CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Hội thảo chuyển tiếp điều trị HIV/AIDS từ cộng đồng vào nhà ...

Thứ Hai, 29/04/2024 | 11:06:12 GMT+7

Hội thảo chuyển tiếp điều trị HIV/AIDS từ cộng đồng vào nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam và ra cộng đồng

21/12/2023 | 373 lượt xem | Thế Hoạt

Ngày 21/12/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Cục Y tế, Cục C10, Cục C11 – Bộ Công an tổ chức Hội thảo chuyển tiếp điều trị HIV/AIDS từ cộng đồng vào nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam và ra cộng đồng. 

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế; Đại tá, TS Nguyễn Sỹ Thanh, Phó Cục trưởng Cục Y tế - Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục C10 – Bộ Công an; Đại tá Nguyễn Văn Yên - Phó Cục trưởng Cục C11 – Bộ Công an cùng đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh: An Giang, Bình Dương, Cần Thơ, Long An.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, được sự phê duyệt của Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Y tế - Bộ Công an đã ký Thỏa thuận với Dự án hỗ trợ kỹ thuật Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và thực hiện các xét nghiệm hỗ trợ điều trị HIV/AIDS cho can phạm nhân tại 31 trại giam và 35 trại tạm giam. 
Từ năm 2021 đến 9/2023, Dự án Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV cho 143.946 can phạm nhân nhập trại, trong đó phát hiện 2.802 trường hợp can phạm nhân vào trại dương tính với HIV (chiếm tỷ lệ 1,9%); điều trị và chăm sóc HIV/AIDS cho trung bình 3.650 lượt phạm nhân/năm; xét nghiệm tải lượng HIV, tế bào CD4, công thức máu, chức năng gan, thận cho can phạm nhân điều trị HIV/AIDS theo quy định. Ngoài ra Dự án còn hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các trại giam và trại tạm giam như hệ thống máy tính, máy in, biểu mẫu hồ sơ sổ sách, tivi phục vụ truyền thông và các thiết bị khác phục vụ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Kết quả xét nghiệm tải lượng HIV của can phạm nhân điều trị HIV/AIDS tại 31 trại giam và 35 trại tạm giam do Quỹ Toàn cầu hỗ trợ cho thấy can phạm nhân có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện chiếm tỷ lệ cao (khoảng 95%), tỷ lệ tử vong do AIDS giảm rõ rệt, hầu như không còn trường hợp chết do AIDS, can phạm nhân có sức khỏe tốt, yên tâm cải tạo và tin tưởng vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021 - 2023 còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các trại tạm giam. Nguyên nhân do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong giai đoạn này và các khó khăn liên quan đến nhân lực, tổ chức bộ máy, tư cách pháp nhân, các khó khăn trong hoạt động đấu thầu.
Theo khảo sát của Cục Y tế - Bộ Công an, số phạm nhân nhiễm HIV chuyển đến trại giam có kèm theo phiếu chuyển tiếp điều trị HIV/AIDS chỉ chiếm 40% và chỉ 10% số phạm nhân chuyển đi nhận được phản hồi của nơi tiếp nhận. Số phạm nhân khai nhiễm HIV nhưng không có phiếu chuyển tiếp thì trại giam phối hợp CDC xét nghiệm HIV và điều trị. Đối với phạm nhân đang điều trị HIV/AIDS ra trại trở về cộng đồng thì 100% được ghi phiếu chuyển tiếp. Bệnh nhân HIV/AIDS bị gián đoạn điều trị làm tăng nguy cơ kháng thuốc, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị HIV/AIDS. Nguyên nhân của việc thiếu chuyển tiếp điều trị từ cộng đồng vào cơ sở giam giữ là phạm nhân trước khi vào trại giam phải trải qua quá trình tố tụng, quản lý giam giữ tại nhà tạm giữ, trại tạm giam và thiếu sự kết nối giữa cơ sở giam giữ và cộng đồng nên bị gián đoạn điều trị HIV/AIDS. Một số đối tượng giam giữ có thời gian giam giữ ngắn nên cơ sở giam giữ không thực hiện việc chuyển tiếp điều trị HIV/AIDS cho can phạm nhân.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại tá, TS. Nguyễn Sỹ Thanh, Phó Cục trưởng Cục Y tế - Bộ Công an cho biết: Hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị và chuyển tiếp điều trị HIV/AIDS cho can phạm nhân trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam đã được quy định tương đối đầy đủ về nội dung và giao trách nhiệm rất cụ thể tại Luật, Nghị định và các hướng dẫn có liên quan. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều trường hợp chưa được thực hiện tốt việc chuyển tiếp điều trị từ cộng đồng vào cơ sở giam giữ nên bị gián đoạn điều trị HIV/AIDS. Ông cũng thể hiện mong muốn qua Hội thảo, các đại biểu sẽ cùng thảo luận kỹ lưỡng về thực trạng và tìm ra giải pháp tốt nhất nhằm giảm tình trạng gián đoạn điều trị HIV/AIDS của đối tượng giam giữ, làm tăng kháng thuốc đối với người điều trị HIV/AIDS.

Cũng tại Hội thảo, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị: hội thảo thảo luận về sự cần thiết của việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết quy trình chuyển tiếp điều trị HIV/AIDS từ cộng đồng vào cơ sở giam giữ và từ cơ sở giam giữ ra cộng đồng, để thuận lợi hơn trong việc chuyển tiếp điều trị HIV/AIDS. Làm sao để vừa đảm bảo yêu cầu tố tụng, yêu cầu nghiệp vụ Công an vừa đảm bảo không gián đoạn điều trị HIV/AIDS để tránh kháng thuốc. Đồng thời, tổ chức tập huấn hướng dẫn, phổ biến các quy trình, quy định và cơ chế chuyển tiếp điều trị HIV/AIDS từ cộng động vào Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam rồi ra cộng đồng; tiếp tục thực hiện điều trị đồng nhiễm Viêm gan C cho can phạm nhân nhiễm HIV; Cục Y tế và Cục C10 báo cáo Bộ Công an đề xuất Bộ Tài chính cấp nguồn kinh phí để đảm bảo thuốc điều trị người nhiễm HIV theo quy định phân cấp ngân sách. 
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận về các giải pháp để tăng cường chuyển tiếp điều trị HIV/AIDS làm giảm việc gián đoạn điều trị ARV của đối tượng giam giữ. Làm sao để vừa đảm bảo yêu cầu tố tụng, yêu cầu nghiệp vụ vừa đảm bảo không gián đoạn điều trị HIV/AIDS; thảo luận về sự cần thiết ban hành hướng dẫn chi tiết quy trình chuyển tiếp để thuận lợi hơn trong việc chuyển tiếp điều trị HIV/AIDS; Thảo luận về việc phối hợp giữa cơ sở giam giữ và CDC cấp tỉnh trong việc tra cứu thông tin người nhiễm HIV trên hệ thống phần mềm khi đối tượng bị bắt vào cơ sở giam giữ nhưng khai có nhiễm HIV./.