Ngày 28/8, tại TP. Hồ Chí Minh, được sự hỗ trợ của tổ chức CDC Hoa Kỳ, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Ban Tuyên giáo - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức hội thảo "Phổ biến hướng dẫn triển khai phòng chống HIV/AIDS cho công nhân lao động".
Đây là Hội thảo phổ biến đầu tiên được tổ chức sau khi Cục Phòng, chống HIV/AIDS ban hành Hướng dẫn phòng chống HIV/AIDS cho công nhân lao động. Năm 2023, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cập nhật, bổ sung và ban hành cuốn tài liệu “Hướng dẫn phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động” kế thừa từ tài liệu “Hướng dẫn triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc” do Bộ Y tế ban hành năm 2010 nhằm giúp các doanh nghiệp và các đơn vị triển khai phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động một cách thuận lợi và phù hợp với xu hướng phát triển về công nghệ thông tin của xã hội, các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong ngành y tế.
Tham dự và chủ trì Hội thảo có ThS.BS Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bà Amy Frances Bailey, Phó Giám đốc Chương trình lao và HIV - CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, cùng đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật và Liên đoàn lao động tại 8 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng và TPHCM.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ths. Bs. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Trong luật phòng chống HIV có nêu rõ quy định về phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc, căn cứ vào đó, thời gian qua Cục đã ban hành tài liệu phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc. Tuy nhiên, qua đánh giá sơ bộ cho thấy hiệu quả chưa cao vì chỉ đưa ra văn bản mà chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên. Điều này khiến các hoạt động rất khó triển khai.
Ông Võ Hải Sơn cũng bày tỏ quan ngại: Hiện nay theo quy định của ngành y tế vẫn xếp người HIV là sức khỏe yếu, AIDS là rất yếu, những điều kiện này không đủ để lao động tại nơi làm việc. Thực tế các khu công nghiệp lớn quản lý bảo hiểm y tế theo ngành, khi người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm, thông tin rất dễ bị lộ từ hệ thống. Nếu không tuyên truyền kĩ văn bản quy phạm pháp luật thì việc xếp người nhiễm HIV/AIDS vào loại sức khỏe yếu kém cộng với việc lộ thông tin, sẽ đẩy họ ra khỏi môi trường lao động, mất đi thu nhập, khó sinh tồn trong cộng đồng.
Chính vì vậy, Phó Cục trưởng Võ Hải Sơn hy vọng bộ tài liệu sẽ được đi vào thực tiễn cuộc sống, là cẩm nang cho các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa hai ngành của Bộ Y tế và LĐLĐVN để tổ chức hội thảo hết sức ý nghĩa về hướng dẫn phổ biến quy định cũng như triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS cho công nhân lao động.
Ông Vũ Mạnh Tiêm cho biết, chỉ còn hơn 6 năm nữa, tức đến năm 2030, Việt Nam cam kết kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, tình hình HIV/AIDS không lắng xuống mà có dấu hiệu tăng nhất là ở 2 nhóm: công nhân ở các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên. Hai năm qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và LĐLĐVN đã phối hợp tổ chức 6 hội thảo ở các địa phương, đã đi khảo sát điều kiện sống của công nhân các vùng miền để nắm rõ tình hình thực tiễn.
Ông Tiêm cũng đánh giá cao việc Cục phòng chống HIV/AIDS đã tích cực tìm giải pháp tăng cường phòng, chống HIV/AIDS cho CNLĐ, bảo vệ sức khỏe cho CNLĐ; cũng như nhóm dự thảo tài liệu đã làm việc rất nghiêm túc để soạn thảo được bộ tài liệu hết sức hữu ích này.
Ông thể hiện hy vọng tài liệu này sẽ được tuyên truyền phổ biến rông rãi đến các cấp công đoàn, giúp các cấp công đoàn nâng cao nhận thức, tuyên truyền để công nhân hiểu, nắm bắt thông tin về HIV/AIDS, đồng thời tạo được sự phối hợp hết sức trách nhiệm của doanh nghiệp và các ngành chức năng để cùng chăm lo sức khỏe cho người lao động.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Amy Frances Bailey, Phó Giám đốc Chương trình lao và HIV - CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: trong những năm qua, CDC Hoa Kỳ nhận thấy tầm quan trọng của hợp tác, đối tác đa ngành nhằm giảm thiểu tác động của dịch HIV một cách hiệu quả hơn. Đây là lý do CDC Hoa Kỳ đã hợp tác với Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở nhiều cấp khác nhau để tăng cường phòng ngừa HIV tại nơi làm việc. Trong hai năm qua, rất nhiều hoạt động đã được triển khai bao gồm các hội thảo vận động chính sách ở tuyến tỉnh, xây dựng hướng dẫn, đào tạo, tổ chức các sự kiện truyền thông nhằm tăng cường kiến thức về HIV cho lãnh đạo, quản lý, công đoàn và người lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Các dịch vụ dự phòng và điều trị toàn diện đã được cải thiện và người lao động có nguy cơ có thể tiếp cận được, đặc biệt là lao động nam trẻ.
Bà thể hiện tin tưởng hướng dẫn này sẽ là nguồn tài liệu thiết yếu và có giá trị khi thực hiện các hoạt động truyền thông và can thiệp nhằm giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó, người sử dụng lao động có thể có thêm nhiều lợi ích hơn từ một lực lượng lao động gắn kết và năng suất hơn. CDC Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo rằng tất cả các nhóm đối tượng đích là người lao động đều có thể tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu. Điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được một thế hệ không có HIV và có được lực lượng lao động khỏe mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu được Ths. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV chia sẻ về Hướng dẫn phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động. Trong bộ tài liệu hướng dẫn có các nội dung như tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS cho CNLĐ; một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho CNLĐ; hướng dẫn tổ chức thực hiện phòng, chống HIV/AIDS cho CNLĐ. Về mặt chi tiết, tài liệu hướng dẫn rõ các công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, triển khai tư vấn xét nghiệm, thành lập ban phòng, chống HIV/AIDS, các chính sách phòng, chống HIV/AIDS...
Ths. Bs. Nguyễn Quỳnh Mai, Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ về tình hình dịch HIV/AIDS tại VN
Trong hội thảo này, các đại biểu được chia sẻ về tình hình diễn biến HIV/AIDS hiện nay tại Việt Nam; một số địa phương và tổ chức xã hội chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động. Những bài học kinh nghiệm, những thuận lợi khó khăn trong việc phối hợp triển khai các hoạt động.
Độc giả có thể tải toàn văn Hướng dẫn tại : Hướng dẫn phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động (vaac.gov.vn)