Website Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhận được nhiều câu hỏi từ phía độc giả về HIV và COVID-19. Dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc của Quý độc giả.
Website Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhận được nhiều câu hỏi từ phía độc giả về HIV và COVID-19. Dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc của Quý độc giả.
Câu hỏi: Người sống chung với HIV có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao hơn người bình thường không?
Trả lời: Chưa có bằng chứng khoa học chứng minh người sống chung với HIV có nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19 cao hơn người bình thường. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi rút, người sống chung với HIV có nguy cơ bị bệnh nặng nhất là:
- Người có số lượng tế bào CD4 thấp và tải lượng vi rút cao
- Người sống chung với HIV nhưng chưa điều trị ARV
- Người sống chung với HIV cao tuổi, có các bệnh nền: tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường…
Câu hỏi: Người sống chung với HIV nên có những biện pháp nào để phòng chống COVID-19?
Trả lời: Hiện tại, chưa có vắc xin để ngăn ngừa COVID-19. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là tránh tiếp xúc với COVID-19.
Người sống chung với HIV nên thực hiện các biện pháp dự phòng hằng ngày để ngăn ngừa sự lây lan của vi rút như 10 khuyến cáo dưới đây.
Ngoài ra, người sống chung với HIV nên duy trì lối sống lành mạnh để tăng sức đề kháng như ăn đầy đủ dinh dưỡng, ngủ ít nhất 8 giờ/ngày, giảm căng thẳng. Nếu đang sử dụng ARV, điều quan trọng nhất là tuân thủ điều trị và làm theo lời khuyên của bác sỹ. Đây là cách tốt nhất để giữ cho hệ miễn dịch của bạn khỏe mạnh.
Câu hỏi: Tôi nên làm gì nếu tôi nghi ngờ mình nhiễm COVID-19?
Trả lời: Gọi cho đường dây nóng cơ quan y tế địa phương hoặc Bộ Y tế nếu bạn có các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19. Hotline Bộ Y tế 1900 3228 hoặc 1900 9095.
Câu hỏi: Người sống chung với HIV cần chuẩn bị những gì để bảo vệ bản thân trong tình hình dịch COVID-19?
Trả lời: Một số bước mà người nhiễm HIV có thể thực hiện để bảo vệ bản thân, ngoài những khuyến cáo chung cho tất cả cộng đồng, gồm:
- Hãy chắc chắn bạn có đủ ít nhất 30 ngày thuốc ARV, cùng các loại thuốc và vật tư y tế khác bạn cần để kiểm soát HIV.
- Xây dựng một kế hoạch chăm sóc bản thân nếu bạn phải ở nhà trong một vài tuần. Cố gắng tối đa liên lạc trực tuyến với phòng khám cấp thuốc điều trị HIV cho bạn (điện thoại, tư vấn online).
- Người sống chung với HIV đôi khi cần sự giúp đỡ thêm từ bạn bè, gia đình, hàng xóm, nhân viên y tế cộng đồng,… Nếu bạn bệnh, hãy chắc chắn rằng bạn giữ liên lạc qua điện thoại hoặc email với những người có thể giúp bạn.
Câu hỏi: Thuốc ARV có thể được dùng để chữa COVID-19 không?
Trả lời: Một số loại thuốc điều trị HIV (Lopinavir/Ritonavir) đang được đánh giá trong thử nghiệm lâm sàng để điều trị COVID-19. Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy loại thuốc này có thể giúp điều trị nhiễm SARS và MERS (hai loại corona vi rút khác liên quan đến vi rút gây ra COVID-19), nhưng vẫn chưa có số liệu, bằng chúng nào từ các thử nghiệm lâm sàng về việc các thuốc này giúp chữa trị người nhiễm COVID-19.
Người sống chung với HIV không nên tự ý chuyển đổi thuốc điều trị HIV để ngăn ngừa hoặc điều trị COVID-19.