Ngày 25/1/2024, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về cung cấp, sử dụng xét nghiệm tải lượng HIV, xét nghiệm CD4 trong theo dõi điều trị ARV nhằm cập nhật kết quả xét nghiệm tải lượng HIV, CD4 trong theo dõi điều trị HIV và xác định các khó khăn, vướng mắc trong việc cung cấp dịch vụ và đưa ra giải pháp trong việc cung cấp các xét nghiệm trên cho người nhiễm HIV đang được điều trị thuốc kháng HIV (thuốc ARV) tại các cơ sở điều trị HIV.
Hội thảo do Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, tổ chức BIDMC; đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội cùng đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Nghệ An, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu và Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ths. Võ Hải Sơn cho biết: nước ta đang trong tiến trình triển khai các can thiệp nhằm hướng đến kết thúc bệnh dịch AIDS vào năm 2030. Trong 3 mục tiêu 90-90-90, chúng ta đã đạt được các kết quả rất đáng khích lệ, cụ thể: Đạt 89% đối với mục tiêu 90 thứ nhất (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình); đạt 80% đối với mục tiêu 90 thứ 2 (90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV) với việc điều trị ARV cho trên 178.000 người nhiễm HIV và đạt 98% đối với mục tiêu 90 thứ 3 (90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát), vượt chỉ tiêu. Theo đó, tỷ lệ người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế đã liên tục duy trì trên 95% qua các năm. Năm 2023, lần đầu tiên độ bao phủ xét nghiệm tải lượng HIV đạt trên 80%, tỷ lệ người bệnh có tải lượng dưới ngưỡng ức chế tiếp tục được duy trì trên 98%.
Ông Sơn cũng cho biết: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khi tải lượng HIV dưới 1000 bản sao/ml thì gần như người nhiễm HIV không làm lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. Vì vậy, kết quả 98% người nhiễm HIV điều trị có tải lượng dưới ngưỡng ức chế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc làm giảm tình trạng lây nhiễm HIV tại Việt Nam khi mà lây truyền qua quan hệ tình dục đang trở thành đường lây truyền chính hiện nay tại Việt Nam.
Ông Sơn nhấn mạnh: Để đạt được điều trị ARV đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao, việc triển khai xét nghiệm CD4 để phát hiện sớm tình trạng HIV tiến triển, thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ là rất cần thiết. Phó Cục trưởng đề nghị: Hội thảo cần xác định các vấn đề, vướng mắc trong việc thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV, xét nghiệm CD4 tại từng địa phương, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc sử dụng quỹ BHYT chi trả cho các xét nghiệm này. Đồng thời, xác định các giải pháp cụ thể tháo gỡ các vấn đề. Giải pháp nào thuộc thẩm quyền của cơ Sở Y tế, giải pháp nào thuộc thẩm quyền của CDC, chính sách, hướng dẫn cụ thể nào cần được ban hành để tháo gỡ các rào cản đó. Và từng bước thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc trả kết quả xét nghiệm, sử dụng kết quả xét nghiệm trong việc triển khai các can thiệp cải thiện chất lượng điều trị ARV.
Tại Hội thảo, Ts. Đỗ Thị Nhàn, Trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS cập nhật về tình hình điều trị và thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV, xét nghiệm tải lượng CD4 trong điều trị HIV/AIDS. Bà cho biết: tính đến 31/12/2023, nước ta có 534 cơ sở điều trị, trong đó 513 CSĐT thuốc ARV nguồn BHYT; 178.928 người nhiễm HIV đang điều trị ARV, trong đó có 154.539 người dùng thuốc ARV nguồn BHYT. Bà cũng chỉ ra một số vấn đề trong triển khai xét nghiệm tải lượng HIV: Độ bao phủ XN tải lượng HIV chưa đồng bộ giữa các tỉnh; thời gian chỉ định XN chưa phù hợp với thời gian chỉ định từ lần XN trước. Hệ thống nhắc lịch XN tải lượng hoạt động chưa hiệu quả. Thời gian trả kết quả từ phòng XN về đến cơ sở điều trị phần lớn trên một tuần. Các báo cáo chưa phân định được số người được XN với số lượt XN. Vướng mắc trong quá trình thanh toán BHYT do thời điểm chỉ định XN nằm ngoài khoảng thời gian quy định tại Quyết định 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2021. Phí đồng chi trả vẫn còn cao đối với một số người bệnh.
Bên cạnh đó, Ts. Nhàn cho biết: vẫn còn một số vấn đề trong cung cấp xét nghiệm tải lượng CD4, có thể kể đến: Số lượng các tỉnh cung cấp được XN CD4 còn hạn chế; Việc chỉ định XN chưa thực hiện thường quy; Máy XN đặt chủ yếu ở CDC, không thanh toán được qua BHYT; Hoạt động XN CD4 (thực hiện tại bộ phận XN của CDC) vì đấu thầu sinh phẩm và hoá chất còn gặp nhiều khó khăn; Một số đơn vị cung cấp XN CD4 có giá thành cao hơn giá do BHYT chi trả.
Trước tình hình này, trong năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng điều trị ARV, điều trị ARV trong ngày, điều trị ARV nhanh; thúc đẩy triển khai quản lý bệnh HIV tiến triển; tiếp tục mở rộng xét nghiệm tải lượng HIV và XN CD4, bao gồm XN do BHYT chi trả; mở rộng điều trị các bệnh đồng nhiễm gồm bệnh viêm gan C, bệnh lao. Mở rộng quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm, bao gồm bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, sàng lọc ung thư cổ tử cung và sức khỏe tâm thần ở người nhiễm HIV; xem xét khả năng huy động kinh phí hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với XN tải lượng HIV.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu được Bs. Phạm Thanh Thủy, đại diện tổ chức BIDMC trình bày về nội dung quản lý HIV tiến triển và vai trò xét nghiệm CD4 và tải lượng vi rút HIV.
Các đại biểu chia nhóm thảo luận về các vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp, mô hình cung cấp dịch vụ nhằm khắc phụ các vướng mắc trong thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV, xét nghiệm CD4 và triển khai quản lý HIV tiến triển./.