Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) cho các tỉnh phía Bắc.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) cho các tỉnh phía Bắc.
Tham dự Hội thảo có Bác sỹ Minesh Shah, Cố vấn Trưởng về Y tế - CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại diện các phòng thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, cùng đại diện các tổ chức dựa vào cộng đồng tại các tỉnh/thành phố, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, tổ chức HAIVN, FHI360, PATH, Trung tâm LIFE,SCDI, ISDS, IRD, Dự án EPIC, Dự án Qũy Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.
Khai mạc Hội thảo, Bác sỹ Minesh Shah, Cố vấn Trưởng về Y tế - CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu: CDC là một trong những tổ chức hỗ trợ lâu dài nhất cho Việt Nam trong việc ứng phó với dịch HIV/AIDS. Tính đến Quý 2 năm 2022, PEPFAR/CDC đã hỗ trợ xét nghiệm cho hơn 44.000 khách hàng là MSM/LGBTIQ+, 23.000 khách hàng sử dụng PrEP và hỗ trợ cho 85.000 người điều trị ARV trên cả nước. Các tổ chức dựa vào cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nhóm đối tượng đích với các dịch vụ xét nghiệm, PrEP, ART, đa dạng hóa các phương thức tiếp cận để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng trong việc hỗ trợ CDC các tỉnh/ thành phố cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Trong thời gian tới, CDC Hoa Kỳ vinh dự được tiếp tục hợp tác với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các đối tác và đặc biệt các tổ chức dựa vào cộng đồng trong việc hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo nhóm đối tượng đích MSM cũng như cộng đồng LGBTIQ+ đều có thể tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu, bất kể nơi nào mà họ đang sinh sống hay làm việc tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV trình bày về tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM và các yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm MSM/TG hiện nay. Tại bài trình bày, TS. Tâm cảnh báo tình hình dịch HIV tại Việt Nam có xu hướng tăng cao trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Tuy Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai nhiều dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP trực tiếp, PrEP lưu động, PrEP trực tiếp...), điều trị HIV, cung ứng bao cao su, chất bôi trơn, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị hành vi về lệ thuộc các chất kích thích dạng Amphetamine, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục… nhưng với nhiều lí do mà quần thể MSM chưa thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ HIV một cách toàn diện. Việc sử dụng dịch vụ HIV trong nhóm MSM còn hạn chế nên chưa đủ khống chế tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Nhóm BlueStar Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình tiếp cận cộng đồng.
Phòng khám Hải Đăng Hà Nội có bài chia sẻ về tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ PrEP
BS. Hoàng Nam Thái, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cập nhật tình hình dịch đậu mùa khỉ và cách dự phòng
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới được triển khai để các tổ chức dựa vào cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, sức sáng tạo và các phương pháp tiếp cận cộng đồng với các đối tượng nguy cơ cao. Đây cũng là cơ hội để các tỉnh học hỏi kinh nghiệm và phát triển mô hình phù hợp với địa phương. Sau hội thảo, các tổ chức dựa vào cộng đồng có thể phát huy vai trò thủ lĩnh, phát huy tính sáng tạo trong công việc, có nhiều ý tưởng mới trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, là cánh tay nối dài của các CDC tỉnh, thành phố trong việc tiếp cận với các nhóm có hành vi nguy cơ cao.