Vào ngày 6/12/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, hội thảo đối thoại cộng đồng lần thứ hai do Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam phối hợp với Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP. Hồ Chí Minh tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 250 đại biểu, bao gồm chuyên gia y tế, đại diện các tổ chức quốc tế và đại diện các tổ chức cộng đồng. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Giám sát do cộng đồng dẫn dắt – Comminity -Led-Monitoring” do chương trình PEPFAR Hoa Kỳ tài trợ.
Thành viên nhóm Giám sát do cộng đồng dẫn dắt (CLM)
Đối thoại lần này tập trung khai thác sâu hơn vào những rào cản và thách thức mà cộng đồng gặp phải trong quá trình sử dụng các dịch vụ HIV/AIDS như khó khăn khi chuyển tuyến hay chuyển nơi điều trị, tư vấn còn chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của người bệnh, thiếu thuốc ARV phác đồ 2. Mỗi vấn đề được phân tích kỹ lưỡng từ góc độ chính sách, chuyên môn, thực tiễn và nhu cầu khách hàng. Bên cạnh đó, đại diện các tỉnh tham dự cũng chia sẻ sáng kiến địa phương và kinh nghiệm thực tiễn để giải quyết các vấn đề thảo luận.
Phát biểu tại buổi đối thoại, TS.BS. Nguyễn Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Chúng tôi ghi nhận vai trò then chốt của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cộng đồng không chỉ là những người trực tiếp tiếp cận và hỗ trợ các đối tượng có nguy cơ cao, mà còn là cầu nối quan trọng giúp lan tỏa kiến thức, thay đổi nhận thức và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử. Hơn nữa, cộng đồng cũng tham gia tích cực trong việc xây dựng các chính sách, các chương trình hành động thiết thực và phù hợp với nhu cầu thực tế. Chúng tôi cũng đánh giá cao những kết quả cụ thể đã đạt được sau đối thoại lần 1, thể hiện qua các hành động kịp thời và hiệu quả, từ đó khẳng định vai trò không thể thay thế của cộng đồng trong việc đồng hành và hỗ trợ các nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS bền vững.
Tại buổi đối thoại, có nhiều khó khăn được các đại biểu đưa ra xoay quanh 04 chủ điểm chính:
Các tồn tại bệnh nhân gặp phải tại phòng khám ngoại trú: Việc chuyển tuyến gặp nhiều khó khăn do các quy định phức tạp và thủ tục hành chính rườm rà, đặc biệt trong trường hợp chuyển tuyến ngoại tỉnh và các vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, tình trạng phân tuyến kỹ thuật chưa hợp lý cùng với sự thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa tại tuyến huyện đã cản trở việc điều trị hiệu quả các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục và bệnh không lây nhiễm. Đồng thời, tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế làm gia tăng thời gian chờ đợi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của khách hàng.
Nhu cầu và thực trạng trong tiếp cận thông tin và vật phẩm dự phòng: Nguồn cung cấp bao cao su, chất bôi trơn và bơm kim tiêm vẫn còn hạn chế, chưa đa dạng về chủng loại, trong khi tài liệu truyền thông lại thiếu hụt hoặc lỗi thời. Ngoài ra, một số tổ chức cộng đồng (CBO) gặp khó khăn trong việc tiếp cận vật phẩm giảm hại do chưa có tư cách pháp nhân.
Các vấn đề xoay quanh thuốc ARV và xét nghiệm theo dõi điều trị: Việc tiếp cận thuốc ARV phác đồ 2 gặp nhiều khó khăn, buộc khách hàng phải mua thêm thuốc bên ngoài với chi phí cao. Đồng thời, thông tin về thuốc ARV mẫu mã mới còn thiếu, và dịch vụ tư vấn trước và sau xét nghiệm định kỳ chưa được đảm bảo. Nhiều khách hàng không được thông báo kịp thời về tình trạng sức khỏe, đặc biệt liên quan đến gan và thận. Tỷ lệ người điều trị ARV trên 5 năm gặp vấn đề về thận khá cao, trong khi ở một số địa phương, khách hàng chưa được xét nghiệm định kỳ đầy đủ.
