CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Hội nghị Thượng đỉnh Thường niên Lần thứ 7 về Mua – Bán ...

Thứ Bảy, 23/11/2024 | 01:47:17 GMT+7

Hội nghị Thượng đỉnh Thường niên Lần thứ 7 về Mua – Bán thuốc ARVs từ 14-17/11 tại Nam Phi

19/11/2022 | 530 lượt xem | Phương Hà

Từ ngày 14-17/11, tại thành phố Cape Town, Nam Phi, USAID phối hợp với Quỹ Toàn cầu tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Thường niên Lần thứ 7 về Mua – Bán thuốc ARVs với sự tham gia của ... quốc gia nhằm tăng cường mối quan hệ làm việc giữa người mua và người bán để cải thiện hiệu suất và hiệu quả trong công việc mua sắm và cung ứng thuốc ARV cũng như cải thiện khả năng hiển thị nhu cầu trong tương lai.

Tại Hội nghị, PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS được mời chia sẻ kinh nghiệm trong phiên họp đặc biệt về “Mua sắm và cung ứng thuốc ARV tại Việt Nam – Những thách thức và bài học kinh nghiệm”.

Tại Việt Nam, kinh phí cho mua sắm thuốc ARV từ 3 nguồn: ngân sách Nhà nước, Quỹ Bảo hiểm y tế và nguồn Quỹ Toàn cầu bảo đảm thuốc ARV đủ cung ứng cho bệnh nhân HIV/AIDS thuộc mọi đối tượng. Để đạt được cột mốc ngày 8/3/2019, bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên được nhận thuốc nguồn Quỹ BHYT là nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ Việt Nam trong chặng đường chuyển giao tài chính. 
Các cột mốc chuyển giao tài chính được trình bày tại Hội nghị
- Ngày 16/10/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 1899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Bảo đảm tài chính cho các hoạt động Phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020".
- Năm 2014-2015: Chính phủ và BYT xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn
- Ngày 15/11/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 2188/QĐ-TTg quy định việc thanh toán thuốc kháng vi-rút HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia từ nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng vi-rút HIV. Trong đó yêu cầu các địa phương huy động các nguồn lực để đảm bảo 100% người sống chung với HIV có thẻ BHYT. 
- Năm 2016-2019: Các cơ sở điều trị HIV được kiện toàn, sáp nhập để có thể thanh toán qua BHYT. 
- Năm 2019, quá trình đấu thầu những viên thuốc ARV nguồn BHYT đầu tiên được thực hiện thành công. – Ngày 8/3/2019, những viên thuốc ARV nguồn BHYT đầu tiên đã được các cơ sở điều trị kê cho bệnh nhân có thẻ BHYT, đánh dấu bước ngoặt của việc chuyển giao từ nguồn viện trợ sang nguồn Quỹ BHYT, bảo đảm tài chính bền vững cho điều trị HIV tại Việt Nam. 
Tính tới 2022, tỉ lệ bao phủ BHYT ở bệnh nhân HIV/AIDS là 95%, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 khi có quyết định chuyển giao dịch vụ điều trị HIV vào BHYT. 73% tổng số cơ sở điều trị trên cả nước điều trị và cấp phát thuốc ARV bảo hiểm, tăng độ tiếp cận thuốc cho người bệnh, kể cả những khu vực vùng sâu, vùng xa và miền núi. Nhằm đảm bảo cho người sống chung với HIV có thể tiếp cận nhiều nhất với nguồn thuốc và giảm thiểu gánh nặng tài chính trong điều trị, Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu các địa phương huy động các nguồn để đảm bảo 100% người bệnh có thẻ BHYT và quy định về đồng chi trả cho người bệnh điều trị ARV. 
Trong lộ trình chuyển giao dịch vụ điều trị HIV vào BHYT, Việt Nam gặp không ít khó khăn trong quá trình như:
- Về mua sắm: có ít số đăng ký lưu hành, quá trình thẩm định và phê duyệt để cấp số đăng ký lưu hành mất nhiều thời gian, mua sắm các loại thuốc số lượng ít khó khăn, mua sắm theo thuốc đơn lẻ chứ không theo phác đồ, đấu thầu thuốc chậm và không thành công cho một số thuốc bậc 2;
- Về người bệnh: bản thân người bệnh có tâm lý e ngại và sợ kỳ thị do sợ lộ thông tin, người bệnh từ chối chuyển tuyến sang khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện do lo ngại về chất lượng dịch vụ, người bệnh không theo dõi thời hạn thẻ BHYT hoặc bị cắt BHYT do mất việc (đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19).
- Về quản lý: quá trình chuyển giao sang BHYT đòi hỏi sự tham gia và phối hợp của nhiều đơn vị, nhiều đối tác; Cán bộ y tế phát sinh thêm nhiều việc liên quan đến theo dõi hạn thẻ BHYT, thanh toán đồng chi trả, quản lý quyết toán thuốc ARV…

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Phạm Đức Mạnh chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình chuyển giao tài chính như:
- Đối với người bệnh: Cần tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn để người bệnh hiểu về lợi ích của sử dụng dịch vụ BHYT trong điều trị, giảm kì thị, đồng thời hỗ trợ người bệnh trong quản lý và cấp mới thẻ BH
- Công tác mua sắm đấu thầu: cần cải thiện cơ chế và quy trình chuẩn để đẩy nhanh quá trình mua sắm, xem xét xây dựng cơ chế đấu thầu đặc thù cho thuốc ARV có số lượng sử dụng ít.
- Quản lý và điều phối: tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan và giảm thiểu nguy cơ dịch chồng dịch cũng như tăng cường theo dõi giám sát và hỗ trợ kỹ thuật.


Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Nguyễn Thành Lâm chia sẻ tại tọa đàm

Toàn cảnh phiên tọa đàm

Đoàn đại biểu Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị