Ngày 29/9, tại Long An, Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An tổ chức Hội thảo tham vấn lộ trình thực hiện đơn đặt hàng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đối với tổ chức xã hội từ Nguồn Ngân sách nhà nước.
Tham dự Hội thảo có Ông Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế; Bà Asia Nguyễn, chuyên gia cao cấp tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Nguyễn Bích Huệ, đại diện UNAIDS tại Việt Nam, đại diện tổ chức CCRD cùng đại diện Sở Y tế Long An, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An; đại diện Sở Tài chính Long An; đại diện 15 Trung tâm Y tế quận huyện trên địa bàn tỉnh cùng đại diện các tổ chức cộng đồng tại địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Asia Nguyễn, chuyên gia cao cấp tổ chức CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, khu vực tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ xã hội đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước. Vì vậy, việc chuyển giao một phần dịch vụ công do Nhà nước quản lý sang khu vực tư nhân sẽ tạo ra sự cạnh tranh, mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dân. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn giữ vai trò quan trọng nhất trong đảm bảo cung cấp dịch vụ công và vai trò này cần thể hiện rõ hơn trong đẩy mạnh quản lý cung ứng dịch vụ công bằng luật pháp, chính sách và các biện pháp mang tính hỗ trợ, kích thích.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được ông Hà Trường Giang, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế báo cáo rà soát các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến sử dụng nguồn ngân sách để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ công trong phòng, chống HIV/AIDS với các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp xã hội. Qua rà soát cho thấy, về cơ bản Nhà nước đã có các quy định về cơ chế chính sách chung để huy động cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Các quy định này cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như tham gia cung cấp dịch vụ công ích trong phòng, chống HIV/AIDS nói riêng; cơ chế tham gia dịch vụ công ích trong phòng, chống HIV/AIDS thông qua đấu thầu cung cấp dịch vụ; nguồn tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như cung cấp dịch vụ công ích phòng, chống HIV/AIDS nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm thì các văn bản pháp luật liên quan đến ký hợp đồng cung cấp dịch vụ công trong phòng, chống HIV/AIDS với các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp xã hội vẫn còn những bất cập xuất phát từ bản thân các văn bản và từ toàn bộ hệ thống pháp luật và từ thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, trước mắt cần xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý: Quyết định ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công trong phòng, chống HIV/AIDS, trong đó xác định cụ thể các dịch vụ trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS mà Nhà nước phải đảm bảo thực hiện và cơ chế cung cấp đối với từng loại dịch vụ này; Quyết định phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công trong phòng, chống HIV/AIDS, trong đó xác định cụ thể các yếu tố cấu thành giá dịch vụ trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS và định mức kinh tế kỹ thuật để có thể thực hiện được việc cung cấp với từng loại dịch vụ này; Thông tư ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công trong phòng, chống HIV/AIDS, trong đó xác định cụ thể giá từng loại dịch vụ sự nghiệp công trong phòng, chống HIV/AIDS.
Cũng tại Hội thảo, ông Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV chia sẻ về các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đề xuất cung cấp thông qua hợp đồng xã hội
Hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS là: Một bản hợp đồng có tính ràng buộc giữa bên A (đại diện 1 đơn vị có tư cách pháp nhân của nhà nước) và bên B (1 đơn vị ngoài nhà nước - ở đây là Tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng), qua đó bên A và bên B thống nhất cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV được yêu cầu, với chi phí theo thỏa thuận.
Việc xây dựng gói dịch vụ nhằm hỗ trợ các đơn vị được giao ngân sách phòng, chống HIV/AIDS lựa chọn các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để thử nghiệm hoặc triển khai hợp đồng xã hội có hiệu quả. Đồng thời, giúp cho việc xây dựng và ban hành hướng dẫn triển khai hợp đồng xã hội thống nhất trên toàn quốc. Với nguyên tắc chung: tất cả các dịch vụ mà các tổ chức xã hội có khả năng cung cấp và đáp ứng được các quy định hiện hành. Những ưu tiên lựa chọn trong hợp đồng gồm: Các dịch vụ mà tổ chức xã hội có thế mạnh, các dịch vụ có thể đo lường được kết quả, đánh giá, kiểm định kết quả rõ ràng, các dịch vụ thiết yếu của từng địa phương để đạt tác động cao nhất với dịch HIV. Tập trung: nhóm dịch vụ dự phòng, nhóm dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV và điều trị, chăm sóc HIV/AIDS.
Đoàn chủ tịch điều hành thảo luận lại Hội thảo
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và nhiều đóng góp, chia sẻ của các đại biểu tham dự.
Đại diện tổ chức CCRD chia sẻ kinh nghiệm triển khai dịch vụ hợp đồng xã hội
Đại diện Trung tâm y tế chia sẻ khó khăn khi triển khai hoạt động
Trọng Hợi