CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin bộ, ngành TW > Hội thảo giải pháp tài chính bền vững cho y tế dự phòng và ...

Thứ Sáu, 27/12/2024 | 01:49:07 GMT+7

Hội thảo giải pháp tài chính bền vững cho y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS

01/09/2023 | 747 lượt xem | Bích Phượng

Sáng ngày 31/8/2023 tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo giải pháp tài chính bền vững cho y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS.
 

Tham dự Hội thảo cơ hơn 200 đại biểu gồm: Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Hoàng Mai, Bà Đỗ Thị Lan, Ông Nguyễn Thuần Phong là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Tham dự hội thảo còn có các đại biểu là Ủy viên thường trực của Ủy ban Xã hội của Quốc hội; các đại biểu đại diện cho Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội; Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của 39 tỉnh, thành phố. Về phía Bộ Y tế có PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS; TS. Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng; các đại biểu đại diện cho các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Về phía các tổ chức quốc tế có bà Maria Elena Borromeo Filio, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam; Ông Randolph Augustin, Giám đốc Chương trình Y tế, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Các tổ chức quốc tế đang hỗ trợ triển khai các dự án do PEPFAR và Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ.

Lãnh đạo Uỷ ban Xã hội của Quốc hội điều hành Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết: Công tác y tế dự phòng đã được xác định có tầm quan trọng đặc biệt trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, do vậy Đảng và Nhà nước cũng đã rất quan tâm đến công tác y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS. Theo tinh thần Nghị quyết số 18/2008/QH12, phải dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Giai đoạn 2016 – 2022, tổng kinh phí ngân sách trung ương bố trí cho hoạt động y tế dự phòng là 15.423,811 tỷ đồng. Song trên thực tế, tỷ lệ này không được đảm bảo 30%. Trong 10 năm trở lại đây, các chương trình viện trợ không hoàn lại bị cắt giảm. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chương trình mục tiêu về y tế - dân số kết thúc. Nguồn kinh phí cho y tế dự phòng chủ yếu phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước nên còn nhiều hạn chế. 

Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội phát biểu khai mạc

Giai đoạn 2018 – 2022, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi Ngân sách nhà nước tăng dần qua các năm nhưng vẫn thấp và dưới 30% (trừ năm 2021 do ảnh hưởng của Covid 19). Một số địa phương có tỷ lệ chi cho Y tế dự phòng đạt trên 30% như Yên Bái, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh, Thái Bình, Thái Nguyên, Tây Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên hầu hết vẫn ở dưới 30%. Đặc biệt có Quảng Ngãi (từ 12-19%), Gia Lai (từ 6-9%).
Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết thêm: Kể từ năm 2021 khi chương trình Quốc gia về Y tế - Dân số không còn được thực hiện, các hoạt động liên quan đến y tế dự phòng đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt giai đoạn qua, nổi cộm lên vấn đề tiêm chủng, hoạt động tiêm chủng các địa phương đều rất vướng. 

TS. Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế báo cáo tại Hội thảo

Báo cáo tại Hội thảo, TS. Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết:  Hiện nay, Y tế dự phòng đang đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn kinh phí cho y tế dự phòng chủ yếu phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước nhưng mức chi hiện vẫn thấp. Định mức chi cho Y tế dự phòng được phân bổ về cơ bản chỉ mới đáp ứng được mức chi cho con người, chi hành chính như điện, nước, công tác phí…và một phần hoạt động chuyên môn. Hầu hết các đơn vị thuộc hệ Y tế dự phòng có nguồn thu thấp, chủ yếu dựa vào ngân sách cấp, hầu như không có nguồn thu và chưa khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực của đơn vị. Ngược lại, cũng có nhiều đơn vị chưa được đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực đúng mức. Mặc dù một số đơn vị đã được giao quyền tự chủ, tuy nhiên các đơn vị không được tự xác định mức thu giá dịch vụ và vẫn phải tuân thủ mức giá trần do Bộ Tài chính quy định nên chưa đảm bảo phần bù đắp, chi phí.
Chia sẻ tại Hội thảo, Bà Maria Elena Borromeo Filio, Giám đốc quốc gia Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (UNAIDS) cho biết:  Nhìn ra khu vực và thế giới, đầu tư cho y tế dự phòng nói chung, cho các chương trình can thiệp hướng tới các nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và đầu tư trong nước cho dự phòng HIV còn cách xa so với nhu cầu. Nguồn lực cho phòng chống HIV ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không tăng trong những năm gần đây, khiến không thể lấp đầy khoảng trống về nhu cầu nguồn lực thực hiện các mục tiêu về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. 

