yếu tiền viện trợ (80%), gần đây, cơ cấu tài chính HIV/AIDS thay đổi nhanh: Viện trợ giảm từ 73% (2014) xuống 48% (2019); Tài chính trong nước tăng từ 27% lên 57% cùng kỳ (chủ yếu là NSTW, NSĐP và BHYT). Tăng nhanh tỷ lệ BN HIV/AIDS có thẻ BHYT: từ 50% (2015) lên 91% (2019). Đến nay đã có 52.000 bệnh nhân HIV tham gia Bảo hiểm y tế.
Năm 2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS hoàn thành vượt trội các chỉ tiêu đặt ra cho với 69 nội dung hoàn thành đúng kỳ hạn và ban hành vượt kế hoạch một số văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng tại buổi gặp mặt, các đại biểu cũng được nghe Ths. Cao Thị Huệ Chi báo cáo kết quả hoạt động hợp tác trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 giữa Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
UNAIDS, một trong những tổ chức có nhiều đóng góp cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đặc biệt trong xây dựng và vận động chính sách
CDC, đơn vị gắn bó chặt chẽ với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính
Phát biểu tại buổi gặp mặt, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long một lần nữa khẳng định ngoài 10 thành tựu được nêu ra thì Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng khác. Các thành tựu trên có một phần đóng góp hết sức quan trọng của các tổ chức quốc tế đang hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Nhân dịp này, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long đã gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc và đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các cá nhân đã đang và sẽ làm việc cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Mong rằng các tổ chức quốc tế tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa và hỗ trợ nhiều hơn nữa với Chính phủ Việt Nam trong năm tiếp theo để đạt được mục tiêu “Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030”.
Đại diện các tổ chức quốc tế phát biểu đóng góp tại cuộc họp
Đại diện tổ chức PATH
Đại diện tổ chức Y tế thế giới
Đại diện tổ chức USAID
Cũng trong dịp này, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long đã thay mặt Bộ Y tế trao tặng Bằng khen cho các tổ chức và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống HIV/AIDS
Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long tặng Bằng khen cho các tổ chức AHF, HAIVN, CDC và PATH
Tặng Bằng khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp tích cực
Nguyễn Vân