CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Tin hoạt động của Cục > Hội thảo sơ kết giữa kỳ Kế hoạch điều trị dự phòng trước ...

Thứ Năm, 12/12/2024 | 00:24:28 GMT+7

Hội thảo sơ kết giữa kỳ Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025

27/08/2024 | 1484 lượt xem | Trương Ngọc

Ngày 27 tháng 8 năm 2024, tại Ninh Bình, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo sơ kết giữa kỳ Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025. 

 

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, bà Amaka Nwankwo Igomu, Cố vấn kỹ thuật cao cấp về HIV/AIDS, Tổ chức phát triển quốc tế (USAID) Hoa Kỳ; bà Rachel Stalnaker Coly, Quản lý dự án USAID/FHI360; bà Khin Zarli Aye, Giám đốc Dự án USAID/PATH; bà Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Y tế Thế giới. 
Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các cơ sở điều trị PrEP của 35 tỉnh/thành phố, các tổ chức quốc tế như, Lãnh đạo và các cán bộ Văn phòng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tổ chức phát triển quốc tế (USAID) Hoa Kỳ, Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, Dự án hợp tác Việt Nam- CDC Hoa Kỳ (EPIC), PATH, Dự án EpiC/USAID.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao sự nỗ lực của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế, các tổ chức quốc tế đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo này cũng như các chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Thứ trưởng đặc biệt cảm ơn sự tham gia và hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và chương trình PrEP nói riêng và mong rằng các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục chung tay với Bộ Y tế Việt Nam để mở rộng triển khai chương trình PrEP trong thời gian tới, hỗ trợ Việt Nam hoàn thành mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.


TS. BS. Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS trình bày về kết quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025. Hết quý II/2024, có hơn 112.000 lượt khách hàng sử dụng PrEP ít nhất 1 lần. Với kết quả này, Việt Nam trở thành nước dẫn đầu Châu Á – Thái Bình Dương về số người điều trị PrEP (PrEP uptake), đồng thời PrEP được xác định là một can thiệp ưu tiên để hướng tới kết thúc AIDS vào 2030. Bài học thành công, kinh nghiệm, thực hành tốt về triển khai PrEP của Việt Nam đã được báo cáo, chia sẻ với các quốc gia khác trên các diễn đàn Quốc tế. 
Kể từ khi chương trình PrEP được thí điểm tại Việt Nam vào năm 2017, trở thành chương trình quốc gia vào năm 2019, đến nay có 35 tỉnh/thành phố trên cả nước đang cung cấp dịch vụ này. Các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP được đa dang, gồm mô hình cố định tại cơ sở y tế, mô hình lưu động tại các địa bàn, khu vực phù hợp với nhu cầu của quần thể đích. Trong giai đoạn bị tác động bởi dịch COVID-19, Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến để hỗ trợ khách hàng không bị gián đoạn dịch vụ điều trị PrEP. Đặc biệt, PrEP là một minh chứng cho sự tham gia của y tế tư nhân trong việc cung cấp các can thiệp dự phòng nhiễm HIV, bao gồm các cơ sở y tế do chính cộng đồng quần thể đích thực hiện. 
Tại Hội thảo, TS. BS. Đỗ Thị Nhàn cho biết, 80% đối tượng nguy cơ cao sử dụng PrEP là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, tỷ lệ khách hàng được sàng lọc các bệnh lây truyền tình dục còn thấp và tỷ lệ khách hàng mắc giang mai cao hơn so với mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (khoảng 60% khách hàng sử dụng PrEP được sàng lọc giang mai, trong đó, 10% khách hàng mắc bệnh giang mai). 

Nhóm cộng đồng S đỏ Cần Thơ chia sẻ về Kết nối, chuyển gửi tới dịch vụ PrEP

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) là việc sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao. PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi quan hệ hình dục không an toàn hiện đang là đường lây truyền HIV chủ yếu tại Việt Nam. Việt Nam là một trong các quốc gia có hệ thống văn bản chính sách thống nhất trong triển khai PrEP, từ Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi năm 2020, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật đến các văn bản hướng dẫn quốc gia triển khai PrEP được Bộ Y tế ban hành.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì và mở rộng bền vững chương trình PrEP nhằm hướng đến kết thúc bệnh dịch AIDS vào năm 2030. Đến nay, phần lớn các dịch vụ cho PrEP, bao gồm thuốc ARV là được sự viện trợ từ Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét, PEPFAR. Sự viện trợ này có giới hạn. Trong khi kích cỡ quần thể có nguy cơ nhiễm HIV có dấu hiệu gia tăng mạnh và đang có xu hướng trẻ hóa. Vấn đề được đặt ra ở đây là các hoạt động tạo cầu tiếp cận với quần thể đích cần được thực hiện như thế nào để có tối đa số lượng quần thể này biết PrEP, lựa chọn sử dụng và tuân thủ điều trị PrEP. Nguồn tài chính bền vững cho việc cung cấp PrEP khi nguồn lực quốc tế cắt giảm mạnh và bảo hiểm y tế chưa chi trả cho PrEP đang là thách thức lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống, cần có các mô hình cung cấp dịch vụ và các chính sách tài chính đặc thù để triển khai. 


TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Y tế Thế giới cập nhật khuyến cáo mới của WHO về PrEP bao gồm: PrEP đường uống có Tenofovir, Vòng đặt âm đạo và PrEP đường tiêm có tác dụng kéo dài


Toàn cảnh hội thảo

Định hướng trong thời gian tới, chương trình PrEP cần được triển khai theo hướng bền vững để góp phần kết thúc bệnh dịch AIDS vào năm 2030: (1) Mở rộng chương trình PrEP; (2) Đa dạng các hoạt động truyền thông tạo cầu phù hợp với quần thể đích; phối hợp với Bộ LĐTBXH, Bộ Giáo dục – Đào tạo, TW Đoàn TNCS HCM, Hội sinh viên… để tiếp cận người có nguy cơ cao nhiễm HIV, bao gồm cả nhóm khách hàng dưới 18 tuổi; (3) Đa dạng mô hình cung cấp dịch vụ PrEP, lồng ghép tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm phù hợp với quần thể đích; (4) Huy động sự tham gia của y tế tư nhân, bao gồm các cơ sở do quần thể đích thực hiện, trong cung cấp dịch vụ PrEP; (5) Tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ cho PrEP: Thực hiện các giải pháp tiếp cận bền vững đỗi với PrEP khi các đối tác và dự án cắt giảm hỗ trợ; từng bước triển khai xã hội hoá và thực hiện các giải pháp đảm bảo sự bền vững của chương trình; (6) Triển khai các giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc, sinh phẩm và các dịch vụ cần thiết cho triển khai PrEP; (7) Kiện toàn và tăng cường chất lượng các dịch vụ PrEP: Cập nhật khuyến cáo của WHO, CDC về PrEP như các thuốc mới (PrEP uống, tiêm …), phác đồ mới, cách cách tiếp cận triển khai các mô hình mới; (8) Thí điểm triển khai lộ trình tài chính bền vững cho PrEP (đồng chi trả và cung cấp dịch vụ thương mại…).


Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Cùng với điều trị ARV hiệu quả để tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng phát hiện (K=K), PrEP là can thiệp hữu hiệu góp phần kết thúc bệnh dịch AIDS vào năm 2030.