Tiếp theo chương trình tại thành phố Hồ Chí Minh, Chiều 17/3, bác sĩ Rochelle P. Walensky, Giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ có buổi thăm và làm việc với nhóm hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ liên quan đến HIV (CAB) và tổ chức họp báo nhân kỷ niệm 25 năm CDC Hoa Kỳ hiện diện tại Việt Nam. Cùng tham dự còn có Ông John MacArthur – Giám đốc CDC Khu vực Đông Nam Á; Ông Eric Dziuban - Giám đốc CDC Việt Nam cùng các thành viên của đoàn.
Cùng tham dự còn có TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Ông Steven Hatch Giám Đốc dự án HIV của tổ chức HAIVN và cán bộ y tế, cộng đồng của các tỉnh triển khai mô hình CAB.
Tại đây Giám đốc CDC Hoa Kỳ cùng đoàn công tác đã gặp gỡ thành viên của nhóm CAB, đang được hỗ trợ kỹ thuật bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) và các khách hàng điều trị được nhóm CAB hỗ trợ, để nghe những chia sẻ về các can thiệp, hỗ trợ của dự án cho cộng đồng các tỉnh Hải Phòng, Bình Dương, Long An, Thái Nguyên, Vũng Tàu, Hà Nội.
Giám đốc CDC Hoa Kỳ gặp vào giao lưu với các thành viên nhóm CAB
Tại buổi gặp mặt, đoàn công tác đã được chia sẻ từ bệnh nhân điều trị ARV chia sẻ các khó khăn trong việc chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trong dịch Covid-19. Trong mùa dịch không ra ngoài được, anh được thành viên của CAB chạy hàng chục cây số giúp lấy thuốc ARV và cả thuốc điều trị Covid-19. Nhờ vậy, việc điều trị của anh không bị gián đoạn, sức khỏe cũng rất ổn định.
Đại diện cho mạng lưới chuyển giới Nữ, Ban Dương Tú Anh đã chia sẻ, bản thân tham gia mạng lưới với mong muốn cộng đồng của mình và tất cả mọi người đều được công bằng về chăm sóc sức khỏe, được tư vấn tình trạng, được dự phòng bệnh như mọi người, cũng như không còn bị kỳ thị, dẫn đến tâm lý mặc cảm.
Bà Walensky cho biết, rất ấn tượng với con số 86-90% bệnh nhân HIV tham gia điều trị với các dự án của mạng lưới có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện bệnh. Đây là con số rất ấn tượng. Những người thực hiện các hoạt động này xứng đáng được xem như "anh hùng". Giám đốc CDC Hoa Kỳ chia sẻ, năm 1998 khi bắt đầu có mặt, cơ quan này đã bắt đầu các công việc hỗ trợ Việt Nam phòng chống HIV, qua chương trình PEPFAR, giúp cứu sống rất nhiều người Việt.
Bs Ngà, CDC Bình Dương Đại diện mô hình CAB tỉnh Bình Dương chia sẻ tại buổi gặp mặt
Mô hình CAB là một sáng kiến tạo ra cơ chế để cộng đồng và khách hàng đóng góp ý kiến cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS như điều trị ARV, các chính sách của chương trình… để cải thiện các dịch vụ ngày một tốt hơn, đúng với tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm.
Đánh giá về CAB, BS. Eric Dziuban, Giám đốc quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm Soát Bệnh Tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: CAB là tác nhân chính cho các nỗ lực ứng phó với HIV. Đây là một phần quan trọng để thu hẹp khoảng cách về bình đẳng y tế và cung cấp các dịch vụ HIV lấy con người làm trung tâm. Cả hai yếu tố trên đều là ưu tiên của PEPFAR cho giai đoạn tiếp theo trong công tác ứng phó với HIV toàn cầu. Đây là một mô hình độc đáo về thành lập và giám sát của chính phủ kết hợp với sự dẫn dắt của những người sử dụng dịch vụ và cộng đồng, nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác dựa trên kết quả. BS. Eric Dziuban, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng khẳng định, đối với CDC và PEPFAR của Hoa Kỳ, CAB là một đổi mới bền vững và mang tính đáp ứng, góp phần đáng kể vào việc đạt được các mục tiêu kiểm soát dịch HIV và xóa bỏ kỳ thị với HIV. Thông qua khuôn khổ giám sát cộng đồng, CAB đóng một vai trò quan trọng trong việc lồng ghép tiếng nói của người sử dụng dịch vụ và cộng đồng trong việc thiết kế các dịch vụ HIV thân thiện.
Bà Asia Nguyễn, Cố vấn của tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ về sáng kiến CAB tại Việt Nam
Đại diện nhóm CAB Hải Phòng chia sẻ tại buổi gặp mặt
Toàn thể đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Bà Walensky trao tặng quà cho các đại diện nhóm CAB các tỉnh, thành phố
Ngày 13/10/2021, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã ban hành Quyết định 237/QĐ-AIDS Hướng dẫn triển khai mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế. Theo đó, nhóm Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ (HTNCCLDV) - gọi tắt là nhóm CAB, là một nhóm bao gồm các thành viên của những người sống chung, có nguy cơ cao hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV, hoặc thành viên của cộng đồng nhóm đích, tình nguyện tham gia. Nhóm CAB đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng đích (khách hàng nhận dịch vụ chương trình phòng, chống HIV/AIDS) với hệ thống y tế để thu thập "tiếng nói" của cộng đồng thông qua nhiều hình thức và cung cấp những thông tin phản hồi, tham gia thảo luận, cùng các cơ sở cung cấp dịch vụ đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng những dịch vụ liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, CAB cũng đóng vai trò là người hỗ trợ khách hàng. Mục tiêu chung của nhóm CAB là tạo điều kiện và thúc đẩy sự kết hợp có ý nghĩa giữa quan điểm của khách hàng và cộng đồng vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để cải thiện chất lượng dịch vụ và loại bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Với tư cách là người sử dụng dịch vụ, khách hàng đích và người nhiễm HIV có thể đánh giá chất lượng và sự phù hợp của các dịch vụ chăm sóc...
Sau khi thăm và làm việc với nhóm CAB, Bà Walensky đã gặp mặt báo chí
Trải qua hàng chục năm, CDC Hoa Kỳ đã mở rộng rất nhiều hoạt động phòng chống dịch tại Việt Nam. Nhất là trong đại dịch Covid-19, qua các nỗ lực ngăn ngừa những nguy cơ lây lan virus và giảm số ca tử vong. Mới đây, CDC Hoa Kỳ đã ký ý định thư với Bộ Y tế, trong việc cam kết tăng cường hỗ trợ xây dựng CDC tuyến trung ương của Việt Nam.
Trước câu hỏi của phóng viên về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 hiện nay, Giám đốc CDC Hoa Kỳ cho biết, dù Covid-19 còn là tình trạng khẩn cấp hay không thì cũng cần duy trì sự cảnh giác, cẩn trọng.
"Những gì chúng ta biết được về Covid-19 trong vài năm qua là có rất nhiều biến thể làm suy giảm miễn dịch bảo vệ cơ thể. Nếu duy trì tiêm vaccine thì sẽ tiếp tục có kháng thể. Chúng tôi vẫn đang thu thập các dữ liệu, rà soát để đưa ra các khuyến cáo về việc khoảng cách tiêm thế nào là phù hợp nhất" - bà Walensky nói….