CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS năm ...

Thứ Bảy, 23/11/2024 | 14:48:00 GMT+7

Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

03/01/2022 | 13337 lượt xem | Quốc Minh

Ngày 27/12, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. 

Hội nghị do PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng chủ trì, với sự tham dự trực tuyến của gần 140 đơn vị gồm các Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh/thành phố qua hệ thống Zoom cùng toàn thể cán bộ, công chức của Cục Phòng, chống HIV/AIDS.  

 

Trong bài trình bày tổng kết, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết:
Năm 2021, cả nước phát hiện được 13.223 trường hợp nhiễm HIV, trong đó tỷ lệ nhiễm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cao nhất (27%) và TP. Hồ Chí Minh (26%). 84,7% là nam giới, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (79,1%) và qua đường máu (9,9%). Nhìn chung, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao đã giảm đáng kể và tỷ lệ chung trong cộng đồng được kiểm soát ở mức dưới 0,3%. 
Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS trong vài năm gần đây có diễn biến đáng quan ngại. Tỷ lệ nhiễm HIV có xu hướng gia tăng ở một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Trong khi tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ bán dâm được khống chế ở mức thấp (trên dưới 3%) trong nhiều năm, thì tỷ lệ này ở nhóm tiêm chích ma túy vẫn có khá cao (trên 12%). Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng lên một cách đáng lo ngại, từ 6,7% năm 2014 lên 12,2% (2017) và 13,3% (2020). Một số địa phương, tỷ lệ MSM chiếm đến 50-70% tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện. 
PGS. TS. Phan Thu Hương cũng cho biết, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Covid nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những thành công đáng ghi nhận với 10 sự kiện tiêu biểu:
Thứ nhất, cam kết chính trị mạnh mẽ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên môn được kiện toàn: Nghị định số 63/2021 - NĐCP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Nghị định số 109/2021/NĐ – CP quy định cơ sở đủ kiện xác định tình trạng nghiện ma túy, hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy; Thông tư số 09/2021/TT- BYT của Bộ Y tế quy định quy trình, thời điểm, số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, khi sinh con, cho con bú và các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; Thông tư số 15/2021/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập cùng 08 Quyết định hướng dẫn triển khai hoạt động chuyên môn được ban hành.
Thứ hai, mở rộng và đa dạng hóa xét nghiệm HIV: Triển khai xét nghiệm sàng lọc tại 1.345 cơ sở. Tiếp tục đa dạng và mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng tại 33 tỉnh/TP; triển khai hoạt động tự xét nghiệm HIV tại 11 tỉnh/TP. Thí điểm triển khai cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua trang thông tin điện tử http://tuxetnghiem.vn tại 04 tỉnh/TP và qua hệ thống nhà thuốc tại Hà Nội và TP. HCM. Triển khai xét nghiệm khẳng định HIV tại 144 phòng xét nghiệm tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 57 cơ sở tại tuyến huyện. Triển khai xét nghiệm nhiễm mới tại 17 tỉnh trọng điểm.
Thứ ba, đảm bảo điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trong bối cảnh COVID – 19 được liên tục: Cấp phát thuốc khi cơ sở Methadone bị phong toả, cách ly; Cấp phát thuốc Methadone cho người bệnh bị cách ly do Covid-19 (tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung, tại nhà); Cấp thuốc về nhà trong thời gian giãn cách xã hội.
Thứ tư, thí điểm cấp thuốc Methadone dài ngày tại 03 tỉnh Lai Châu, Hải Phòng, Điện Biên với 1.187 bệnh nhân (tính đến 30/11/2021). Hầu hết các bệnh nhân được cấp thuốc về nhà tuân thủ điều trị tốt, phấn khởi và phấn đấu để được cấp thuốc mang về.
Thứ năm, mở rộng điều trị ARV đúng kế hoạch, liên tục trong bối cảnh COVID - 19 và duy trì chất lượng điều trị. Phác đồ thuốc ARV đã được tối ưu hoá, thuốc ARV mới (TLD) được mở rộng. Chất lượng điều trị HIV/AIDS tiếp tục được duy trì ở mức cao hàng đầu thế giới, với 97,2% bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (1000 bản sao/ml) và 95,1% bệnh nhân có tải lượng dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/ml máu). Đa dạng hình thức cấp thuốc ARV cho người bệnh trong bối cảnh COVID-19: cấp thuốc nhiều tháng, do nhân viên y tế, nhân viên tình nguyện hoặc đơn vị vận chuyển thực hiện. Tăng cường kết nối giữa cơ sở y tế và cộng đồng trong duy trì điều trị ARV thông qua việc triển khai nhóm hỗ trợ kỹ thuật duy trì ARV trên zalo.
Thứ sáu, mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Hiện có 213 cơ sở PrEP, trong đó 77,5% là tại cơ sở Y tế công lập; 50% khách hàng tại cơ sở công lập. Tỷ lệ khách hàng duy trì PrEP trên 3 tháng là 80,4%. Số khách hàng dương tính có sử dụng PrEP chỉ chiếm 0,02% (05 người). Đang triển khai bệnh án điện tử và báo cáo trực tuyến.
Thứ bảy, mở rộng điều trị Viêm gan trên bệnh nhân đồng nhiễm HIV/VGC. Bắt đầu triển khai từ tháng 3/2021. Đến hết 30/11/2021 có 3.819 người được điều trị viêm gan C mạn. Tỷ lệ khỏi bệnh viêm gan C trong số người đã hoàn thành điều trị và được làm xét nghiệm SVR12 là 99%.
Thứ tám, tiếp tục đảm bảo tài chính cho Chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Đầu tư trong nước cho HIV/AIDS ước đạt 51%. 33/63 tỉnh, thành phố có Kế hoạch đảm bảo tài chính được phê duyệt . 91% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế (giảm do người lao động mất việc làm do Covid-19). Nhiều chính sách và cơ chế tài trợ cho bệnh nhân điều trị ARV tham gia bảo hiểm y tế từ QTC và PEPFAR. 
Thứ chín, linh hoạt, sáng tạo vượt qua COVID - 19, đạt các nhiệm vụ/chỉ tiêu được giao. Ban hành hàng loạt văn bản ứng phó với COVID để đảm bảo duy trì điều trị thuốc ARV, MMT …Ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo hoạt động, chất lượng dịch vụ.Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật bằng hình thức trực tuyến. Chuyển đổi các cuộc họp, tập huấn, hội thảo sang hình thức trực tuyến. Triển khai Chiến dịch truyền thông Vắc xin COVID-19 và Người sống chung với HIV nhằm chia sẻ thông tin chính xác và khuyến khích cộng đồng người sống chung với HIV, người sử dụng PrEP và nhóm nguy cơ cao tăng cường tiếp cận vắc-xin COVID-19.
Cuối cùng, tích cực tham gia phòng, chống COVID - 19. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành các Quyết định về Trạm Y tế lưu động và triển khai tổ chăm sóc người nhiễm Covid19 tại cộng đồng. Tổ chức 5 đoàn công tác tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch và đánh giá hiệu quả mô hình Trạm y tế lưu động với gần 20 cán bộ của Cục tham gia. Được Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy Bộ Y tế, UBND TP HCM tặng bằng khen và giấy khen cho tập thể và cá nhân. Huy động nguồn viện trợ để mua trang thiết bị phòng, chống COVID19 với tổng kinh phí 7.580.333 USD. 

