Ngày 09/11, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức gặp mặt phóng viên báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 - 10/12/2023).
Ngày 09/11, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức gặp mặt phóng viên báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 - 10/12/2023).
Cuộc gặp mặt có sự tham dự của PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; ông Eric Dziuban, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; các chuyên gia đến từ CDC Hoa Kỳ và đại diện các Phòng thuộc Cục cùng hơn 60 phóng viên các đơn vị báo chí Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Ths. Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam đang tập trung vào 2 hướng để giảm thiểu HIV/AIDS là tạo hàng rào bảo vệ K=K và ngăn chặn HIV ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới). Tuy nhiên, công tác này đang gặp phải rất nhiều khó khăn về nguồn lực để đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM bởi quần thể này ẩn và rất khó tiếp cận.
Đại diện CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tiến sĩ Eric Dziuban đánh giá cao những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua. Kể từ khi ca HIV đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam vào năm 1990 cho đến khi lần đầu tiên người có HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút vào năm 1997, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tiến bộ của khoa học về HIV. Điều mà thủa ban đầu được coi là bản án tử hình thì giờ đây đã trở thành một bệnh mãn tính có thể kiểm soát được, cho phép mọi người có được cuộc sống hạnh phúc, trọn vẹn khi tham gia điều trị an toàn và hiệu quả. Các phương pháp dự phòng HIV cũng hiệu quả và an toàn và Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong khu vực về nhân rộng quy mô hoạt động dự phòng. Báo cáo toàn cầu của UNAIDS 2023 nêu bật các thành công của Việt Nam trong việc mở rộng quy mô điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV, PrEP, tăng 59% vào năm 2022. Nhờ những nỗ lực chung của chúng ta, số ca mới đang giảm ở Việt Nam, từ 14.000 ca năm 2010 xuống xuống còn 6.200 vào năm 2022- giảm 56%.
Báo cáo tại buổi gặp mặt, Ths. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV cho biết: “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay. Cộng đồng ở đây bao gồm các Bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội đặc biệt là các nhóm cộng đồng đích gồm người nhiễm HIV và có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV như: Nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người sử dụng ma túy, người mại dâm, bạn tình của các nhóm trên. Việc lựa chọn chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” cho thấy phòng, chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, của cả cộng đồng và cần có những cách làm sáng tạo vì sự hiểu biết của người dân về HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi, tình hình dịch HIV cũng đã có những thay đổi, cách tiếp cận cũng như can thiệp liên quan đến dự phòng, điều trị HIV/AIDS cũng đã thay đổi. Chủ đề này cũng muốn khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Tại buổi gặp mặt, Ths. Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết:
Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9 năm 2023, theo báo cáo giám sát phát hiện cả nước có 231.481 người đang sống chung với HIV. Tính tới tháng 9 năm 2023, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 100% số quận/ huyện và trên 99,98% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV còn sống được phát hiện và báo cáo chủ yếu thuộc khu vực Đông Nam Bộ (38,67%) và Đồng bằng sông Cửu Long (19,87%).
Tính đến tháng 9 năm 2023, cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.126 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (47,3%) và 30 - 39 (28,2%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (75,1%). Đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (49,2%) và đối tượng khác (31,2%).
Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến tháng 9 năm 2023 có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6,4% vào tháng 9 năm 2023; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 84,4% năm 2022 và 75,1% vào tháng 9 năm 20232.
Xu hướng dịch HIV trong nhóm nam nghiện chích ma túy (khoảng 12%) và nhóm phụ nữ bán dâm tương đối ổn định (dưới 5%). Tuy nhiên, dịch HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua, cũng như dự báo dịch HIV trong thời gian tới (tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trong giám sát trọng điểm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022). Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% năm 2022, tại TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ này là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.
Theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV còn sống là 249.000 (220.000 – 270.000) và khoảng 6.200 (5.600 – 6.800) người nhiễm HIV mới. Kết quả ước tính và dự báo những ca nhiễm mới HIV, dựa trên mô hình dịch AIDS/mô hình dịch tại Châu Á (Asian/AIDS Epidemic Model) cho thấy MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam và có tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã được chuyên gia đến từ CDC Hoa Kỳ cập nhật các thông tin khoa học mới về HIV/AIDS cũng như các thông tin cập nhật về bệnh đậu mùa khỉ.
Các đại biểu cũng được gặp gỡ và trao đổi với đại diện các nhóm cộng đồng để chia sẻ về các mô hình triển khai phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đối tượng đích.
Phát biểu kết luận cuộc họp, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nếu công cuộc phòng chống HIV/AIDS chỉ dựa trên hệ thống y tế sẵn có thì không thể thành công được trong khi chỉ còn 7 năm nữa là chúng ta phải chấm dứt dịch HIV/AIDS. Nếu không có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ phía cộng đồng thì chúng ta khó có thể kiểm soát được dịch HIV/AIDS. Chính vì vậy, Tháng hành động năm nay, Việt Nam chọn chủ đề cộng đồng như là điểm mấu chốt để mở rộng nhanh các dịch vụ từ việc ứng dụng các sáng kiến trong cộng đồng.
Cuộc họp đã thu hút sự sự quan tâm của đông đảo các phóng viên và được đại diện CDC Hoa Kỳ, Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các Phòng thuộc Cục chia sẻ và giải đáp mọi thắc mắc.