CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS - BỘ Y TẾ

Trang chủ > Tin tức > Tin tức - sự kiện > Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp Bộ Công an tổ chức Hội ...

Thứ Bảy, 21/12/2024 | 21:49:24 GMT+7

Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp Bộ Công an tổ chức Hội thảo triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong trại tạm giam, trại giam

05/12/2024 | 269 lượt xem | Vân Anh

Ngày 03/12/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong trại tạm giam, trại giam do Dự án hỗ trợ kỹ thuật Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2024 - 2026 tài trợ.

Hội thảo do PGS. TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng đồng chí Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế - Bộ Công an; đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam; đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Yên - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng đồng chủ trì. 
Tham dự Hội thảo còn có sự tham gia của đồng chí Dương Thị Thu Hằng, Giám đốc Bệnh viện 30/4, các đồng chí lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Sóc Trăng, Bến Tre và các lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các đồng chí Giám thị, Phó giám thị trại tạm giam, trại giam tại 18 tỉnh/ thành phố phía Nam, miền Trung.


Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong những năm vừa qua, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã phối hợp chặt chẽ với Cục Y tế và các Cục chức năng của Bộ công an triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, bao gồm: (1)Tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho can phạm nhân mới nhập trại, can phạm nhân nguy cơ nhiễm HIV cao; (2) Điều trị cho gần 4.000 can phạm nhân nhiễm HIV/AIDS mỗi năm; (3)Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trại tạm giam, trại giam về tư vấn xét nghiệm HIV và điều trị HIV/AIDS; (4)Cung cấp các tài liệu hướng dẫn chuyên môn, tài liệu truyền thông, thiết bị cho trại tạm giam, trại giam; (5) Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các trại tạm giam, trại giam triển khai các hoạt động PC HIV/AIDS. Tại Hội thảo này, kế hoạch triển khai hoạt động giai đoạn 2024 - 2026 trong các trại tạm giam, trại giamcần được thảo luận kỹ lưỡng về thực trạng, khó khăn vướng mắc trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, tư vấn xét nghiệm HIV và đặc biệt là đưa ra giải pháp để tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS do Quỹ toàn cầu tài trợ để đạt được kết quả cao.


Đồng chí Thiếu tá Nguyễn Đình Vạn, Phó Trưởng phòng 2, Cục Y tế, Bộ Công an trình bày Khái quát các quy định về phòng, chống HIV trong cơ sở giam giữ. Bộ Công an hiện có 54 trại giam và 69 trại tạm giam quản lý trên 200.000 can phạm nhân. Hàng năm, can phạm nhân nhiễm HIV/AIDS trong cơ sở giam giữ luôn chiếm số lượng lớn, tỷ lệ tử vong do AIDS cao ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, giáo dục và chăm sóc y tế cho đối tượng giam giữ. 
Các đại biểu được nghe Điều phối viên Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS trình bày Tổ chức triển khai các hoạt động giám sát, xét nghiệm HIV và Công tác quản lý tài chính, quản lý tài sản dự án giai đoạn 2024-2026.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu được chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc của các trại tạm giam, trại giam trong việc triển khai các hoạt động dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trong trại giam do Quỹ Toàn cầu hỗ trợ. Các đại biểu cũng được nghe tham luận của Sở Y tế các tỉnh/ thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/ thành phố về việc hỗ trợ các trại tạm giam, trại giam triển khai các hoạt động xét nghiệm HIV, chăm sóc điều trị HIV/AIDS, điều trị viêm gan C.
Đồng thời, các đại biểu cùng thảo luận cơ chế phối hợp giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/ thành phố về việc hỗ trợ các trại tạm giam, trại giam triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Kể từ khi người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990, Việt Nam đã có hơn 30 năm triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của những người bệnh HIV/AIDS. 
Sau hơn 30 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các địa phương, sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức quốc tế với khát vọng đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành một trong những điểm sáng về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại khu vực và toàn cầu. 
Trong những năm qua, Bộ Y tế đã cùng các địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện, cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ chương trình. Chương trình dự phòng, can thiệp giảm hại đã triển khai rộng khắp cả nước như phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đặc biệt trong năm 2023, với gần 100.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Châu Á – Thái Bình Dương về số người được điều trị PrEP, giúp kiểm soát được 98% người sử dụng tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV. Chương trình tư vấn và xét nghiệm HIV được triển khai từ cơ sở y tế đến cộng đồng với nhiều mô hình đa dạng, hàng năm cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cho khoảng hơn 2 triệu lượt người, phát hiện khoảng 13.000 trường hợp nhiễm HIV. Điều trị HIV/AIDS đạt được nhiều thành tựu, hiện tại toàn quốc có hơn 182.000 bệnh nhân được điều trị ARV, Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu Thế giới về chất lượng điều trị HIV với trên 97% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện. Nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng và triển khai phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi, qua đó đã luôn duy trì kiểm soát dịch HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%, từng bước tiến đến cam kết 95-95-95 theo Chiến lược quốc gia đã đề ra. Những kết quả này chứng minh cho sự đổi mới, sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao và chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân.
Để đạt được những thành tựu vô cùng nổi bật, công tác phòng, chống HIV/AIDS những năm vừa qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước. Ban Bí thư đã 03 lần Ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, gần đây nhất là Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Ngoài các Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết 42-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đã nêu rõ đến năm 2030 cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS, chúng ta cũng đã thiết lập được một hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện từ Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản dưới Luật.
Năm nay Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Chủ đề của tháng hành động đã phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.