 

Hội nghị diễn ra trong 1 ngày, tại đây, các đại biểu được đại diện các Phòng thuộc Cục chia sẻ về các nhiệm vụ trọng tâm, định hướng năm 2022. Trong đó, tiếp tục xây dựng trình cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; Triển khai các thủ tục cắt giảm, phân cấp, số hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và phân công của Thủ tướng Chính phủ; Trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chuyên môn; Đa dạng và mở rộng xét nghiệm HIV, phấn đấu phát hiện mới 10.000 trường hợp nhiễm HIV; Chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Duy trì điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho trên 50.000 bệnh nhân. Mở rộng triển khai cấp phát thuốc Methadone cho bệnh nhân mang về nhà tại 06 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hải Phòng, Lào Cai, Bắc Giang và Nghệ An; Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) cho 45.000 bệnh nhân; Mở rộng điều trị ARV cho 170.000 bệnh nhân HIV/AIDS; tiếp tục duy trìchất lượng điều trị, đảm bảo tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng Virus dướingưỡng ức chế trên 95%; Tiếp tục tăng số lượng bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV nguồn Bảo hiểmy tế lên 120.000 bệnh nhân; Tổ chức triển khai Tháng hành động quốc gia phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (tháng 6), Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (tháng 12)và Ngày thế giới phòng, chống AIDS (01/12); Hướng dẫn các địa phương xây dựng và trình duyệt đề án, kế hoạch đảm bảo tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS theo Quyết định1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

 

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị: Các tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 chi tiết, cụ thể, thường xuyên kiểm tra, rà soát, phân bổ nguồn lực, nhân lực thỏa đáng. 20 tỉnh chưa phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính triển khai phê duyệt sớm. Tỉnh đã được duyệt thì vận động, phân bổ kinh phí triển khai các hoạt động hợp lý. Và đề nghị các tỉnh tăng cường chỉ đạo các hoạt động chuyên môn như: xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm, duy trì và mở rộng điều trị Methadone nhiều ngày ra các tỉnh, mở rộng điều trị PrEP, điều trị Viêm gan C…

 

Cùng ngày, Hội nghị tổng kết công tác Đảng, Chính, Công, Thanh  của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng được tổ chức. Các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác Công đoàn được nhận Giấy khen của Công đoàn Bộ Y tế và các cá nhân đạt thành tích xuất sắc năm 2021 được nhận Giấy khen của Cục trưởng cho những thành tích của mình.