CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Hội nghị tổng kết Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS ...

Thứ Năm, 26/12/2024 | 17:08:07 GMT+7

Hội nghị tổng kết Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2023

17/12/2023 | 2745 lượt xem | Thu Thảo

Ngày 15/12/2023 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Ban Quản lý các dự án phòng, chống HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2023.

Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện cho một số tổ chức quốc tế, Đại diện Lãnh đạo Cục Y tế và Cục trại giam, Bộ Công an; Lãnh đạo một số các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế; Lãnh đạo Sở Y tế; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Bệnh viện Nhiệt đới 33 tỉnh, thành phố cùng Lãnh đạo và đại diện cán bộ Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Ban Quản lý dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS. PGS.TS Phan Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Giám đốc các Ban quản lý dự án phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế chủ trì hội thảo.
 


PGS.TS Phan Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Giám đốc Dự án phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, tại Hội thảo, PGS.TS Phan Thị Thu Hương cho biết: Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét đã hỗ trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đến nay đã trải qua 6 vòng và tròn 20 năm. Riêng với phòng, chống HIV/AIDS, Qũy Toàn cầu đã hỗ trợ Việt Nam một nguồn lực rất quý với gần 295 triệu USD cho riêng. Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu, nhiều mô hình mới và các kỹ thuật mới về phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai tại Việt Nam. Cũng thông qua sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu mà mạng lưới các tổ chức tham gia phòng, chống HIV/AIDS cũng không ngừng được mở rộng và nâng cao năng lực. Từ đó, giúp các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và những người nhiễm HIV cũng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. 
Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS do Quỹ Toàn cầu hỗ trợ giai đoạn 2021-2023 đã được triển khai trong bối cảnh đặc biệt khi một nửa thời gian của dự án  triển khai trong bối cảnh dịch COVID 19. Từ đó ảnh hưởng lớn các hoạt động của dự án nhất là các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng. Tuy vậy nhờ sự nỗ lực của các địa phương và toàn thể cán bộ Ban quản lý dự án nên các kết quả hoạt động đến nay cũng tương đối tốt. Từ đó góp phần vào việc kiểm soát dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Có thể nói sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu trong 20 năm qua cùng chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đóng góp vào việc dự phòng cho khoảng 1 triệu người không bị nhiễm HIV và 200.000 người nhiễm không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS.
 


Ths. Dương Thu Hằng, Điều phối viên Dự án báo cáo kết quả hoạt động của Dự án

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe Ths. Dương Thu Hằng, Điều phối viên Dự án báo cáo kết quả hoạt động của Dự án Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2021-2023. Mục tiêu của Dự án là: (1) Duy trì, cải thiện các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng              tập trung vào các nhóm đối tượng đích và bạn tình của người nhiễm HIV trong cộng đồng; (2) Mở rộng chẩn đoán sớm thông qua các hình thức xét nghiệm HIV tại cơ sở xét nghiệm, xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các nhóm quẩn thể đích và bạn tình của người nhiễm HIV ; (3) Mở rộng, cải thiện chất lượng dịch vụ điều trị ARV để tối đa hóa lợi ích về điều trị, dự phòng giảm lây truyền HIV và giảm tử vong do AIDS, đảm bảo quá trình chuyển sang BHYT được thuận lợi; (4) Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/ AIDS các tuyến; và (5) Nâng cao năng lực ứng phó COVID 19 và giảm ảnh hưởng của COVID-19 đối với các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Qua 3 năm thực hiện, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt chỉ tiêu cam kết với Quỹ Toàn cầu. Có 27/33 tỉnh, thành phố xếp hạng A theo tiêu chuẩn xếp hạng của Quỹ Toàn cầu. Tuy vậy trong quá trình thực hiện dự án cũng gặp nhiều khó khăn vướng mắc như việc mua các sinh phẩm xét nghiệm tải lượng vi rút HIV; sinh phẩm xét nghiệm CD4 hoặc sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc và khẳng định. Nguồn thuốc ARV từ Bảo hiểm y tế cũng không được cung ứng theo kế hoạch. Nhiều cán bộ nghỉ việc do vậy phải tuyển bổ sung cán bộ mới không đáp ứng được nhu cầu. Trong Hội nghị, các địa phương và các tổ chức cộng đồng cũng đã dành nhiều thời gian chia sẻ thành công và thảo luận các giải pháp để nhân rộng thành công ra trong giai đoạn tới.
 


Trao giải “Dấu ấn Quỹ Toàn cầu 2023”.

Để ghi lại dấu ấn 3 năm hoạt động của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; Ban quản lý dự án đã phát động cuộc thi xây dựng video clip ngắn với tiêu đề “Dấu ấn Quỹ Toàn cầu 2023”. Ban tổ chức đã nhận được 15 tác phẩm từ các Tổ chức cộng đồng và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành phố. Sau khi chấm chung kết, giải Quán quân đã được trao cho đơn vị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và CBO tỉnh Thanh Hóa; Giải Nhì trao cho nhóm S đỏ Cần Thơ. Giải Ba trao cho Cộng đồng LGBT An giang. Một giải khuyến khích cũng được trao cho nhóm cộng đồng MSM của tỉnh Điện Biện.
 


Gian hàng CBO Đà Nẵng
 


Gian hàng CBO Thái Bình

Hội nghị cũng đã có 15 gian hàng của các tổ chức cộng đồng trưng bày các sản phẩm và mô hình hoạt động phòng, chống HIV/AIDS dưới sự hỗ trợ của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.
 


Gian hàng DNXH G-Link
 


Toàn cảnh Hội nghị