Bà Maria Elena Borromeo Filio, Giám đốc quốc gia UNAIDS Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Nhìn vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chi tiêu cho phòng chống HIV cho nhóm nguy cơ cao bao gồm phòng ngừa, can thiệp HIV và can thiệp xã hội chỉ chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu. Rõ ràng nguồn tài chính dành cho nhóm có nguy cơ cao không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều này cho thấy nguồn tài chính trong nước cho công tác phòng chống HIV ngày càng trở nên quan trọng hơn. 

TS. Dương Thúy Anh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế báo cáo tại Hội thảo

Chia sẻ về thực trang nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, TS. Dương Thúy Anh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 10 năm qua (từ năm 2012-2022) đã có nhiều thay đổi, ngân sách viện trợ quốc tế đóng góp tới hơn 70% cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS năm 2012 thì tỷ trọng này năm 2022 giảm chỉ còn khoảng 50%, trong khi ngân sách trong nước từ tất cả các nguồn đã tăng từ 30% năm 2012 lên khoảng 50% năm 2022. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng đang đối mặt với một số các thách thức về tài chính bền vững như: Viện trợ quốc tế đã chuyển đổi cơ chế hỗ trợ từ cung cấp dịch vụ trực tiếp sang hỗ trợ kỹ thuật; địa bàn hỗ trợ cũng chỉ tập trung tại một số tỉnh trọng điểm lớn và có lộ trình chấm dứt viện trợ sau năm 2030. Trong khi đó ngân sách trong nước phân cấp chi theo Luật ngân sách và đến nay vẫn còn 8/63 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt kế hoạch đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS; 52/63 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt nội dung chi và định mức chi cho HIV/AIDS.
Tại Hội thảo, các đại biểu còn được nghe các báo cáo chia sẻ về sự cần thiết phải có cơ chế để hợp đồng với các tổ chức xã hội tham gia cung cấp dịch vụ bằng nguồn ngân sách nhà nước do ông Randolph Augustin, Giám đốc Chương trình Y tế, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trình bày và tham luận của y tế các địa phương về những khó khăn, bất cập của tài chính cho công tác y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS. 

Bà Nguyễn Thúy Anh,Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội phát biểu bế mạc

Kết luận Hội thảo, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá cao sự tham gia của các đại biểu. Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu, báo cáo viên cung cấp thông tin, trao đổi, chia sẻ thông tin tài chính cho dự phòng và HIV, những thuận lợi khó khăn vướng mắc kể các vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách pháp luật. Các thông tin này rất có giá trị như là thông tin phục vụ việc giám sát của các đại biểu Quốc hội và đại biểu dân cử, nó cũng góp phần cung cấp thông tin trong việc xây dựng và hoàn thiện luật pháp. 
Thời gian tới, trong định hướng xây dựng pháp luật của Quốc hội có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực này bao gồm Luật khám bệnh chữa bệnh, Luật phòng bệnh, do vậy bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị Bộ Y tế và cơ quan liên quan quan tâm đến tổng kết việc thực hiện các chính sách của y tế dự phòng bao gồm đánh giá chính sách về lĩnh vực tài chính bền vững cho y tế dự phòng và HIV/AIDS. 

Toàn cảnh Hội thảo