Với 91,29% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiều ngày 16/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Trong đó đáng chú ý, Luật mới thông qua quy định, người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV, thay vì đủ 16 tuổi trở lên như quy định hiện hành.
Trước đó, Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) của Bộ Y tế về việc hạ độ tuổi được tự nguyện xét nghiệm HIV tức người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV, thay vì đủ 16 tuổi trở lên như quy định hiện hành đã nêu rõ lý do cần sửa đổi:
Thứ nhất, thực trạng trẻ em hiện đang phát triển hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm và có quan hệ tình dục sớm: Theo thông kê của Tổng cục Dân số, tỷ lệ trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ngày càng gia tăng nhanh. Hằng năm, trung bình có 250.000 đến 300.000 ca nạo phá thai, trong đó 60%-70% là học sinh, sinh viên ở độ tuổi 15-19 tuổi, cá biệt có trường hợp mang thai ở tuổi 12-14 là tuổi dậy thì. Cũng theo báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Hà nội, tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở trẻ vị thành niên có thai cao hơn khá nhiều so với phụ nữ mang thai ở lứa tuổi lớn hơn.
Thứ hai, việc lây nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa: Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2011. Có tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trước tuổi 20. Thêm vào đó là tình trạng ma túy len lỏi vào trường học.
Thứ ba, rất ít trường hợp cha mẹ biết con có nguy cơ lây nhiễm để đưa con đi xét nghiệm: Trẻ em thường không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn, cơ sở y tế không xét nghiệm HIV khi không được bố mẹ trẻ đồng ý, làm giảm cơ hội trẻ được xét nghiệm, phát hiện HIV sớm.
Thứ tư, việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện cũng nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế. Trong Bộ luật Dân sự: Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” đối với các giao dịch cơ bản. Luật HIV/AIDS 2018 của Philippines cũng quy định “Người từ đủ 14 tuổi” được tự yêu cầu làm xét nghiệm HIV. Luật HIV/AIDS 2003 của Papua New Guinea quy định “người từ đủ 12 tuổi được tự yêu cầu làm XN HIV”.
Thứ năm, việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện cũng giúp trẻ em dễ tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV hơn, được phát hiện HIV sớm, điều trị sớm đảm bảo sức khỏe của trẻ, giảm lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng. Đồng thời cũng để bảo đảm quyền của trẻ em được gia đình bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người quy định trường hợp trẻ đủ 15 tuổi trở lên có kết quả xét nghiệm phát hiện HIV dương tính thì được thông báo đến cha mẹ hoặc người giám hộ để biết và kịp thời hỗ trợ, đưa trẻ đi điều trị.
Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải vừa được Quốc hội thông qua cũng có những quy định khác như:
- Về thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định người có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính; có ý kiến đề nghị quy định ngay trong Luật trình tự, thủ tục thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, nhưng cũng có ý kiến đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Y tế.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 16/11
- Theo Luật mới thông qua, người có nguy cơ phơi nhiễm với HIV, người phơi nhiễm với HIV được tư vấn, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV. Ưu tiên tiếp cận tư vấn, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho các đối tượng theo quy định.
- Người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, do rủi ro của kỹ thuật y tế được tư vấn, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV và được hưởng các chế độ theo quy định.
- Luật cũng quy định việc xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
- Theo Luật mới, các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo đặt hàng, giao nhiệm vụ có bố trí kinh phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hợp đồng với chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ.
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người
- Luật mới cũng quy định các nhóm đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS gồm: Người nhiễm HIV; người sử dụng ma túy; người bán dâm; Người có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển đổi giới tính; vợ, chồng và thành viên gia đình khác cùng sống chung với người nhiễm HIV; người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV; người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục; người di biến động; phụ nữ mang thai; phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy, học sinh trường giáo dưỡng; người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi…
BP