CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Hội thảo Chia sẻ định hướng hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống ...

Thứ Năm, 21/11/2024 | 19:47:40 GMT+7

Hội thảo Chia sẻ định hướng hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh tại TP. Hồ Chí Minh

16/05/2024 | 475 lượt xem

Ngày 14/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tổ chức hội thảo "Chia sẻ định hướng hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh".

Chủ trì Hội thảo có PGS.TS.BS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; ông Minesh Shah – Cố vấn cao cấp về y tế, bà Asia Nguyễn - Cố vấn Tăng cường Năng lực Hệ thống Y tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Amaka Nwankwo-Igomua – Cố vấn kỹ thuật cao cấp về HIV/AIDS, USAID tại Việt Nam; các đại biểu từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các Sở Y tế, TTKSBT và bệnh viện tại các tỉnh/TP: Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Sơn La, Lạng Sơn, Yên Bái và Thanh Hóa; đại diện các Tổ chức/dự án quốc tế và các phóng viên báo chí.

Phất biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS.BS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam đã và đang từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, những năm gần đây xu hướng dịch có dấu hiệu thay đổi. Cụ thể, dịch lây truyền qua đường tình dục là chủ yếu, tăng nhanh trong nhóm trẻ tuổi (từ 15-29 tuổi), các trường hợp mới phát hiện chủ yếu thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm hơn 80%. Bên cạnh đó, tình hình sử dụng ma tuý tổng hợp trong các nhóm trẻ gia tăng, việc sử dụng ma tuý đa dạng về hình thức, về chủng loại và ngày một khó kiểm soát. Điều này dẫn đến nguy cơ và hệ lụy trong nhóm các bạn trẻ. 
"Với bối cảnh tình hình dịch HIV/AIDS có nhiều thay đổi và chuyển biến liên tục đòi hỏi chúng ta phải liên tục đổi mới các mô hình can thiệp: từ giám sát, xét nghiệm, triển khai các đáp ứng y tế công cộng, can thiệp giảm hại và điều trị HIV/AIDS để phù hợp và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng", Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương cho hay.

Cũng theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, việc cắt giảm viện trợ của các nhà tài trợ hiện nay cũng là một thách thức lớn đối với hệ thống phòng, chống HIV/AIDS trong điều kiện phải kiểm soát dịch, đạt được mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) và kết thúc AIDS vào 2030. Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, tăng cường năng lực tuyến tỉnh để hỗ trợ kỹ thuật trong phòng, chống HIV/AIDS được xác định là ưu tiên của Cục phòng, chống HIV/AIDS góp phần giảm tải công việc cho cấp Trung ương và các nhà tài trợ, hướng đến sự bền vững của chương trình. Đồng thời cũng đi theo đúng đường lối chủ trương về phân cấp, phân quyền và tăng cường sự chủ động cho tuyến dưới trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Minesh Shah – Cố vấn cao cấp về y tế, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: CDC/PEPFAR cam kết duy trì và phát triển lâu dài những thành tựu đạt được trong điều trị và dự phòng HIV nhằm tạo ra tác động tích cực bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, chiến lược quan trọng là xây dựng hệ thống hỗ trợ kỹ thuật do địa phương chủ trì, đảm bảo chất lượng chương trình. Việc Việt Nam thiết lập nền tảng cho các đội kỹ thuật cấp tỉnh (PTT) hỗ trợ các cơ sở y tế và nhân viên y tế là một bước tiến đáng ghi nhận. 

Tại hội thảo, chia sẻ về thực trạng hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, TS. Đoàn Thị Thùy Linh - Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh chưa phát huy được hết vai trò và khả năng chuyên môn. Việc thực hiện hỗ trợ kỹ thuật tại tuyến, tỉnh, thành phố còn phụ thuộc vào kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật của tuyến Trung ương, các dự án và các nhà tài trợ. 

Cụ thể, trước năm 2018, mỗi dự án có bộ công cụ hỗ trợ kỹ thuật khác nhau, phù hợp với yêu cầu riêng của dự án. Từ năm 2019, Cục phòng chống HIV/AIDS đã bắt đầu chuẩn hóa dần các công cụ chuẩn để áp dụng cho đợt hỗ trợ kỹ thuật, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi ở tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ HIV. Nhất là trong giai đoạn 2019-2022, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật ở tuyến tỉnh và trung ương không được thực hiện hoặc thực hiện qua hình thức trực tuyến. Từ năm 2022, các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện thường xuyên hơn.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Cần Thơ cho biết, công tác hỗ trợ kỹ thuật phòng chống HIV/AIDS tại địa phương được lãnh đạo Sở Y tế quan tâm, chú trọng. Các ứng dụng, sáng kiến mới được Trung ương, dự án chọn triển khai và cam kết triển khai hiệu quả. Các cán bộ tham gia nhiệt tình, các đơn vị tạo điều kiện để cán bộ tham gia. Tuy nhiên, nhân sự nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh có sự thay đổi nhiều và liên tục nên công tác kiện toàn gặp khó khăn, chưa kịp thời. Bên cạnh đó, Thành phố chỉ có quyết định mà chưa ban hành quy chế hoạt động cụ thể của nhóm hỗ trợ kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo còn thảo luận về nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh từ góc độ người cung cấp kỹ thuật và người nhận hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS; các nội dung ưu tiên của đơn vị, chỉ số, chỉ tiêu, nguồn lực, quy trình, hướng dẫn, chính sách của địa phương để đạt được chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.