Góc nhìn cộng đồng và bài học kinh nghiệm về Hợp đồng xã hội: Khung pháp lý chưa hoàn thiện gây cản trở trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng, trong khi năng lực của một số tổ chức xã hội, đặc biệt về quản lý tài chính, vẫn còn hạn chế. Quy trình đấu thầu thiếu thuận tiện, thời gian thực hiện hợp đồng ngắn nhưng chỉ tiêu lại cao, tạo thêm áp lực. Dù vậy, các tổ chức xã hội vẫn mong muốn tiếp tục tham gia hợp đồng xã hội.
Tại hội thảo, đại diện từ các tỉnh, thành phố đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai hoạt động.
Bác sĩ Ngọc, phụ trách khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc CDC Đồng Nai, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ bệnh nhân chuyển tuyến bằng cách tạo điều kiện làm hồ sơ, hỗ trợ những trường hợp chưa có bảo hiểm y tế và liên hệ xác minh thông tin trước khi chuyển tuyến. Đồng thời, nhấn mạnh việc tăng cường vai trò của nhóm hỗ trợ cộng đồng tại phòng khám và khuyến khích khách hàng chủ động tìm hiểu thông tin, nắm rõ quy trình và thủ tục.
CDC Tiền Giang chia sẻ kinh nghiệm chủ động sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm vật phẩm giảm hại, phân phối cho các trung tâm y tế và nhóm Niềm tin. Đồng thời, đơn vị này nhấn mạnh vai trò quan trọng của đồng đẳng viên và các tổ chức cộng đồng (CBO) trong hoạt động truyền thông và cung cấp vật phẩm giảm hại.
Bác sĩ Sơn, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc CDC Long An, chia sẻ về việc phân phối tài liệu truyền thông và vật phẩm giảm hại cho các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường thông qua dự án Quỹ Toàn cầu.
Bác sĩ Mai, Phó Trưởng phòng Điều trị Cục Phòng, chống HIV/AIDS, khẳng định rằng thuốc ARV đã được quan tâm đặc biệt, nguồn cung ứng từ bảo hiểm y tế đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu thuốc do việc mua thuốc theo từng loại thay vì theo phác đồ. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết đã bổ sung thuốc từ Quỹ Toàn cầu để hỗ trợ bệnh nhân trong thời gian chờ thuốc từ bảo hiểm y tế. Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn về xét nghiệm định kỳ khi điều trị HIV, song việc thực hành tại các cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, Ông Đỗ Đăng Đông, đại diện Mạng lưới Người sống với HIV, nhấn mạnh: Rất nhiều người sống với HIV gặp vấn đề về chức năng thận, thậm chí là suy thận cấp độ 1, vì vậy cần tư vấn cho bệnh nhân về các chỉ số xét nghiệm sớm. Cục nên thúc đẩy việc sử dụng phác đồ hai thuốc sớm để giảm thiểu tác dụng phụ, đặc biệt là đối với suy thận và loãng xương. Khi chuyển sang thuốc có tên thương mại và mẫu mã khác, cần tư vấn cho bệnh nhân để họ cảm thấy yên tâm hơn.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Bà Lin Liu, Điều phối viên Văn phòng PEPFAR tại Hà Nội khẳng định: PEPFAR sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là vận động để tiếng nói cộng đồng trở thành một phần trong nỗ lực của Chính phủ. Tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Lê Thành Long và các đối tác quốc tế diễn ra bên lề Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12, tất cả các đối tác đều đồng lòng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đảm bảo tính bền vững của chương trình trong 5 năm tiếp theo. Bà Lin Liu bày tỏ sự ủng hộ mô hình hợp đồng xã hội như là bước đi cần thiết hướng tới bền vững tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bà cũng nhấn mạnh trái tim của chương trình là sự tham gia của cộng đồng và kêu gọi mọi người tiếp tục đồng hành để hướng tới mục tiêu chung của Việt Nam là một Việt Nam vững mạnh và không còn HIV.
Hội thảo đã khép lại với sự đồng thuận cao của các bên liên quan về việc tiếp tục đầu tư nguồn lực và phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Dự kiến Đối thoại cộng đồng lần 3 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2025.