CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Hội nghị chia sẻ tiến độ và kết quả triển khai thí điểm hợp ...

Thứ Bảy, 14/09/2024 | 20:12:02 GMT+7

Hội nghị chia sẻ tiến độ và kết quả triển khai thí điểm hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS

29/03/2024 | 396 lượt xem | Nguyễn Vân

Ngày 29 tháng 3 năm 2024 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức Hội nghị chia sẻ tiến độ và kết quả triển khai thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2022-2024.
 

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị do Ths. Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì. Tham dự Hội nghị có gần 90 đại biểu đại diện cho Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính; Lãnh đạo Sở Y tế, Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và tổ chức cộng đồng/doanh nghiệp xã hội (CBO/DNXH) của 9 tỉnh tham gia Đề án thí điểm: Điện Biên, Nghệ An, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ, Kiên Giang. Về phía các tổ chức quốc tế, có sự tham dự của ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc quốc gia UNAIDS tại Việt Nam; Bà Evonne Amaka Nkem Nwankwo-Igomu, Cố vấn kỹ thuật cao cấp về HIV/AIDS của USAID; Bà Nguyễn Hiệp, chuyên gia tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng đại diện các tổ chức: EpiC FHI360; LHSS; LIFE; IRD Việt Nam. 
Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội giai đoạn 2022-2024 đã được Bộ Y tế ký ban hành vào năm 2021. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, được sự hỗ trợ của các tổ chức, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tiến hành đánh giá giữa kỳ đề án thí điểm nhằm mục đích cung cấp các thông tin, bằng chứng về các kết quả đã đạt được, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai và xác định những điều chỉnh, bổ sung cần thiết trong giai đoạn tiếp theo để có thể đạt được các mục tiêu đã đặt ra của đề án.

Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Tại Hội nghị, đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS trình bày tóm tắt kết quả triển khai Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giai đoạn 2022-2024 và Lộ trình hoàn thiện khung pháp lý cho việc mở rộng cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS qua các tổ chức xã hội. Nhóm chuyên gia tư vấn độc lập báo cáo kết quả đánh giá giữa kỳ Đề án thí điểm.

Đại diện tỉnh Kiên Giang

Đại diện tỉnh Điện Biên

Đại diện tỉnh Bình Dương

Đại diện 03 tỉnh (Kiên Giang, Điện Biên, Bình Dương) báo cáo tóm tắt quá trình triển khai thí điểm: kết quả, khó khăn, thuận lợi, bài học kinh nghiệm và kế hoạch năm 2024. 

Tọa đàm với chủ đề: Các giải pháp để triển khai hợp đồng xã hội trong thời gian tới

Các đại biểu cùng trao đổi với các vị khách mời tại Tọa đàm với chủ đề: Các giải pháp để triển khai hợp đồng xã hội trong thời gian tới. Qua đây, nhiều ý kiến đã được đưa ra để thảo luận về những khó khăn, thách thức, giải pháp và đề xuất kiến nghị để triển khai có hiệu quả việc thực hiện mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp cho giai đoạn tới.

Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Kết luận Hội nghị, Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đánh giá cao sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc triển khai hoạt động thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp. Sự hỗ trợ này không chỉ về tài chính mà cả về mặt kỹ thuật và các kinh nghiệm quốc tế. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đánh giá cao và cảm ơn sự nỗ lực của các tỉnh, thành phố đang triển khai thí điểm. Thí điểm hợp đồng xã hội là một lĩnh vực mới mẻ nên gặp phải nhiều khó khăn nhưng các địa phương đều có sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao từ UBND tỉnh đến Sở Y tế, sự nỗ lực của CDC các tỉnh và cả các tổ chức cộng đồng.   
Trong thời gian tiếp theo, Phó Cục trưởng đề nghị: 

Bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Bà Trần Thị Xuân Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Các đơn vị Trung ương cần xác định hợp đồng xã hội không phải là giải pháp duy nhất nhưng là giải pháp hết sức quan trọng để huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS, góp phần hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 như Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đã đề ra. Do vậy, trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan của Bộ Tài chính cùng các đối tác tham mưu sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; Tham mưu Bộ Y tế trình để sửa đổi bổ sung Quyết định số 1387/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Y tế - Dân số. Trong thời gian này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ hỗ trợ các địa phương phối hợp với các đối tác tiếp tục triển khai hoạt động thí điểm; đánh giá cuối kỳ đề án thí điểm; xây dựng các bài báo khoa học về mô hình hợp đồng xã hội tại Việt Nam với quốc tế. 

Đại diện tỉnh Đồng Nai

Các tỉnh/thành phố tiếp tục triển khai đề án thí điểm theo kế hoạch đã xây dựng. Các tỉnh phối hợp với các nhà tài trợ tiếp tục nâng cao năng lực cho các tổ chức cộng đồng để khi có cơ chế, căn cứ pháp lý thì các tổ chức cộng đồng có đủ năng lực để triển khai được việc cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng hình thức hợp đồng xã hội.

Đại diện tổ chức quốc tế

Các dự án, tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Cục Phòng, chống HIV/AIDS kéo dài thời gian triển khai thí điểm mô hình này tại các địa phương; hỗ trợ các hoạt động vận động chính sách và xây dựng hành lang pháp lý để có thể triển khai hợp đồng xã hội trong thời gian tới; đẩy mạnh việc phát triển và nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội và CDC các tỉnh/thành phố; tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai thành công hoạt động hợp đồng xã hội để Việt Nam học tập./.