Cùng ngày 22/7, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm Trưởng đoàn đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với Ông Atul Gawande, Giám đốc Chương trình Y tế, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ toàn cầu tại thành phố Munich, Cộng hòa Liên bang Đức trong khuôn khổ Hội nghị khoa học về HIV (IAS).
Tham gia tiếp Đoàn có ông Ashley Frost, Phó Trưởng Phòng, phòng, chống HIV/AIDS; bà Susanna Baker, Trưởng nhóm, Bền vững Chương trình và Hệ thống, Phụ trách Chương trình hỗ trợ về HIV/AIDS của USAID tại Việt Nam; bà Lisa Fleisher, Trưởng nhóm Tài chính và Kinh tế Y tế.
Thay mặt đoàn công tác, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cảm ơn Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thời gian qua đã hỗ trợ ngành y tế Việt Nam rất nhiều trong: Phòng, chống HIV/AIDS; Ứng dụng đổi mới sáng tạo trong phát hiện và điều trị Lao; Tăng cường an ninh y tế toàn cầu; Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS; Các dự án hỗ trợ về tăng cường chất lượng nhân lực cho y tế; Các sáng kiến về tài chính bền vững.
Việt Nam đánh giá cao vai trò của USAID trong các hoạt động về vận động chính sách, các sáng kiến về tài chính bền vững cho các ứng phó HIV/AIDS.
Việt Nam cũng ghi nhận vai trò của USAID trong việc hỗ trợ Bộ Y tế trong xây dựng lộ trình bền vững cho việc kiểm soát dịch bệnh AIDS đến năm 2030. Việt Nam mong muốn USAID cung cấp kinh nghiệm các quốc gia đang triển khai các hoạt động này để Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi. Quá trình xây dựng lộ trình bền vững còn nhiều thách thức rất cần các nhà tài trợ sát cánh và USAID là đối tác quan trọng giúp điều phối các nỗ lực của các đối tác để giải quyết các ưu tiên của quốc gia.
Đoàn đại biểu Việt Nam chụp hình lưu niệm cùng các chuyên gia của USAID
Thứ trưởng cũng đề nghị USAID tiếp tục hỗ trợ cho các Trường Đại học Y và các cơ sở đào tạo y khoa tại Việt Nam đổi mới một cách căn bản và toàn diện chương trình giảng dạy y khoa cho bậc đào tạo đại học và sau đại học. Chương trình đổi mới này mang đến cho Việt Nam một cơ hội lớn để hiện đại hóa chương trình giảng dạy, đào tạo và chuẩn bị một lực lượng lao động y tế có khả năng đáp ứng nhu cầu sức khỏe của xã hội và đáp ứng những thách thức y tế mới trong tương lai.
Đồng thời hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học khối ngành sức khỏe của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển năng lực của đội ngũ cán bộ và giảng viên về xây dựng bộ câu hỏi lượng giá, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, quy trình đánh giá chuẩn để đánh giá kết quả học tập, đánh giá năng lực người học đối với một số chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và thực hành tốt nhất.
Hỗ trợ cho các hoạt động tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu; các hoạt động an ninh y tế toàn cầu; các hoạt động xây dựng lộ trình kiểm soát dịch HIV bền vững sau năm 2030.
Với các hoạt động khác của lĩnh vực y tế, Thứ trưởng cũng đề nghị USAID: Tiếp tục hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh Lao và tiến tới chấm dứt sau năm 2030; Tiếp tục hỗ trợ các chương trình nâng cao chất lượng nhân lực ngày y tế; Các hoạt động cải thiện thông tin y tế; Các hoạt động về an ninh y tế toàn cầu; Cải thiện và nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
Tại buổi gặp mặt, Ông Atul Gawande, Giám đốc Chương trình Y tế, USAID Toàn cầu thể hiện sự ấn tượng với những thành quả mà Việt Nam đã làm được trong thời gian qua. Hơn nữa, USAID đánh giá cao các sáng kiến của Việt Nam trong việc thí điểm hợp đồng xã hội nhằm đảm bảo tính bền vững cao hơn cho các dịch vụ do cộng đồng cung cấp. USAID cam kết tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế/Cục phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới để đảm bảo tính bền vững của các ứng phó HIV quốc gia.
Hội nghị Quốc tế về AIDS là một sự kiện toàn cầu hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, chính sách và ứng phó với HIV/AIDS. Hội nghị được tổ chức bởi Hiệp hội Quốc tế về AIDS (IAS), tổ chức uy tín hàng đầu trong nghiên cứu và ứng phó với HIV/AIDS. Được thành lập vào năm 1988, IAS là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng phó toàn cầu đối với HIV/AIDS. IAS tổ chức hội nghị này hai năm một lần với mục tiêu tạo điều kiện cho các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau trao đổi kiến thức, chia sẻ các nghiên cứu mới nhất, và thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS.
Theo chương trình, hội nghị quốc tế về AIDS năm 2024 có hơn 30 hội nghị chuyên đề có diễn giả được mời, 30 phiên tóm tắt, 56 phiên truyền hình vệ tinh, 240 triển lãm áp phích, 1.000 áp phích điện tử trên nền tảng hội nghị ảo và vô số cơ hội kết nối diễn ra.
AIDS 2024 sẽ tập trung vào việc nâng cao hiểu biết khoa học, thúc đẩy giáo dục và cải thiện dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Hội nghị cũng nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh đối phó với các mối đe dọa sức khỏe khác như COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ.