Ngày 02/10/2024, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) cùng Đại học Y Hà Nội tổ chức Hội thảo dự phòng và điều trị cho người sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine (ATS).
Hội thảo do Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng PGS.TS. Lê Minh Giang, Phó Giám đốc phụ trách, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu về Lạm dụng chất và HIV, Đại học Y Hà Nội và bà Sanita Suhartono, chuyên gia toàn cầu về điều trị ma túy của UNODC đồng chủ trì với sự quan tâm tham dự của các đại biểu đến từ các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Bộ Lao động, thương binh và Xã hội; Đại học Y Hà Nội, Đại học Lao động xã hội; Vusta; các nhóm cộng đồng và các tổ chức quốc tế: UNODC, UNAIDS, CDC Hoa Kỳ và hơn 100 đầu cầu trực tuyến từ 63 tỉnh/thành phố.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Thực trạng sử dụng chất kích thích đang có xu hướng ngày càng gia tăng và khó kiểm soát, đặc biệt là các loại ma túy mới được sản xuất ngày càng nhiều, hiệu lực ngày càng cao, giá thành ngày càng rẻ, là những thách thức rất lớn mang tính toàn cầu. Trong khi đó, những nghiên cứu về dược lý học cũng như tác hại của ma túy mới chưa được nhiều, phương pháp điều trị chưa đáp ứng tạo nên một vấn nạn ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần và an ninh xã hội, kinh tế. Tất cả thực trạng đó đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp của tất cả các bên liên quan, không riêng một quốc gia nào.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ths. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Phòng chống HIV/AIDS là mối quan tâm lớn của ngành Y tế, LĐ-TBXH, Công an với mục tiêu ưu tiên là giảm cả cung và cầu các chất kích thích, trong đó giảm cầu là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế, đặc biệt là khi mà thực trạng cung cầu ma túy đang ngày càng gia tăng và trở nên phức tạp. Việc các đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo này là hết sức có ý nghĩa, nhằm cung cấp thông tin về thực trạng sử dụng chất kích thích dạng amphetamine (ATS) và các vấn đề y tế liên quan tại Việt Nam và trong khu vực; chia sẻ và lấy ý kiến về kết quả của các nghiên cứu thử nghiệm, thảo luận về giải pháp can thiệp dự phòng và điều trị cho người sử dụng ATS.
Bà Sanita Suhartono, chuyên gia toàn cầu về điều trị ma túy của UNODC cho rằng: Việt Nam với những hành động quyết liệt cho mục tiêu giảm cả cung và cầu các chất kích thích hướng thần đang là một điểm sáng trong liên minh toàn thế giới thực hiện Sáng kiến toàn cầu “ScaleUp”. Với sự hỗ trợ của UNODC, hi vọng rằng trong thời gian tới, tại Việt Nam với mục tiêu 3 giảm (cung, cầu, tác hại) trong phòng chống ma túy sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được các báo cáo viên chia sẻ nhiều thông tin nóng về tình hình sử dụng ATS và một số loại ma túy tổng hợp khác trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á; về việc can thiệp dự phòng HIV trong một số nhóm quần thể có hành vi nguy cơ cao tại Việt Nam; về Sáng kiến toàn cầu “Scale UP” thúc đẩy can thiệp điều trị cho người sử dụng ATS; về kinh nghiệm thực tế can thiệp tâm lý xã hội cho người sử dụng ATS tại Việt Nam là người quan hệ tình dụng đồng giới nam, là người trẻ, là phụ nữ…
Bà Morgane Bernard, UNODC có bài trình bày về tình hình sử dụng ATS và một số loại ma túy tổng hợp khác trên thê giới và trong khu vực Đông Á
TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS có bài trình bày về tình hình sử dụng ATS và các can thiệp dự phòng HIV trong một số nhóm quần thể có hành vi nguy có cao tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Thu Trang, Đại học Y Hà Nội trình bày về triển vọng can thiệp tâm lý xã hội giảm sử dụng ATS trong một số quần thể nguy cơ cao tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã thảo luận về nguồn lực, về triển vọng can thiệp dự phòng và điều trị cho người sử dụng ATS, trong điều trị nghiện ma túy tại Việt Nam…
Đại biểu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Đại biểu nhóm cộng đồng
Cũng trong khuôn khổ thảo luận về dự phòng và điều trị cho người sử dụng chất kích thích ATS, ngày 3/10 sẽ diễn ra tọa đàm chuyên môn về “Cơ hội tiếp cận, chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy tại cộng đồng” để chia sẻ kết quả tổng quan tài liệu “Cơ hội chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy tại Việt Nam”; thảo luận các hoạt động tiếp theo nhằm thí điểm mô hình hỗ trợ tiếp cận, chăm sóc và điều trị người sử dụng ma túy trong cộng đồng. Tọa đàm này có sự tham dự của các chuyên gia đến từ Đại học Y Hà Nội, UNODC, INL Việt Nam; Vụ khoa giáo-văn xã thuộc Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TBXH), Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), US CDC…
Toàn thể đại biểu chụp ảnh lưu niệm